Wednesday, August 20, 2014

Mẹ trẻ 19 tuổi chưa đăng ký kết hôn bị đuổi khỏi nhà chồng, nay muốn được nuôi con 17 tháng tuổi, phải làm sao?


Hỏi: Kính gửi các luật sư ! em năm nay 19 tuổi, chồng em 20 tuổi. Hiện giờ nhà chồng đuổi em không cho em về với con. Em muốn được nuôi và chăm sóc con. Em phải có những điều kiện gì trong khi chưa đăng ký kết hôn ?

Hiện giờ cả 2 vợ chồng đều chưa có việc làm ổn định và tất cả vẫn phụ thuộc vào bố mẹ. Nhà chồng em thì có điều kiện hơn nhà em. Bố mẹ chồng em chỉ ở nhà ghi lô đề. Em cũng rất sợ bố mẹ chồng em chạy án để giành nuôi cháu, trong khi em chưa có việc làm, nhà cửa cũng chưa có. Thật ra em muốn con em phải có cả cha lẫn mẹ chăm sóc. Nhưng gia đình chồng em thì muốn đuổi em đi chồng em nghe theo lời bố mẹ bỏ em.


Câu chuyện khá dài nhưng nếu em không kể thì có lẽ các luật sư cũng không thể hiểu được hoàn cảnh của em như thế nào. Ý em nói ở đây là sự việc của em có nên mang ra tòa hay phải làm thế nào để hàn gắn để con em có cha và mẹ chăm sóc. Câu chuyện của em như sau :

Ngay từ ban đầu khi còn yêu nhau thì gia đình bên chồng em đã phản đối chúng em không được qua lại vớihau. Chỉ vì em là một người con gái người dân tộc trên vùng núi Lạng sơn. Hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn em lại chẳng xinh đẹp gì mà còn nhỏ bé nữa. Nên em đã không gây được ấn tượng tốt đối với bố mẹ của anh ấy.

Nhưng vì tình yêu chân thành bằng cả tấm lòng chúng em vẫn yêu nhau, dù có sự phản đối của bên gia đình. Rồi em mang thai.

Anh ấy sợ nói với bố mẹ nên chúng em đã cùng nhau bỏ vào trong tỉnh Bình Dương. Khi bố mẹ anh ấy biết tin thì bố anh ấy vào Sài Gòn để đón hai đứa về làm đám cưới. 2 tháng sau thì em sinh cháu trai, cháu sinh non 7 tháng nhưng may mắn thay cháu đã được cứu sống và phát triển bình thường như bao em bé khác.

Em về nhà chồng nuôi con chẳng được bao lâu thì vợ chồng em có mâu thuẫn với nhau. Nhưng không may thay bố mẹ lại ủng hộ anh ấy bỏ em. Nhưng em đã cố chịu đựng dù em sai hay đúng em vẫn xin lỗi bố mẹ, xin lỗi anh ấy và nhiều khi phải cầu xin để được ở lại nuôi con. Một hai lần như vậy bố mẹ em chấp nhận em cho em ở và nuôi con. Nhưng được một thời gian em phát hiện chồng em lăng nhăng bên ngoài với một cô gái khác khi em còn ở nhà chăm sóc con. Em rất đau lòng, em không kiềm chế được cảm xúc nên đã dọa tự tử trong đêm đó nhưng không thành. Lúc đó bố mẹ em vẫn chưa biết.

Sáng hôm sau thì em bỏ về nhà ngoại nhưng bị mẹ chồng phát hiện và bắt em về hỏi rõ. Cuối cùng nhà chồng em quyết định mang trả em về nhà bố mẹ đẻ của em. Lúc đó con em mới 4 tháng gần 5 tháng tuổi. Nhà chồng em ở Hưng Yên cách nhà ngoại em hơn 200km, nên đi phải 4 tiếng mới đến nhà. Khi về nhà có mặt bố mẹ và các bác nhà em khuyên giải, em cũng nhận lỗi vì con em còn phải bú nên bố chồng em chấp nhận và cho em về với con. Về tới nhà thì cũng khoảng 8-9 giờ tối.

Mẹ chồng em đã vô cùng tức giận, chửi mắng, xúc phạm em với những lời lẽ rất khó nghe. Mới vào cổng thì bà ấy đã túm tóc kéo áo lôi em ra ngoài không cho em vào nhà. Bà ấy có dùng chân đạp vào ngực em làm em ngã xuống nền sân nhà. Không ai ngăn cản bà ấy cả. Em vẫn cố đứng dậy van xin, quỳ lạy bà ấy để được ở nuôi con.

Em nghĩ vì con em sẽ chịu đựng tất cả dù bà ấy có đánh em thế nào đi nữa thì em cũng sẽ chịu dù có làm trâu làm ngựa em cũng van xin được ở lại nhà và nuôi con. Em không muốn mất con. Sau 1 hồi như vậy cũng có 1 số chú bác ngăn cản nên bà ấy cũng bớt gay gắt với em dần. Một hai hôm sau bà ấy không đánh em nữa nhưng hằng ngày cứ ở nhà là bà ấy lại chửi mắng em hết sức thậm tệ ( nào là con cave con phò, rồi nói chửi em bằng đi mới thôi..vv....). Bà ấy đã xúc phạm đến em rất nhiều nhưng em vẫn chịu đựng và không cãi lấy nửa lời. Em chỉ biết nói xin lỗi mẹ. Chồng em cũng không nói năng gì cũng chỉ im lặng nghe mẹ mắng chửi.

Do bị áp lực từ mẹ chồng em anh ấy cũng chán nản và nảy sinh ý định mang con bỏ nhà đi. Rồi chúng em cùng bàn kế hoạch bỏ nhà đi như thế nào. Rồi chúng em quyết định 2 đứa bỏ đi mà không mang theo con. Vì chồng em nói thương bố nên để lại cháu cho bố an tâm đó là niềm an ủi bố. Em cũng thương bố. Anh ấy cũng nói nếu em không đi anh ấy cũng tự đi 1 mình vì anh ấy cầm tiền. Vì thương chồng tin chồng em nghĩ nếu anh ấy đi rồi mẹ lại như vậy thì không có anh ấy làm sao em ở được. Vì lo lắng anh ấy đi em sẽ không thể tìm không có em ở bên cạnh em sợ anh ấy sẽ chán nản rồi tìm vào những con đường tội lỗi mà không ai ngăn. Em sợ rất sợ điều đó. Và lúc ấy em chỉ nghĩ được vậy.

Nên vào 1 buổi sáng vội vàng em đã đặt con nằm võng (lúc đó cháu được gần 5 tháng tuổi nhưng em ít sữa nên cháu chủ yếu uống sữa ngoài) và 2 vợ chồng bỏ đi. Đó là ngày 17/08/2011.

Trong thời gian bỏ đi như vậy rất nhiều lần em khuyên chồng quay trở về với con nhưng anh ấy không nghe em bảo anh ấy gọi điện về cho bố mẹ anh ấy cũng không gọi. Em rất nhớ thương con mà không thể nào về một mình được nếu về một mình thì em cũng không được vào nhà mà bị đuổi đi. Và cứ thế 1 năm trôi qua.

Đến ngày 26/08/2012 thì vợ chồng em về. Nhưng không may thay anh ấy đi máy bay về với bố, còn em 1 mình đi xe Bắc - Nam về Lạng Sơn. Về rồi anh ấy không gọi điện, chúng em không liên lạc với nhau nữa. Em chỉ nhận được tin nhắn qua yahoo của anh ấy nói là kết thúc anh không muốn sống cùng em nữa.

Anh ấy nói không muốn mất mẹ. Anh ấy nói vậy mà sao anh ấy không nghĩ cho con mình. Con mình mất mẹ chỉ vì bị ông bà đuổi đi bị bố nó bỏ rơi như vậy. Em rất đau khổ, nhiều khi nghĩ quẩn muốn giải thoát cho mình. Vậy là em mất chồng, mất con. Cho dù chúng em rất yêu thương nhau nhưng anh ấy chưa làm chủ được bản thân và do tác động của gia đình.

Và mẹ anh ấy bây giờ không phải là mẹ đẻ mà là mẹ kế. Bà ấy nói có vợ thì không có mẹ. Giờ em muốn được nuôi con. Hiện giờ công việc em chưa có nhà cửa cũng không có. Nhưng vì con em sẽ kiếm 1 việc làm ổn định và dù có khổ đến mấy em cũng làm để có tiền nuôi con. Cháu 17 tháng tuổi và cháu cần sự yêu thương của mẹ cả của bố nữa.

Em không muốn con em mất đi 1 người cha hay người mẹ. Nhưng ý chồng em em không thể nào níu kéo được nữa. Gia đình anh ấy lại hắt hủi em như vậy thì về đó liệu em sẽ sống ra sao. Nếu bên ông bà nội cháu nuôi thì em cũng khó về thăm vì có 1 hôm gần đây 2/9/2012 gia đình và chồng em không cho em gặp con mà họ còn đuổi em cho dù em van khóc, xin được gặp con. Còn chồng em mang con đi tránh không cho em gặp mặt. Mẹ chồng em còn dọa đánh em nữa. Bà ấy mang mũ bảo hiểm, xẻng, gậy dọa đánh em.

Giờ em không biết phải làm sao. Em phải làm gì để em được nuôi con? Kính mong các luật sư giúp đỡ em. Tư vấn cho em cách để em được nuôi con và điều kiện được nuôi con.

Có lẽ câu chuyện của em khá dài nhưng mong các luật sư thông cảm cho em. Em xin chân thành cảm ơn. (Lu. B.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Tôi đã đọc và suy nghĩ nhiều về câu hỏi “cuộc đời là gì?” qua câu chuyện của bạn. Bạn (và chồng bạn) còn quá trẻ và do vậy đã có những sai lầm ( có thể nói như vậy) do sự thiếu chín chắn, thiếu hiểu biết về pháp luật. Vì vậy, đã và đang phải gánh chịu những hậu quả do sự thiếu chín chắn, thiếu suy nghĩ của mình. Nhưng trường hợp của bạn không phải là cá biệt.

Không chỉ vậy, chính vì bạn còn quá trẻ, còn phải sống một cuộc đời bất tận trước mặt, trong khi hầu như trong tay chưa có gì : từ tài sản, cho đến nghề nghiệp, thu nhập. Nên bạn phải hết sức nỗ lực, phải cố gắng gấp đôi những người khác, thì mới hy vọng có được một tương lai/kết quả tốt đẹp. Và cũng chỉ có vậy, bạn mới có đủ điều kiện về vật chất để nuôi, dạy con của mình. Cuộc sống không phải là một giấc mơ với những mộng tưởng. Mà mỗi con người, muốn tồn tại trên cõi đời này đều phải có đối mặt với chuyện “cơm áo gạo tiền”.

Xét về mặt pháp lý, người mà bạn nói trong thư là “chồng” hay “bố mẹ chồng” thực ra không đúng/chưa đúng - vì hai bạn chưa đăng ký kết hôn. Pháp luật không thừa nhận quan hệ hôn nhân khi hai người không/chưa đăng ký kết hôn. (Việc hai bạn có đăng ký kết hôn hay không - trong bối cảnh hiện nay e cũng khó mà thực hiện được ngay).

Tuy vậy, có thể nói rằng anh A (tạm gọi vậy, người mà bạn gọi là “chồng”) chính là cha của cháu bé. Do vậy, anh A cũng phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con mình giống như bạn.

( Ở đây cũng đặt ra một khả năng ( dù rất thấp) là giả sử anh A hay gia đình anh A sẽ chối bỏ, không thừa nhận cháu bé là con/cháu của mình. Thì khi đó bạn phải làm thủ tục “truy nhận cha” cho con của mình. Một lưu ý khác là bạn cũng cần phải sớm làm Giấy khai sinh cho cháu bé).

Qua câu chuyện bạn kể, dù thông cảm và thông hiểu với những điều bạn đã trình bày, thì tôi cũng phải nói rằng cả hai bạn – đều đã chưa làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một người mẹ, một người cha – đối với con của mình. Nếu như không có bên nội cưu mang, nuôi dưỡng trong thời gian qua, thì con bạn sẽ ra sao?

Tôi cũng thấy rằng, việc bố mẹ anh A ngăn cản, không cho anh A chung sống vợ chồng với bạn, xét về mặt pháp luật là sai. Vì không ai có quyền ngăn cản tình cảm, hôn nhân tự nguyện của người khác. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong những “thử thách” nhỏ và phổ biến mà hai bạn phải vượt qua nếu thực sự thương yêu nhau, có trách nhiệm với nhau.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bạn hỏi và mong muốn muốn nuôi con tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng tôi thấy lo cho bạn, cho con của bạn. Vì bạn sẽ lấy gì để nuôi con, hai mẹ con sẽ ở đâu? Đây là những khó khăn có thể nói là vô cùng to lớn trong tình cảnh hiện nay của bạn.

Theo tôi nghĩ, nếu muốn nhận và nuôi con trong lúc này, trước tiên bạn phải trình bày và nhờ đến sự thông cảm, giúp đỡ của gia đình bạn, của bố mẹ bạn. Nếu họ đồng ý, thì bạn mới nên nghĩ đến việc đón con về. Vì không khéo, bạn sẽ chỉ làm cho con bạn ( và cả bạn) thêm khốn khổ, bế tắc mà thôi.

Về thủ tục pháp lý, nếu đã quyết tâm muốn nhận và nuôi con, chỉ đơn giản là bạn đến gặp gia đình anh A ( và tất nhiên trước đó cần nhắn tin, trao đổi với anh A) và yêu cầu họ giao con cho bạn để bạn nuôi con. Nếu họ không đồng ý thì bạn làm đơn gửi UBND xã nơi gia đình anh A cư trú nhờ hỗ trợ giải quyết. Sau đó, nếu vẫn không xong thì chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn/chuyển đơn của bạn lên Tòa án. Và Tòa án sẽ giải quyết cho bạn nuôi con. Điều đó là chắc chắn. Vì như đã nói, Tòa án sẽ không công nhân quan hệ hôn nhân giữa bạn và anh A. Do vậy, bạn là mẹ và con còn nhỏ nên bạn có quyền nuôi con. Tuy nhiên nói thì đơn giản, nhưng đây sẽ là cả một quá trình căng thẳng, có thể kéo dài trong một vài năm. Bạn phải xác định như vậy để khỏi nản chí.

Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với bạn vài lời khuyên. Tôi đọc email của bạn, thấy bạn là một cô gái hiện đại ( dù là ở vùng cao), có khả năng trình bày tốt, có tình cảm, có sự cam chịu, biết lẽ đúng sai. Điều đó, cho tôi nghĩ, tin và mong rằng bạn là một người có nghị lực và can đảm.

Có lẽ ngay lúc này đây, bạn cũng chưa nên qua gấp gáp đòi quyền nuôi con. Mà hãy trao đổi với anh A và dành thời gian vài ba năm trước mắt để học hành hay học nghề. Cố gắng có trong tay một cái nghề, để có thu nhập, để có thể tự lập, từ đó mới có điều kiện để nuôi con, để hướng tới một tương lai ổn định và tốt đẹp hơn. Nên nhớ là bạn vẫn còn rất trẻ, và tương lai của con bạn như thế nào, cháu bé có được sống trong tình thương yêu của mẹ, cha hay không phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực, cố gắng của bạn.

Chúc bạn mọi sự tốt đẹp, thuận lợi. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn