Monday, August 25, 2014

Làm gì khi không được giải quyết cho thôi việc?


Hỏi : Tôi làm việc cho một trường đại học được 5 năm.Tôi làm việc cho trường ở vị trí chuyên viên, không thuộc biên chế, chỉ ký hợp đồng với nhà trường 1 lần khi được tuyển dụng. Năm 2008, trường cử tôi đi học cao học theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Thời gian học từ 2008-2011. Đến ngày 16/6/2010, tôi nộp đơn xin thôi việc vì lý do bận việc gia đình. Trường có công văn trả lời tôi như sau:

1. Lý do tôi xin nghỉ việc là không thuyết phục.


2. Vì tôi đang đi học theo quyết định của UBND tỉnh, nên trường không có đủ thẩm quyền giải quyết cho thôi việc, và sẽ chuyển trường hợp của tôi để xem xét và giải quyết.

Tuy nhiên, đến ngày 1/8/2010, sau 45 ngày gởi đơn, tôi vẫn chưa được giải quyết cho thôi việc, vì vậy, tôi đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nhà trường và có gởi thư thông báo thôi việc đến nhà trường.

Vào ngày 20/8, nhà trường có mời tôi đến họp để xem xét giải quyết.Trong cuộc họp, hội đồng nhà trường thông báo đến tôi như sau:

a/ Tôi có trách nhiệm bồi thường cho phí đào tạo. Tôi đồng ý sẽ bồi thường

b/ sẽ không giải quyết chế độ thôi việc cho tôi với lý do như sau: Tôi đã tự ý nghỉ việc khi chưa có sự đồng ý của nhà trường, như vậy theo khoản 1, điều 3 của Nghị định 46/2010/NĐ-CP, tôi không được trả trợ cấp thôi việc.

Tôi không đồng ý với thông báo trên vì tôi đã nghỉ việc theo đúng khoản 3, điều 37 của bộ luật lao động. Do đó, tại cuộc họp, hội đồng chưa có kết luận kết luận sau cùng.

Đến ngày 24/8, tôi nhận được công văn thông báo của nhà trường với nội dung sau:

- Chưa cho tôi thôi việc và sẽ chuyển trường hợp của tôi lên UBND tỉnh để xin ý kiến.

- Tôi sẽ không được trả lương kể từ tháng 8/2010 do đã có thông báo nghỉ việc.

Tôi thiết tha mong được luật sư giải đáp thắc mắc sau:

1. Việc tôi tự nghỉ việc sau 45 ngày gởi đơn xin thôi việc có đúng với luật lao động không?

2. Nhà trường có nhiệm vụ giải quyết đơn xin thôi việc của tôi trong thời gian 45 ngày kể từ lúc nhận đơn, đúng hay sai?

3. Nhà trường không trả lương cho tôi trong thời gian chưa cho thôi việc là đúng hay sai? Như vậy có phải là đình chỉ công tác hay không?

4. Trường hợp của tôi có được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc hay không?

5. Tôi phải làm sao để đảm bảo được trách nhiệm và quyền lợi của bản thân.

Tôi rất mong nhận được sự giải đáp của luật sư công ty luật Ecolaw. Xin chân thành cảm ơn. (Bao Ng.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trường hợp của bạn là tương đối cá biệt. Vì lẽ bạn không làm việc trong một doanh nghiệp (công ty) mà làm việc trong một cơ sở giáo dục (trường Đại học, và có lẽ là của Nhà nước (trường công) – có sử dụng nguồn vốn của Nhà nước ).

Vì vậy, qua thông tin của bạn, thì thấy tuy bạn không phải là người trong biên chế (không phải là cán bộ, công chức), nhưng lại được trường cử đi học theo quyết định của tỉnh (chứ không phải của trường). Như vậy, trước hết có lẽ bạn phải xem lại nội dung quyết định cử bạn đi học : ai cử đi, căn cứ vào qui định nào, có ràng buộc gì giữa các bên hay không ? Từ đó, có thể sẽ làm sáng tỏ thêm các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ của bạn (nếu có) khi bạn nghỉ việc.

Tuy vậy, theo lời bạn thì Trường ký hơp đồng lao động với bạn – có nghĩa là giữa Trường và bạn có mối quan hệ về pháp luật lao động, thực hiện theo qui định tại Bộ luật lao động, và hợp đồng của bạn là hợp đồng không xác định thời hạn. Theo qui định, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và chỉ cần thông báo trước cho Trường. Bạn đã làm điều này, và theo quan điểm cá nhân của tôi thì không có gì sai.

Do vậy, nếu bạn vẫn không được trường giải quyết (bao gồm cả thủ tục, “khóa sổ” bảo hiểm xã hội …) thì bạn có quyền khiếu nại. Trước mắt là nộp đơn cho Phòng lao động TBXH cấp quận, huyện (nơi Trường tọa lạc) đề nghị giải quyết việc “Trường không chịu chấm dứt hợp đồng lao động”. Nơi đây sẽ tiến hành hòa giải (là một thủ tục bắt buộc) giữa hai bên. Nếu vẫn không tìm được hướng giải quyết thì vụ việc sẽ được chuyển lên tòa án (vụ án lao động). Khi đó, Tòa án sẽ quyết định ai đúng, ai sai trong việc này (theo tôi là bạn đúng).

Các vấn đề khác (như tiền lương trong thời gian giải quyết sự việc, trợ cấp thôi việc …) thuộc thẩm quyền đáng giá, giải quyết của tòa án. Chúng tôi không/chưa có cơ sở để có thể khẳng định chắc chắn – nên từ chối trả lời câu hỏi quá chi tiết này.

Nói tóm lại, nếu bạn thực sự quyết tâm nghỉ việc tại Trường thì cần sớm có có các biện pháp “thúc đẩy”, chủ động tạo ra các “tranh chấp” và yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết. Thân mến. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Lao động”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn