Hỏi : Anh trai tôi bị vợ cắt rời “của quý” trong một lần cãi vả. Sau lần này chị vợ trốn nhà bỏ đi. Chị ấy sẽ bị xử lý như thế nào vì tôi biết người ta không thể lẫn trốn cả đời. (Ngô Th. L, Đồng Nai)
Luật sư Võ Đình Khinh trả lời:
Hành vi của người vợ có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích, qui định tại Điều 104 Bộ luật hình sự. Việc chị vợ bỏ trốn là tình tiết “tăng nặng” nếu vụ việc này được đưa ra xử lý hình sự.
Việc đầu tiên cần làm là phải đi giám định pháp y, để xác định tỷ lệ thương tật là bao nhiêu. Theo luật thì tỷ lệ thương tật phải từ 11% trở lên mới xem xét về trách nhiệm hình sự.
Theo đó, anh của chị có thể gửi Đơn tố cáo đến cơ quan công an tại địa phương, kể lại sự việc và đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với người vợ. Nếu sự việc nghiêm trọng thì công an sẽ có lệnh truy nã.
Về nguyên tắc thì người vợ đúng là không thể bỏ trốn suốt đời. Tuy nhiên, luật cũng qui định về thời hiệu khởi tố, điều tra. Theo đó đối với những hành vi phạm tội nhỏ, không nghiêm trọng – thì sau 5-10 năm sẽ không bị truy tố nữa. Xem như “trắng án”.
Tuy nhiên, theo chúng tôi thì dù gì thì cả hai người vẫn là vợ chồng với nhau. Cho nên cần phải xem xét sự việc một cách toàn diện, thấu lý đạt tình và vì tương lai, hạnh phúc của gia đình, con cái để có quyết định nên làm gì. Nếu có thể được thì người chồng cũng có thể “tha thứ” cho người vợ.Thân mến.ecolaw.vn
--------------------------
Qui định của pháp luật:
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
( Điều 104 Bộ luật hình sự)
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành
chính – Hình sự”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|