Dù là đất gì thì phải có Giấy CNQSDĐ mới nên mua (ảnh minh họa)
Hỏi : Gần nhà tôi có ông Thanh. Ông này có một mảnh đất gần UBND xã, nhưng không có sổ đỏ. Năm 2001, UBND xã có nhu cầu xây dựng bưu điện xã trên mảnh đất đất của ông Thanh. UBND xã đã lập một biên bản ghi là “Biên Bản Đền Bù Đất”. Theo đó, Bưu điện xã sẽ xây trên mảnh đất đó, còn ông Thanh sẽ được đền bù một mảnh đất khác chính là đất ao của UBND xã. Biên bản có chữ ký của ông Thanh, ông chủ tịch UBND xã và ông cán bộ địa chính. Hiện ông Thanh đã cho lấp ao và xây nhà trên đó. Nay ông Thanh muốn bán lại mảnh đất đó cho tôi, nhưng giấy tờ chỉ có duy nhất là Biên bản đền bù đất như đã nói ở trên. Vậy tôi muốn hỏi là liệu có rắc rối gì xảy ra không nếu tôi mua mảnh đất trên. Tôi nên làm gì ? Tôi thực sự thích mảnh đất đó và tôi cũng nghe nói là UBND xã không có quyền thu hồi đất nên cũng không có quyền bồi thường đất. UBND xã làm vậy có đúng không ? ( Hoàng Th.)
Luật sư Võ Đình Khinh trả lời:
Đúng là UBND cấp xã không có quyền thu hồi đất. Nhưng qua câu chuyện mà bạn kể thì có thể thấy hai bên (ông Thanh) và UBND xã đã hoán đổi đất cho nhau. Có nghĩa là tuy ông Thanh chưa có GCNQSDĐ ( và cả xã cũng vậy – nếu như xem UBND xã là một chủ thể sử dụng đất), nhưng UBND xã xem như đã thừa nhận mảnh đất xây dựng bưu điện là của ông Thanh.
Theo qui định tại Luật Đất Đai, tuy UBND cấp xã không có quyền cấp GCNQSDĐ nhưng vai trò của UBND xã cũng rất quan trọng, nếu không muốn nói là có ý nghĩa quyết định trong việc xét cấp GCNQSDĐ cho người dân – thông qua việc xác nhận về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất.
Hay nói cách khác, tôi cho rằng mảnh đất mà bạn muốn mua của ông Thanh về nguyên tắc là phù hợp, có thể mua được. Nhất là khi ông Thanh đã xây nhà trên đó – chắc chắn UBND xã và nhiều người dân tại địa phương biết về việc này. Theo đó, ông Thanh có đủ điều kiện để có thể xin và được cấp GCNQSDĐ trên khu đất này.
Tuy nhiên, nếu xét về mặt thủ tục pháp lý thì tình trạng hiện tại rõ ràng là chưa ổn. Nếu bạn mua mảnh đất trong tình trạng người bán chưa có GCNQSDĐ là trái luật, hai bên chỉ có thể mua bán theo dạng “giấy tay”, và nếu có tranh chấp thì giấy này cũng sẽ không có giá trị (vô hiệu).
Do vậy, theo tôi cách tốt nhất là bạn nên đề nghị ông Thanh sớm làm GCNQSDĐ. Sau đó hai bên mới chính thức mua bán – theo đúng thủ tục chung. Tôi cho rằng việc làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ trong trường hợp này cũng không quá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Vì UBND xã sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ ông Thanh trong việc này.
Tóm lại, đối với bất động sản chỉ nên mua bán (chuyển nhượng) khi có giấy tờ đầy đủ. Vì nếu không thì rủi ro cũng rất cao. Mong bạn có được quyết định phù hợp. Thân. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân
sự, tranh chấp dân sự”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|