Thursday, August 14, 2014

Hợp đồng ủy quyền khác Giấy ủy quyền thế nào?


Hỏi : Tôi có một vụ kiện đòi tiền vay nợ ông M. Ban đầu tôi cung cấp cho tòa án Đơn khởi kiện kèm theo bằng chứng là giấy vay nợ do bên vay viết, tôi và ông M. đều ký tên. Tòa đã nhận và có nói là có gì sẽ thông báo lại cho tôi. Vì tôi khởi kiện tại tòa án ở Cần Thơ mà tôi thì ở tận Quảng Bình nên vị thẩm phán có gợi ý là tôi nên ủy quyền cho con trai tôi đang công tác ở trong đó để khỏi đi lại vất vả. Thêm vào đó, sau đó con gái tôi có cho tôi biết là trong máy điện thoại của cháu có đoạn phim quay lại khá rõ lúc tôi ký và trao tiền cho ông M. Nay tôi muốn nhờ luật sư tư vấn cho 2 vấn đề sau:


1/ Tôi sẽ ủy quyền cho con trai bằng "Giấy ủy quyền" hay "Hợp đồng ủy quyền" ? Hai giấy này có khác nhau về bản chất hay chỉ khác nhau về cái tên? nếu khác thì khác như thế nào? (Vì khi tôi đang viết là Giấy ủy quyền thì con gái tôi bảo là thấy người ta gọi là Hợp đồng ủy quyền) 

2/ Đoạn phim trong ĐT của con gái tôi có thể coi là bằng chứng được không. Tôi thấy mấy anh côn an họ bảo là nó phải có nguồn gốc rõ ràng. ĐT của con gái tôi sử dụng từ trước đến giờ, hình trong phim là quá rõ không thể chối cãi vậy có gì không rõ ràng ? Nếu tôi nộp cho Tòa thì họ có chấp nhận không ? Nếu không thì tại sao? Tôi phải làm gì ? (Dương V. K.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời :

1. Sự khác biệt giữa Giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền. 

Trong vụ kiện này, sau khi tòa đã chính thức thụ lý chị có thể ủy quyền cho con trai chị hay bất kỳ ai khác đại diện cho chị tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn. Nếu chị ủy quyền ngay từ đầu, khi tòa chưa thụ lý, về nguyên tắc thì không sai, nhưng tại một số địa phương có thể sẽ bị tòa án hoặc cơ quan công chứng làm khó, không đồng ý.

Về việc có sự khác biệt hay không giữa Giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền thì thế này :

Theo qui định, cá nhân có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình để thực hiện một công việc nào đó. Việc ủy quyền phải lập thành văn bản. Như vậy, cả Giấy ủy quyền hay Hợp đồng ủy quyền đều là “văn bản”, nên nói chung đều là phù hợp. ( Về các vấn đề liên quan đến nội dung, hình thức của hợp đồng ủy quyền – chị nên tham khảo mẫu Hợp đồng ủy quyền trong mục “Mẫu văn bản” trên trang website này).

Điểm khác biệt là đối với “Giấy ủy quyền” thông thường người ta hay làm ở UBND xã (phường) hoặc UBND cấp quận, huyện. Và Giấy ủy quyền theo “tập quán” thường chỉ có chữ ký của bên ủy quyền mà không có chữ ký của bên nhận ủy quyền. Giấy ủy quyền sẽ được chính quyền địa phương (UBND xã, huyện) đóng dấu, chứng thực theo kiểu “xác nhận chữ ký” của người lập Giấy ủy quyền.

Trong khi đó, Hợp đồng ủy quyền thì bài bản hơn, thường được lập ở Phòng công chứng, với sự có mặt của cả hai bên : bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền. Công chứng viên sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân, năng lực hành vi dân sự của các bên. Sau đó, các bên cùng ký vào hợp đồng trước mặt Công chứng viên. Như vậy, tính xác thực và giá trị pháp lý của Hợp đồng ủy quyền sẽ cao hơn hẳn so với Giấy ủy quyền - nói ở trên.

Những điều tôi nói chỉ mang tính khái quát. Vì cũng có khi người ta làm Giấy ủy quyền mà vẫn có chữ ký của cả hai bên. Hoặc tại UBND quận, huyện vẫn có thể làm Hợp đồng ủy quyền. Nếu chị có thời gian và thích tìm hiểu có thể tìm đọc Luật công chứng để hiểu thêm về vấn đề này.

Điều đáng nói nhất là hiện nay có tòa án (cơ quan) thì chấp nhận Giấy ủy quyền. Ngược lại, có nơi lại yêu cầu phải là Hợp đồng ủy quyền thì mới được. Cá nhân tôi ủng hộ việc ủy quyền phải thể hiện bằng “Hợp đồng ủy quyền” - theo cách trình bày như trên. Vì nếu ủy quyền mà chỉ có chữ ký một bên thì liệu việc ủy quyền có thực sự là có thật ? Giả sử người nhận ủy quyền là “ma”, thực tế cũng không biết gì về việc này thì sao ? Nói cách khác, Giấy ủy quyền thực chất là một hình thức “lách luật”, cho đơn giản và đỡ mất thời gian hơn. Chứ xét một cách kỹ lưỡng về mặt pháp lý sẽ thấy không ổn.

2. Về giá trị chứng cứ của đoạn phim trong điện thoại:

Đúng như anh công an đã nói. Đoạn phim trên muốn được xem là chứng cứ thì phải có nguồn gốc rõ ràng. Nguồn gốc rõ ràng ở đây cũng không có gì phức tạp cả. Mà là khi chị đưa ra, tất nhiên Tòa sẽ hỏi cuộn phim này ai quay, quay ở đâu, lúc nào ? …Nếu sự việc đúng như lời chị nói thì chị chỉ cần chủ động viết một Bản tường trình, trình bày về nguồn gốc của đoạn phim và gửi kèm với cuộn phim ( sao chép ra USP) gửi cho Tòa là được. Tòa sẽ nhận.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng cho dù là vậy thì đoạn phim cũng chỉ là chứng cứ mang tính bổ sung, gián tiếp – vì hình ảnh chỉ thể hiện được hai bên gặp nhau ở đâu, trao cho nhau cái gì một cách chung chung, không xác định được chính xác số tiền vay nợ. Tuy vậy cũng góp phần chứng minh việc vay nợ tiền giữa hai bên là có thật. Nhưng nếu chị không có Giấy vay nợ thì riêng đoạn phim chị nói chưa đủ để chứng minh hai bên đã có quan hệ vay mượn tiền. Như vậy, theo tôi thì chị có thể nộp đoạn phim cho Tòa lúc này cũng được hoặc chỉ cần nộp trong trường hợp phía bị đơn phủ nhận việc vay nợ giữa hai bên.

Tuy nhiên, tổng hợp cả hai chứng cứ mà chị trình bày thì có thể thấy việc chị thắng kiện hầu như là chắc chắn. Chúc chị mọi việc tốt đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn