Friday, August 1, 2014

Cách ghi điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong hợp đồng thương mại

Luật sư Trần Hồng Phong

(Ecolaw.vn) – Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài là một lựa chọn ngày càng phổ biến đối với các doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thỏa thuận trọng tài của các bên có thể bị vô hiệu (không có giá trị) do điều khoản về thỏa thuận trọng tài ghi trong hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng.

Chắc hẳn phần đông các doanh nghiệp/doanh nhân biết rằng khi xảy ra các tranh chấp về hợp đồng thương mại (như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ …vv), ngoài việc đưa ra Tòa án giải quyết, các bên còn có thể lựa chọn hình thức "trọng tài". Tức là thuê một Trung tâm trọng tài thương mại ( với các Trọng tài viên) đứng ra giải quyết vụ tranh chấp.

So với hình thức giải quyết bởi Tòa án, hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có một số ưu điểm như: nhanh, gọn, bảo mật ( xử kín) và có thể áp dụng theo luật pháp của bất kỳ nước nào mà mình …thích!

Trong các hoạt động thương mại quốc tế, hầu hết các bên đối tác đều chọn hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp. Ở Việt Nam, xu hướng chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp chắc chắn sẽ tăng nhanh trong những năm tới. ( Chúng tôi sẽ có bài viết phân tích về vấn đề trọng tài thương mại trong một chuyên đề khác).

Việc thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài nói chung là linh hoạt. Các bên có thể thỏa thuận và ghi vào ngay trong hợp đồng thương mại hoặc có thể thỏa thuận bằng một văn bản riêng biệt ( miễn là phải bằng văn bản, bao gồm cả hình thức fax, email …vv), cũng có thể thỏa thuận sau khi đã xảy ra tranh chấp ...

Ví dụ: công ty A bán cho công ty B một lô hàng. Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, tại Điều 9 hai bên thỏa thuận là “khi xảy ra tranh chấp liên quan đến hợp đồng này, hai bên đồng ý sẽ chọn Trung tâm trọng tài thương mại X là nơi giải quyết tranh chấp”. Hoặc sau khi đã ký hợp đồng, hai bên làm một bản Phụ lục, ghi nhận nội dung thỏa thuận “khi xảy ra tranh chấp liên quan đến hợp đồng này, hai bên đồng ý sẽ chọn Trung tâm trọng tài thương mại X là nơi giải quyết tranh chấp”.

Tuy nhiên, nếu thỏa thuận về trọng tài không rõ ràng, đầy đủ – chẳng hạn như ghi tên trung tâm trọng tài không đúng, hoặc lầm lẫn giữa trung tâm trọng tài này với trung tâm trọng tài khác – có thể sẽ làm cho điều khoản về thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu (không có giá trị). Trong trường hợp này, trung tâm trọng tài sẽ “không dám” nhận (thụ lý) để giải quyết tranh chấp. Hoặc một bên ( thường là bên vi phạm) cố tình trì hoãn, tranh cãi về việc đưa ra trọng tài ( dù chính mình đã thỏa thuận trước đó). Kết quả là hai bên sẽ phải đưa nhau ra Tòa án để giải quyết tranh chấp (nếu có) - chứ không phải là tại trung tâm trọng tài. Và như vậy, thì ý nghĩa của việc thỏa thuận trọng tài sẽ xem như không còn nữa, mất công vô ích.

Ví dụ: cho đến thời điểm hiện nay (tháng 6-2012), vẫn có rất nhiều khách hàng gửi hợp đồng cho chúng tôi kiểm tra, trong hợp đồng có ghi như sau: “ Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, hai bên thống nhất sẽ đưa vụ việc ra giải quyết tại Trung tâm trọng tài kinh tế TP. Hồ Chí Minh”. Nội dung thỏa thuận này có thể bị xem là vô hiệu, vì hiện nay không có nơi nào có tên là “Trung tâm trọng tài kinh tế TP.HCM” cả. Mà chỉ có “Trung tâm Trọng tài thương mại thành phố Hồ Chí Minh” (tiền thân là Trung tâm Trọng tài Kinh tế Sài Gòn).

Do vậy, để tránh việc thỏa thuận trọng tài có thể bị vô hiệu như nói ở trên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) đã đưa ra điều khoản mẫu về thỏa thuận trọng tài, để các doanh nghiệp có thể ghi thẳng vào trong hợp đồng thương mại như sau:
...................

Điều 9: Giải quyết tranh chấp:

“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.

-----------------------------

Ngoài ra, các bên có thể bổ sung các nội dung sau đây:

a) Số lượng trọng tài viên là : 1 (hoặc 3).
b) Địa điểm tiến hành trọng tài tại TP.HCM (hoặc Hà Nội…)

Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên có thể bổ sung:

c) Luật áp dụng cho hợp đồng này là luật của Việt Nam (hoặc Mỹ, hoặc Pháp …)
d) Ngôn ngữ dùng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt (hoặc Anh, hoặc Pháp …).

Dưới đây là một số trung tâm trọng tài thương mại tại Việt Nam:

1. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC)

TRỤ SỞ CHÍNH VIAC
Địa chỉ: 9 Đào Duy ANh, Hà Nội
ĐT: 84.4.3574 4001
Fax: 84.4.3574 3001
Email: info@viac.org.vn

CHI NHÁNH TP HCM
Địa chỉ: 171 Võ Thị Sáu, Quận 3, HCM
ĐT: 84.8. 3932 1632
Fax: 84.8. 3932 1632

2. Trung tâm Trọng tài Thương mại thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 460 Cách Mạng Tháng Tám, P. 4, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
Email: trongtai-hcm@vnn.vn
Điện thại: (08) 38446975
Fax: (08)38115820


3. Trung tâm Trọng tài Thương Mại Hà Nội

Địa chỉ: 21 ngõ 121 Phường Đồng Tâm - Lê Thanh Nghị - Hà Nội


4. Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Á Châu (ACIAC)

Địa chỉ: 37 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam
ĐT: (84-4) 3734 4677 - Fax: (84-4) 3734 3327

Địa chỉ: 89 Nguyễn Du , Quận 1 , TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
ĐT: (84-4) 3823 4114 - (84-4) 3825 7988
Fax: (84-4) 3823 5352
Email: tttmachau@vnn.vn/aciac1994@gmail.com

-------------------------------------------------

Bài liên quan: Doanh nghiệp chưa mặn mà với trọng tài