Wednesday, August 20, 2014

Giao 10 ngàn USD cho người hứa xin việc giúp, nhưng kết quả không được, phải làm gì để giải quyết vấn đề?


Hỏi: Kính gửi Công ty luật hợp danh Ecolaw ! Tôi rất muốn luật sư tư vấn cho tôi về vấn đề dân sự như sau : Năm 2011 vợ tôi có nhờ một người quen biết " xin việc ' ( người họ hàng bên vợ tôi). Chị này nói có thể xin việc vào Tổng cục dạy nghề với chi phí 10.000USD.

Vì là quen biết và họ hàng nên vợ tôi đã đưa tiền (10.000 USD) để chị này xin việc. Và chị này có viết cho vợ tôi một tờ giấy viết tay, " Giấy giao việc " với nội dung : chị này nhận 10.000 USD của vợ tôi để thực hiện nội dung công việc giữa 2 bên. Trong thời gian 1 tháng, nếu chị ấy không thực hiện được công việc sẽ hoàn lại số tiền đã nhận.


Nhưng sự việc kéo dài đến nay đã gần 1 năm mà không có tiến triển gì. Hiện gia đình tôi đến nói chuyện về việc lấy lại số tiền, chị này đã nhiều lần hứa sẽ trả lại số tiền nhưng đó chỉ là lời hứa, nhiều lần thất hứa. Vậy trong trường hợp này, chúng tôi cần phải làm gì để giải quyết vấn đề ? Chúng tôi định viết đơn tố cáo gửi tới UBND Phường nơi chị ta đang cư trú. Kính mong sự tư vấn từ Công ty luật hợp danh Ecolaw. Xin chân thành cảm ơn ! (Ph. M).

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trường hợp anh hỏi có dấu hiệu hình sự khá rõ. Cụ thể “người chị” mà vợ anh đã giao tiền có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại Điều 139 Bộ luật hình sự qui định “người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng” thì bị xem là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ở đây, “người chị” không có chức vụ/khả năng để có thể đưa vợ anh vào làm tại Tổng cục dạy nghề mà vẫn hứa, rồi làm thành giấy ghi rõ một nội dung không thể/không có thật. Như vậy, rõ ràng người chị đã có dấu hiệu dùng “thủ đoạn gian dối” và qua đó/nhằm mục đích cầm trong tay một số tiền khá lớn là 10.000 USD từ vợ chồng anh. Sau đó, dù đã không thực hiện được lời hứa mà vẫn không chịu trả tiền, như vậy, hành vi “chiếm đoạt tài sản” đã hoàn tất. Hay nói cách khác, theo tôi, hành vi của người chị đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Với thực tế như vậy, anh cần làm Đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người chị nọ. Đơn gửi đến Cơ quan điều tra công an cấp quận/huyện – nơi người chị thường trú. Trong đơn, anh cũng cần ghi rõ yêu cầu người chị phải hoàn trả lại cho mình số tiền 10.000 USD. ( UBND phường là cơ quan hành chính, không có chức năng điều tra, giải quyết các vấn đề hình sự).

( Anh có thể tham khảo Đơn tố cáo trong mục “Mẫu văn bản Ecolaw” để áp dụng vào trường hợp của mình. Tuy nhiên cũng cần nói thêm là tốt nhất anh nên nhờ luật sư làm giúp đơn. Vì nếu đơn không "chuẩn", sự việc sẽ có thể chuyển thành hướng dân sự. Tức là cơ quan công an sẽ hướng dẫn anh nộp đơn kiện đòi nợ ra Tòa án. Mà nếu vậy thì sẽ rất lâu, phiền phức mà cũng không đúng bản chất sự việc. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp đương sự "thất bại" trong việc làm đơn tố cáo vì không đưa ra được những lập luận, chứng cứ ... một cách chặt chẽ, logic).

Tuy nhiên, với ưu tiên cần đòi lại số tiền trước tiên, anh có thể gửi bản dự thảo lá đơn tố cáo trước cho người chị này. Để bà ta đọc, tính toán thiệt hơn và biết đâu vì sợ vào tù mà sẽ lo chạy tiền để trả lại cho vợ chồng anh. Nếu vẫn không trả thì anh sẽ chính thức gửi Đơn tố cáo.

Chúc vợ chồng anh mọi việc tốt đẹp. www.ecolaw.vn

--------------------

Qui định của pháp luật:

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

(Điều 139 Bộ luật hình sự)


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành chính – Hình sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn