Wednesday, August 20, 2014

Bị mất quyền nuôi con vì vợ cũ/chỗng cũ “bắt” con, phải làm sao để giành lại quyền nuôi con?


Hỏi 1: Xin chào văn phòng luật sư Ecolaw. Tôi tên là H., gia đình tôi đã ly hôn cách nay 2,5 năm. Quyết định ly hôn nêu tôi được nuôi một đứa, bà xã tôi tôi nuôi một đứa. Nhưng trước đó bà đã tự bắt hai đứa đưa đi Kontum sinh sống trước đó hai năm. Nên tôi khó có thể bắt một đứa như bản án ly hôn.

Nên sau đó bà có làm Đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con luôn vì lý do tôi không đến lấy đứa con được giao. Vì tôi không có chứng cứ rõ ràng nên tòa đã cho bà nuôi hai đứa luôn.


Sau này tôi biết được chỗ ở của bà nên tôi có đến nhà xin cho gặp con nhưng bà không cho vô nhà cũng như không cho gặp và bà đã ngăn cấm tôi không cho gặp, liên lạc với con bằng mọi cách. Yêu cầu trường học không cho tôi gặp con ở trường, cấm con không được gặp bà, đọc thư ba. Nếu mà không làm đúng sẽ bị đánh chết, thầy giáo đã nói lại cho tôi biết.

Sau đó tôi có nhờ Hội phụ nữ phường, Ban tư pháp, công an khu vực, thi hành án – nhưng tất cả đều chỉ là câu trả lời không cho gặp con. Sau này tụi nó lớn lên sẽ tính sau.

Nên tôi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp cho tôi là nếu tôi cung cấp cho tòa án những biên bản làm việc của một số cơ quan có thẩm quyền thì tôi có được lấy lại quyền nuôi con không? Nếu được thi cần những chứng cứ gì để tôi đủ chứng cứ để lấy lại quyền nuôi con. Xin cám ơn luật sư tư vấn giúp. ( Nguyen H.)

Hỏi 2: Xin chào luật sư, tôi là một người mẹ, một người vợ đầy đau khổ trong cuộc sống gia đình. Tôi rất mong luật sư dành chút thời gian trả lời những thắc mắc cho tôi về vấn đề nuôi con sau li hôn.

Tôi lấy chồng và có một con trai, nhưng vợ chồng chia tay khi con tôi 3 tuổi vì sau khi lấy nhau, chồng tôi chơi bời, nợ nần, rượu chè về còn gây sự với vợ và con nhỏ rồi đánh đập tôi vô cớ và rất dã man, kinh tế thì không có một xu từ ngày lấy nhau, một đồng lương giáo viên của tôi nuôi con và chồng, nhưng vẫn dư dả vì tôi kéo lo vén.

Sau li hôn tôi được quyền nuôi con, và mẹ con tôi về nhà ngoại sống. 

Ba năm sau li hôn tôi quyết định đi bước nữa với một người làm bộ đội cùng hoàn cảnh như tôi, anh ta rất yêu quý con tôi và tôi nghĩ sẽ tốt vì chỉ cuối tuần anh mới được nghỉ về nhà nên cũng không quá va chạm.

Nhưng sau đó chồng cũ của tôi giành quyền nuôi con khi đón con về chơi rồi nhất quyết không trả lại con vì lí do không muốn cho con sống trong cảnh cha dượng. Tôi đã van xin cũng không được.

Sau đó anh ta đi làm trên Mường Tè - Lai Châu và cũng đưa con lên đó đi học. Hết năm học mẹ anh ta thấy không ổn và hai người cho con về nhà sống với bà nội. Ở nhà bà nội làm nghề hàng mã cùng gia đình con trai út.

Từ đó tôi vào trong đó thăm con - cách nơi tôi ở 40km. Thời gian đó lúc anh ta gọi điện gây sự không cho tôi vào thăm con, không cho đón con về chơi. Tôi vẫn dằn lòng mà vào, nhìn con gầy mòn, ốm yếu tôi đã quỳ lạy mà mẹ chồng cũng không cho đón con về chơi trong dịp nghỉ hè. 

Cuối tuần nào vào thăm con cũng ho hắng, lúc lại ốm sốt, thân thể thì gầy đen mà không sao cầm được nước mắt. Tôi lấy chồng cũng không sinh con nữa vì chồng cũng có hai con gái rồi (chúng ở với mẹ). Chồng cũ tôi giành nuôi con mà không nuôi lại đưa bà nội nuôi. Tôi nói sao bà và chồng cũ nhất quyết không cho tôi nuôi con và không cho về chơi mẹ, thậm chí việc thăm hỏi cũng khó khăn.

Họ luôn lấy lí do tôi đi bước nữa rồi thì không được quyền nuôi con, tôi luôn muốn được nuôi con như trước để được chăm sóc cho con, bảo ban con học. Con giờ trông không khác trẻ mồ côi cha mẹ khi cha mẹ vẫn còn, mẹ còn mà không được nuôi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, có vài lần vào thăm con rồi ngã xe suýt chết.

Tôi không biết phải làm sao để tôi có thể chăm con khi con còn nhỏ như vậy, tôi muốn ra tòa liệu tòa có giành quyền nuôi con cho tôi không? Hiện con tôi đang học lớp 2 rồi, liệu con có quyền quyết định ở với ai không? con tôi thì thích chơi nên nó sẽ thích ở như vậy hơn là về với mẹ vì mẹ hay nghiêm khắc với con trong ăn uống và học tập. Nếu được quyền nuôi con mà phải bỏ hạnh phúc hiện tại tôi cũng chấp nhận vì tôi và chồng cũng chưa đăng ký kết hôn.

Tôi rất mong luật sư trả lời những thắc mắc của tôi, tôi không thể sống thiếu con. Điều này chồng cũ của tôi biết rất rõ nên khi chia tay đã không tranh giành nuôi con. Nên có lẽ giờ vì cá nhân mà làm ảnh hưởng tới con, nếu tôi có gọi điện xin anh ta thì sẽ bị chửi bới rất thậm tệ không có tính người. Quỳ lạy xin mẹ chồng cũng không được, tôi rất lo lắng cho sự phát triển thể chất và tình cảm của con tôi. Tôi phải làm sao để có thể tốt hơn được đây? Xin luật sư bỏ chút thời gian tư vấn cho tôi, tôi xin chân thành cảm ơn rất nhiều! (Phuong M.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Chỉ trong vòng một ngày, chúng tôi nhận được hai câu hỏi về hai trường hợp nêu trên. Hàng tuần, Ecolaw đều nhận được những câu hỏi về quyền nuôi con, về ly hôn. Vì năng lực có hạn, nên rất tiếc chúng tôi không thể nào tổng kết và trả lời hết được.

Trong phần trả lời này, chúng tôi cùng lúc trả lời cho cả hai anh chị, vì cũng có những nét tương đồng. Đó là cả hai đều đã được/từng được bản án công nhận quyền nuôi con. Nhưng kết quả là hiện nay con không còn ở với mình nữa. Và bản thân đều muốn được nuôi con.

Ở trường hợp của anh H., thẳng thắn mà nói thì tôi thấy anh đã không thực sự quyết tâm trong việc giành quyền nuôi con trong giai đoạn đầu. Có thể là do có những lý do khách quan khi đó như anh đã nêu. Nhưng lẽ ra, ngay sau khi có bản án tuyên anh được quyền nuôi một cháu, anh phải đi tìm, liên hệ với người vợ cũ. Thậm chí phải làm đơn khiếu nại. Nhưng anh đã không làm điều đó.

Chính vì vậy, với tình cảnh hiện nay, theo tôi khả năng anh giành lại quyền nuôi một cháu là rất khó. ( Tôi cũng hơi thắc mắc là thời gian qua anh có thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định thay đổi người nuôi con hay không? Nếu anh không/chưa thực hiện, thì đây là là một “bằng chứng” thể hiện anh không làm hết trách nhiệm với con mình. Lại càng khó hơn trong việc “giành” quyền nuôi con).

Tuy nhiên, thực tình mà nói thì tôi thấy việc vợ cũ của anh “tự nguyện” nhận ôm nuôi cả hai cháu theo tôi cũng là tốt. Vì các cháu đều còn nhỏ. Cho nên sống có chị có em, sống cùng với mẹ cũng là điều diễm phúc trong đời. Không có gì phải đến nỗi quá lo lắng. Người Việt mình vẫn có câu “mô côi cha ăn cơm với cá, mồ côi má lót lá mà nằm” – thể hiện việc người mẹ luôn chăm sóc con cái tốt hơn người cha.

Dù vậy, việc người vợ cũ của anh “ngăn sông cấm chợ”, không cho anh được thăm con, gửi thư cho con. Lại cấm con không được gặp, liên hệ với ba … là hoàn toàn sai và cũng không tốt cho các cháu. Vì các cháu, và cả anh, đều có quyền và theo bản năng tất yếu là thương yêu nhau, là tình cảm cha con. Điều đó không ai có quyền ngăn cả và được pháp luật bảo vệ.

Vậy nên, theo tôi anh nên trực tiếp liên hệ và trao đổi với vợ cũ của anh về vấn đề này. ( Qua thông tin anh kể, thì có lẽ, không hiểu vì lý do gì, người vợ cũ của anh vẫn còn “hận” anh nhiều lắm. Nên mới có kiểu ứng xử như vậy). Nếu vẫn không kết quả, anh có thể cứ tới thăm, nếu bị ngăn cản thì làm đơn khiếu nại, thậm chí kiện ra Tòa án yêu cầu được thực hiện quyền thăm nom con.

Nhưng bất luận thế nào, tôi nghĩ có lẽ anh cũng không nên quá cứng nhắc hoặc tạo ra những căng thẳng, xung đột không cần thiết với vợ cũ của anh. Tôi nghĩ anh có thể nhờ người lớn, chẳng hạn là má vợ cũ của anh, cô chú hai bên có lời khuyên giải …vv – biết đâu lại có kết quả tốt.

Cũng cần nói thêm là mối quan hệ cha con giữa anh và cả hai cháu là mối quan hệ không những đơn thuần là tình cảm mà còn là pháp lý, bất di bất dịch. Do vậy, nếu anh thực sự thương yêu con mình, thì nên nghĩ và thương cả hai cháu. Anh có thể có rất nhiều giải pháp, cách thức để thể hiện tình thương và trách nhiệm của mình. Con anh chắc chắn sẽ hiểu, dù có thể không phải là lúc này, bây giờ - về tình thương của ba dành cho các cháu. Không nhất thiết là phải thắng – thua trong trận chiến pháp lý giành quyền nuôi con.

Về trường hợp của chị M., câu chuyện của chị làm chúng tôi cảm thấy xúc động và chia sẻ.

Theo thông tin trong thư của chị, thì Tòa án đã giao quyền nuôi con cho chị. Bản án đó vẫn đang còn hiệu lực pháp luật. Như vậy, về mặt pháp lý chính chị là người có quyền nuôi con.

Ở đây, có lẽ cũng không cần thiết phải phân tích đúng sai về mặt pháp lý đối với hành động “giữ luôn” con của người chồng đã ly hôn trước đây. Với thực tế hiện nay, rõ ràng việc cháu về sống với mẹ là hợp tình hợp lý hơn. Vì nói gì thì nói, con cái sống với cha mẹ là tốt nhất (tất nhiên là cha mẹ phải đúng nghĩa là cha mẹ, có tình thương và trách nhiệm với con cái).

Tôi nghĩ rằng chị không nhất thiết phải “quì lạy” gì mẹ chồng cũ nữa. Chị nên gửi “Đơn đề nghị giải quyết”, nêu nguyện vọng được nhận nuôi con, kèm bản án ly hôn trước đây gửi tới UBND xã/phường nơi con chị đang sống. Cấp chính quyền sẽ mời các bên lên hòa giải, động viên mẹ chồng cũ giao con về cho chị. Nếu vẫn không được thì vụ việc có thể sẽ đưa tới Tòa án. Tôi nghĩ và tin rằng chị sẽ giành lại được quyền nuôi con.

Để hiệu quả hơn, tôi khuyên chị nên nhờ tới sự giúp đỡ, hướng dẫn của một luật sư gần nơi chị sinh sống. Vì nói gì thì nói, đây là một vụ việc mang tính chất pháp lý, không thể chỉ làm theo cảm tính.

Chúc chị mọi việc thuận lợi và tốt đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn