Saturday, August 16, 2014

Di sản phải là tài sản có thật và hợp pháp



Hỏi : Chân thành cám ơn luật sư Nguyễn Công Khán đã quan tâm và nhiệt tình giúp đỡ. Sự tư vấn của luật sư qua bài  "Đòi lại và thừa kế đất không có giấy tờ : không có cơ hội” giúp chúng tôi rõ được nhiều điều. Xin trình bày thêm với luật sư:

1. Tôi là cháu của người bà là em của hai ông. Tôi không can dự vào sự việc nhưng là con cháu nên tôi muốn mọi việc được xử lý thoả đáng nhưng thấy bất ổn vì hoà giải không thành.

2. Ông tôi chỉ có giấy mua lô đất bằng giấy viết tay không có xác nhận của địa phương. Ông em có giấy chứng nhận tạm thời quyền sử dụng đất trên đó ghi rõ số lô đất 17, thửa đất số 120, có xác nhận của cơ quan thuế nộp thuế đất từ 1976 đến nay.


3. Nếu bây giờ ông em giao đất thì ông phải làm lại từ đầu, tức là phải đi mua đất để ở. Mà giá đất bây giờ đâu dễ có tiền để mua. Trong khi đó các con người vợ kế của ông tôi - vì lợi ích có được khi có đất đã khiếu kiện ra toà để được chia thừa kế. Toà sẽ xử chia thừa kế quyền sử dụng đất. 

Tôi không hiểu toà sẽ phân chia theo hướng nào? Hay phải dựa vào chính quyền mới giải quyết được quyền sử dụng đất cho các thừa kế ? Nghĩa vụ tài chính một người nộp nhưng đất một người khác sử dụng thì có công bằng? Tiền thuế ông em nộp giải quyết thế nào khi giao đất ? Mong luật sư giúp thêm. Trân trọng cám ơn. ( Phan Thị T.H)

Luật sư Nguyễn Công Khán trả lời :

Như đã trao đổi với bạn trong thư trước, tôi đánh giá rằng phía người anh không có cơ hội để đòi lại đất trong tình trạng không có bất kỳ một thứ giấy tờ có giá trị pháp lý nào. Thậm chí kể cả việc cho ở nhờ về nguyên tắc cũng phải thể hiện bằng văn bản (hợp đồng), có sự chứng thực của địa phương. Ở đây phía người anh không có giấy tờ gì mà chỉ nói về nguồn gốc đất theo kiểu “nói miệng” là không/chưa có cơ sở để mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết (chưa nói đến chuyện thắng – thua).

( Cũng xin “mở ngoặc” nói thêm là đối với trường hợp như thế này, thực tế cũng có một “con đường” khác để phía người anh có thể “vận dụng”. Đó là kiện đòi “giá trị công khai phá” đất đai trước đây. Khoảng 5-7 năm trước đây tại các tỉnh phía Nam hay có các vụ kiện tranh chấp về đất đai như vậy. Tuy nhiên, hiện nay những trường hợp khởi kiện như vậy cũng đã rất hạn chế, tòa án không thụ lý giải quyết – vì có nhiều vấn đề không ổn về mặt pháp lý).

Tôi cho rằng phía người em không nhất thiết phải giao lại đất cho người anh. Vì theo qui định của pháp luật và dựa trên thực tế sử dụng, người em hoàn toàn có đủ điều kiện và xứng đáng được cấp Giấy CNQSDĐ. Hơn nữa, giá đất ngày xưa rất rẻ, nếu nay người em trả lại sẽ thiệt hại rất lớn. Còn nếu thực sự có suy nghĩ theo kiểu “uống nước nhờ nguồn” - thì vẫn có thể có nhiều cách giải quyết khác mà tuyệt đối không nên hoàn trả đất như vậy.

Theo thông tin của bạn thì các người con vợ kế của người anh kiện đòi đất theo kiểu “di sản thừa kế”. Điều này phải chăng là người anh đã qua đời ?

Như đã phân tích trong thư trước, kể cả trường hợp người anh còn sống thì khả năng đòi lại đất cũng rất thấp (nếu không muốn nói là không thể). Nay người anh đã chết, đất vẫn chưa xác định được có phải là của người anh hay không – thì căn cứ vào đâu mà những người con kiện đòi di sản thừa kế ? Hóa ra kiện đòi một loại tài sản “ảo”, chưa có à ? ( đối với người anh).

Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh là đất đai, nhà cửa là loại tài sản “có đăng ký”, nghĩa là phải có giấy tờ hợp pháp, dưới sự the dõi và quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tất cả những “lý lẽ” của phía người anh đều là lời nói và nằm ngoài sự “quản lý” của pháp luật thì chắc chắn sẽ không có giá trị chứng minh. Nói một cách nôm na, di sản phải là tài sản có thật và hợp pháp. Do vậy, phía người anh chắc chắn sẽ không thể đòi, không thể thắng kiện.
Theo qui định, các tranh chấp về di sản thừa kế sẽ do Tòa án giải quyết – chứ không phải là cấp chính quyền (xã, huyện).

Nói tóm lại, tôi cho rằng phía người em không có gì phải lo lắng cả. Và do vậy, bạn cũng không nên quá lo lắng, băn khoăn về những tình huống không thể xảy ra (như việc tiền thuế sẽ giải quyết như thế nào). Thân ái. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn