Sunday, June 10, 2018

Cổ đông chưa có điều kiện góp đủ cổ phần trong vòng 90 ngày theo luật, có thể đóng bằng hình thức “trả góp” trong vòng 3 năm?


Hỏi: Kính gửi quý luật sư của Ecolaw. Tôi là người đại diện pháp luật của một Công ty cổ phần và cũng là một trong năm cổ đông sáng lập của công ty. Vì lý do thiếu hiểu biết nên khi đăng ký giấy phép kinh doanh, công ty chúng tôi đã đăng ký vốn điều lệ của công ty là 2 tỉ đồng. Hiện tại công ty của tôi đã kinh doanh được ba tháng và chúng tôi chỉ mới góp được 400.000.000 đ để kinh doanh. Sau đó tôi có tìm hiểu qua luật doanh nghiệp thì tôi mới biết luật qui định phải góp đủ vốn điều lệ trong thời gian là 90 ngày. Trong điều 84 của Luật doanh nghiệp có 5 chi tiết thì ở chi tiết câu 4 nói “Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh“. 


Như vậy xin hỏi luật sư : công ty chúng tôi có thể góp vốn điều lệ trong vòng 3 năm không? (Công ty của chúng tôi kinh doanh về việc cung cấp dịch vụ truyền thông nên việc góp vốn theo tiến độ kinh doanh cũng là hợp lý ). Nay chúng tôi phải làm thế nào để công ty chúng tôi được xem là không vi phạm luật doanh nghiệp. Rất mong quý luật sư giải đáp. Tôi xin chân thành cám ơn ( Dung L.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Câu hỏi của chị, nếu trả lời theo đúng “quan điểm” thì sẽ khá rối rắm, máy móc, nặng về lý thuyết và cuối cùng sẽ kết luận là chị và các cổ đông … sai ! Vì đã chưa đóng đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký. Nhưng ở đời đâu có nghĩa là cứ nhất nhất làm theo luật một cách quá máy móc.

Ở đây, chị và những cổ đông khác chính là những người chủ của công ty, cho nên cho dù có đóng hay đóng chưa đủ số vốn đã đăng ký, nhưng không làm gì sai trong kinh doanh (chẳng hạn như lừa đảo, lường gạt ai …) thì cũng không có gì phải “sợ” hay quá băn khoăn về những chuyện nặng về hành chính – thủ tục như vậy. Cá nhân tôi cho rằng những qui định như phải có giấy cam kết góp vốn đúng thời hạn, đăng bố cáo thành lập, hay thậm chí khắc con dấu …vv là những việc không cần thiết ( ở nhiều nước, doanh nghiệp không cần phải có con dấu).

Trước mắt, chị với công ty chị cứ hoạt động kinh doanh như bình thường. Về thủ tục, có thể lập và gửi những văn bản, tài liệu cho cơ quan chức năng mà thủ tục qui định cho … đúng luật. Về nguyên tắc, cũng không ai có quyền đếm tiền của công ty chị. Trước mắt, các cổ đông có thể đóng hoặc không đóng tiền – trên tinh thần thống nhất với nhau và tương ứng với tỷ lệ cổ phần ghi trong Giấy CN ĐKKD của công ty. Vì về mặt bản chất, số tiền chưa đóng là vốn kinh doanh chứ không phải là khoản tiền nợ một ai khác.

Về “hậu quả” của việc không đóng đủ vốn góp đúng thời hạn, tôi nghĩ cao lắm thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính thôi, không sao đâu.

Cũng xin nói thêm là trên thực tế, không chỉ có công ty chị mà hầu như số đông các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay đều ghi vốn điều lệ theo kiểu “phóng” lên hoặc theo “mơ ước” chứ thực tế không phải như vậy. Trước đây theo “Luật Công ty TNHH”, “Luật công ty cổ phần” … (thời điểm chưa có luật doanh nghiệp) qui định muốn thành lập doanh nghiệp phải có tiền thật trong tài khoản – gọi là “vốn pháp định”. Mà hệ quả là nhiều người phải vay tiền ngân hàng, “bị gửi” vào tài khoản phong tỏa để được Ngân hàng cấp giấy chứng nhận có tiền trong tài khoản, trình cho cơ quan đăng ký kinh doanh ( mà thực chất là tiền “ảo”, chỉ làm giàu cho ngân hàng). Sau đó, với tinh thần đổi mới, chỉ 1 USD cũng có thể thành lập doanh nghiệp, năm 2000 luật Doanh nghiệp đã ra đời, không qui định bắt buộc phải có vốn pháp định nữa. Mọi người muốn thành lập doanh nghiệp với số vốn bao nhiêu cũng được – gọi là “vốn điều lệ” (trừ những ngành nghề kinh doanh đặc biệt, có điều kiện và có vốn pháp định) - tức là vốn ghi trong Điều lệ của công ty. Song cũng vì qui định như vậy quá lỏng lẻo, nên dẫn đến xu hướng khai “khống”, khai “phóng” số vốn lên ( tôi đã từng chứng kiến một người tài sản không tới 1 tỷ, nhưng đã đăng ký thành lập công ty cổ phần với số vốn lên tới nhiều trăm tỷ đồng!), nên nhà nước mới “đẻ” thêm qui định phải có “Cam kết góp vốn”, “Xác nhận đã nộp vốn” … - để quản cho chặt hơn. Đơn giản vậy thôi.

(PS. Tôi cũng có suy nghĩ không biết có nên công khai câu trả lời theo kiểu “không luật” này lên ecolaw.vn hay không. Nhưng xét thấy đây là một vấn đề thực tế và phổ biến trong bối cảnh hiện nay, nên cũng không cần thiết phải “bí mật” làm gì).

Chúc chị và công ty làm ăn tấn tới, thành công. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT  ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú,  TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn