Thursday, August 21, 2014

Cán bộ ngân hàng lỡ cầm tiền của khách hàng và nay mất khả năng trả, có thể bị tội gì?


Hỏi: Tôi muốn hỏi : chồng tôi là cán bộ tín dụng ngân hàng có làm thêm ở ngoài. Gần đây khách hàng của chồng tôi do tin tưởng nên đã gửi tiền vào tài khoản của chồng tôi để trả vào ngân hàng ( đây là món vay chồng tôi làm hồ sơ ) nhưng chồng tôi đã không trả vào ngân hàng cho khách mà dùng số tiền đó để giải quyết công việc cá nhân do làm ăn thua lỗ ! Khi khách hàng phát hiện họ yêu cầu chồng tôi trả lại nhưng chồng tôi không có khả năng! Chồng tôi có đưa cho họ 3 sổ đỏ để giữ làm tin, nếu chồng tôi không trả được thì thuộc về họ. Đến giờ đất không bán được họ nói sẽ đưa chồng tôi ra cơ quan pháp luật. Tôi muốn được tư vấn trong trường hợp này nếu chồng tôi bi đưa ra pháp luật thì sẽ chịu tội gì ? Xin chân thành cám ơn (Diem Th.)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Chồng của chị đang đứng sát lằn ranh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu bị tuyên phạm tội, không những nhất thiết phải hoàn trả số tiền đã nhận, chồng chị còn chịu hậu quả pháp lý nặng nề, có án tích, chôn vùi công việc, sự nghiệp, ảnh hưởng đến nhân thân, gia đình, đẩy bản thân và gia đình vào tình cảnh bi đát.

Do vậy, bằng mọi cách, hết khả năng, chồng chị và gia đình phải cố gắng dàn xếp cho ổn thỏa theo hướng đạt được thỏa thuận dân sự với người giao tiền. Mà cụ thể là nhanh chóng lập giấy vay mượn nợ với khách hàng, cam kết thời gian trả, bao gồm lãi. Sau đó, nhanh chóng bán đất, trả nợ.

Để thực hiện việc trên một cách chặt chẽ, hiệu quả - tốt nhất là vợ chồng chị cần trực tiếp mang tài liệu tìm đến nhờ luật sư tư vấn, hướng dẫn cụ thể và chi tiết. Văn phòng Ecolaw nhận tư vấn vụ này với chi phí 1 triệu đồng (nếu chị có ý nhờ, vui lòng book trước cuộc hẹn).

Về câu hỏi liên quan đến tội danh có thể của chồng chị, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và như đã nói ở trên, trước mắt nên cố gắng không để xảy ra việc này.

Tuy vậy, nếu nói về dấu hiệu của hành vi, và nếu không có những bằng chứng thỏa thuận về mặt dân sự giữa khách hàng ( của ngân hàng) và chồng chị, thì chồng chị có thể bị điều tra, truy tố về các tội danh sau:

- Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hoặc

- Chiếm giữ trái phép tài sản, hoặc

- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

( Qui định tại các điều 140, 141 và 139 Bộ luật hình sự. Xem điều luật phía cuối bài viết này).

Ngoài ra, liên quan đến công việc, chồng chị còn có thể bị truy và xử lý về những hành vi sai phạm trong nghiệp vụ, qui chế của ngân hàng, có thể bị sa thải, buộc bồi thường thiệt hại cho ngân hàng ...vv.

Chúc chồng chị “tai qua nạn khỏi”. www.ecolaw.vn

--------------------------------

Qui định tại Bộ luật hình sự:

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

Điều 141. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành chính – Hình sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn