Thursday, August 21, 2014

Đã ly hôn, muốn đem con dưới 14 tuổi cùng đi xuất cảnh ra nước ngoài phải có sự đồng ý của chồng cũ


Hỏi: Kính gửi luật sư Ecolaw. Tôi và chồng cũ có 2 con trai còn nhỏ, một cháu sinh năm 2004 một cháu sinh năm 2008. Chúng tôi đã ly hôn vào năm 2008. Theo bản án ly hôn của tòa án, thì tôi là người trực tiếp nuôi dưỡng 2 con, còn chồng cũ có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi tháng 5 triệu đồng. Tuy nhiên trên thực tế, chồng cũ tôi chỉ thương cháu lớn, còn cháu nhỏ thì không thương yêu gì, không hiểu vì lý do gì.

Sau khi ly hôn khoảng 1 năm, từ cuối năm 2009 chồng cũ của tôi tới nhà đề nghị nhận nuôi cháu lớn. Còn cháu nhỏ thì tiếp tục để tôi nuôi. Vì tôi hoàn cảnh khó khăn, một mình nuôi hai cháu rất khó khăn, nên tôi đã đồng ý. Từ đó, chồng cũ tôi nuôi cháu lớn, tôi nuôi cháu nhỏ.


Thời gian gần đây, tôi có quen biết và có ý định kết hôn với một người Đức. Theo kế hoạch, anh ấy đồng ý bảo lãnh cho tôi và cả cháu nhỏ sang định cư tại Đức theo diện đoàn tụ gia đình. Tôi nghe nói nếu muốn cho cháu nhỏ xuất cảnh thì phải được chồng cũ của tôi, là cha cháu – đồng ý. Xin hỏi có đúng như vậy không? Giả sử là như vậy, nhưng người chồng cũ của tôi không đồng ý, thì tôi cần phải gì để con tôi được xuất cảnh theo mẹ? Rất mong được các luật sư xem xem, hướng dẫn.

Cũng xin nói thêm là tôi có tìm hiểu trên mạng internnet, thì thấy có trường hợp gần giống như hoàn cảnh của tôi, thì được hướng dẫn là tôi phải liên hệ với tòa án, yêu cầu tòa án ra quyết định có nội dung người mẹ phải được “toàn quyền (một mình) chăm sóc, nuôi dưỡng còn” thì mới được đem con xuất cảnh. Xin xem đường dẫn dưới đây:

http://www.tuantintuc.org/phapluat/tuvan-phapluat/doantu/Doan-tu-gia-dinh-voi-chong-con-khong-duoc-xuat-canh.html

Tôi xin chân thành cám ơn (To Ng.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời :

Sau khi xem bài báo chị gửi và và kiểm tra thông tin pháp lý liên quan, tôi có vài ý kiến trao đổi với chị như sau:

Khi giải quyết vụ án ly hôn tại Việt Nam, tòa án chỉ xác định (ghi rõ trong bản án hay quyết định ly hôn) ai là người “trực tiếp” nuôi dưỡng con cái, chứ không thể tước bỏ quyền làm cha/mẹ, thăm nom, … của người còn lại ( người không trực tiếp nuôi dưỡng) - đối với con chung (trừ những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như đó là người cha bị bệnh thần kinh).

Hơn nữa về nguyên tắc, quan hệ ruột thịt cha mẹ - con cái có bản chất là mối quan hệ nhân thân, không thể “cắt bỏ” hay “thay thế” cho người khác được. Cha thì luôn là cha, mẹ thì luôn là mẹ, không thể khác được. Cả cha và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con chung – kể cả khi đã ly hôn.

Do vậy, việc như trong bài báo hướng dẫn là liên hệ với tòa án, yêu cầu ra quyết định ghi rõ là một bên cha mẹ được “toàn quyền (một mình) chăm sóc, nuôi dưỡng con” – theo tôi là không hợp lý, không đúng luật. ( Tất nhiên là luật Việt Nam, chứ không phải luật Đức).

Tôi có tìm hiểu “Hướng dẫn thủ tục xin cấp thị thực đi đoàn tụ gia đình” tháng 4-2012 của Đại sứ quán Đức thì thấy như sau:

“ Trường hợp trẻ vị thành niên đi đoàn tụ với một bên cha mẹ tại Đức phải nộp giấy cam kết có chứng thực chữ ký của bên cha mẹ kia đồng cho trẻ em đi sang Đức đoàn tụ và bản sao công chứng hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân của bên cha mẹ ký giấy cam kết.

Bên cạnh giấy cam kết còn cần phải có giấy tờ chứng minh về “quyền nuôi con” như: Quyết định của tòa án về quyền nuôi con, quyết định ly hôn, giấy chứng tử hoặc quyết định của tòa án án tuyên bố bên cha mẹ kia mất tích”.

Trong tờ hướng dẫn, Đại sứ quán Đức cũng có lưu ý (khá thú vị) như sau :

“Pháp luật Việt Nam về cơ bản chỉ quy định quyền chung của cha, mẹ trong việc nuôi con. Việc này cũng áp dụng trong trường hợp ly hôn, vì liên quan tới hệ quả của việc ly hôn tòa án không xem xét quyền nuôi con (những bản dịch quyết định ly hôn thường không chính xác), mà chỉ xem xét hoàn cảnh sinh sống và điều kiện chăm nom trẻ em. Như vậy tòa án chỉ quyết định cha hay mẹ trực tiếp nuôi dưỡng con, chứ không quyết định bên nào có quyền nuôi con. Việc này thông thường cũng không thay đổi ngay cả trong các “Quyết định thay đổi người nuôi con” sau đó, trừ trường hợp tòa án quyết định hạn chế”.

Qua những thông tin như trên có thể thấy rằng, thậm chí cho dù chị có được quyết định của tòa án, xác định mình được “toàn quyền một mình chăm sóc nuôi dưỡng con” đi nữa, thì khi xuất cảnh - thủ tục qui định, vẫn phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha cháu bé. Sự “đồng ý bằng văn bản” ở đây có thể hiểu là “Giấy cam kết” của người chồng cũ, có nội dung đồng ý cho phép chị đem con đi xuất cảnh (và văn bản của người chồng mới đồng ý bảo lãnh con riêng của chị). Đây là thủ tục mang tính bắt buộc, không thể khác được.

Về những điều cần phải làm, theo tôi chị nên từng bước giải quyết như sau:

Trước hết, về mặt pháp lý, theo bản án ly hôn hiện nay, chị vẫn là người trực tiếp nuôi dưỡng 2 con. Do vậy, trước mắt chị cần làm “Đơn yêu cầu”, xin thay đổi người trực tiếp nuôi con cho đúng với thực tế hiện nay. Cụ thể là yêu cầu tòa án ra quyết định công nhận chị nuôi cháu nhỏ, người chồng cũ nuôi cháu lớn. Việc này có lẽ cả hai bên đều đồng thuận, và tòa sẽ đồng ý theo yêu cầu này, vì thực tế là như vậy và cũng phù hợp với qui định của pháp luật Việt Nam. Việc này cũng sẽ góp phần tránh những rắc rối về thủ tục hành chính pháp lý về sau, khi con lớn lên, làm hồ sơ học hành, thi cử …vv. Nếu có được quyết định này, xem như chị đã có điều kiện “có giấy tờ chứng minh về quyền nuôi con”

Sau đó, khi làm thủ tục xuất cảnh qua Đức, chị cần liên hệ với người chồng cũ đề nghị làm Giấy cam kết đồng ý cho con xuất cảnh – như nói ở trên. Tôi nghĩ rằng khả năng người chồng cũ đồng ý là cao. Nhưng nếu anh ta không đồng ý, thì nói thật là cũng … khó mà ép buộc được. Khi đó, có lẽ chị phải ra “tối hậu thư” là nếu không đồng ý thì người chồng cũ phải nhận nuôi con vậy.

Trước khi kết thúc phần trả lời của mình, điều tôi muốn chị cần lưu ý và rất quan trọng là: những qui định trên chỉ áp dụng trong trường hợp cho trẻ vị thành niên – tức là dưới 14 tuổi. Còn khi cháu bé đã trên 14 tuổi thì không cần phải có Giấy cam kết đồng ý cho con xuất cảnh của người cha nữa.

Chúc chị mọi việc thuận lợi, tốt đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn