Thursday, August 21, 2014

Mất khả năng đóng tiền hụi có nên đầu thú và có bị ở tù không?


Hỏi: Kính chào luật sư, nhờ luật sư tư vấn giúp em. Em hiện đang là giáo viên tiểu học vùng sâu, vợ em là thợ may ở quê và vợ em có chơi 6 chân hụi 1.000.000 đ ( mỗi tháng khui 2 lần ). Khi chơi vợ em và người chủ hụi không hề cho em hay (do em công tác ở xa, mỗi tuần em về 1 lần). Do làm ăn thua lỗ và vợ em hốt hết 6 chân hụi đó để đóng lại các chân hụi chết.

Nay vợ em không còn khả năng đóng nữa và khi em hay sự việc em đã bán tất cả tài sản nào có giá trị để đóng cho họ, và hiện nay vợ em còn thiếu họ 10 lần hụi nữa (đến tháng 12/2012 mới mãn hụi, em tính khoảng 60.000.000đ nữa) và em thật sự không còn khả năng để đóng nữa. Và họ hàng ngày đến gia đình em chửi mắng, sau đó họ lên cơ quan em la lối hàng ngày. Vậy em xin hỏi luật sư:


+ Về khoản nợ hụi đó em có chịu trách nhiệm trả nợ không.

+ Hiện nay vợ em không còn khả năng trả nợ và bị chủ hụi làm khó hàng ngày vậy em có thể đưa vợ em đầu thú công an được không?

+ Và khi họ kiện vợ em có bị truy tố không? nếu bị truy tố thì với số tiền 60.000.000đ vợ em sẽ bị phạt tù bao nhiêu năm?

Hiện nay em đang rối trí lắm, kính nhờ luật sư tư vấn giúp em, em chân thành cám ơn luật sư. (Dang H.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Hụi (hay còn gọi là “họ”) là hình thức huy động vốn theo dạng quan hệ vay mượn tiền giữa những người tham gia (chơi hụi) với nhau. Về nguyên tắc, pháp luật không cấm việc chơi hụi. Và khi chơi hụi, người chơi phải có nghĩa vụ tuân thủ theo các điều mà mình đã thỏa thuận, thống nhất với những người chơi khác.

Mô hình và cách thức chơi hụi giống như một sợi dây xích, chỉ cần một người mất khả năng đóng hụi là xem như toàn dây hụi bị ảnh ảnh, dẫn đến việc bể hụi. Trường hợp của vợ anh cũng vậy. Qua thông tin anh nêu, có thể thấy vợ anh đã hốt hụi trước và hiện nay rơi vào tình cảnh mất khả năng đóng hụi chết. Việc này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người còn lại (chưa hốt hụi). Chính vì vậy, việc họ hàng ngày tới nhà anh la lối, chửi bới gì đó, tuy là hành vi không đúng, nhưng cũng có thể hiểu và “chia sẻ” được.

Theo tôi nghĩ, số nợ hiện nay của vợ anh đối với dây hụi (có thể xem như vậy) là 60 triệu đồng là một số tiền khá lớn nhưng không hẳn là không có khả năng giải quyết. Trước mắt, anh nên bàn với vợ anh, chủ động gặp chủ hụi và những người chơi hụi, đề nghị được khoanh nợ và cam kết sẽ trả nợ vào một thời điểm nào đó về sau. Nếu các bên đạt được thỏa thuận thì lập thành văn bản, và phần mình cố gắng thực hiện trả nợ (chi tiết thỏa thuận như thế nào thì cần linh hoạt, theo hướng các bên đều có thể chấp nhận được).

Nếu không đạt được thỏa thuận, thì đành nói thẳng là “cứ giải quyết theo qui định của pháp luật”. Khi đó, theo qui định, những người chơi hoặc chủ hụi có quyền và có thể khởi kiện vợ anh ra tòa án để giải quyết. Về nguyên tắc, tòa án sẽ tuyên vợ anh có nghĩa vụ phải trả nợ (đóng hụi) cho những người khởi kiện theo như cách thức khi chơi hụi. Và có thể phải trả thêm tiền lãi, theo mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước qui định, do lỗi chậm đóng hụi/trả nợ.

Tuy nhiên, lưu ý là vợ anh không nên bỏ trốn đi nơi khác, mà phải cắn răng chấp nhận thực tế và ở tại địa phương. Vì nếu vợ anh bỏ trốn thì có thể bị những người chơi hụi tố cáo về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nếu vậy thì khả năng xấu nhất là vợ anh có thể bị kết tội, phải đi tù (mà vẫn phải trả nợ).

Về việc anh hỏi anh có trách nhiệm trả nợ không thì cũng còn tùy vào “lý lẽ” của bên kiện cũng như quan điểm đánh giá của Tòa án. Tuy nhiên theo tôi nghĩ thì khả năng này là 50%. Vì theo qui định tại Luật Hôn nhân và gia đình, những khoản chi phí lớn về kinh tế trong gia đình thì cả hai vợ chồng đều chịu trách nhiệm chung. Ngoài trừ trường hợp trước đó hai người đã có thỏa thuận (bằng văn bản) về việc độc lập kinh tế với nhau.

Về việc “có thể đưa vợ em đầu thú công an” hay không ? – theo tôi nghĩ là không/chưa cần thiết. Vì công an chưa mới, và cũng có khả năng là những người chơi hụi chưa có đơn tố cáo. Hơn nữa như tôi đã nói ở trên, việc vợ anh chơi hụi và mất khả năng đóng hụi, nếu không bỏ trốn, thì không phải là hành vi phạm tội. Nên không cần phải “đầu thú” – vốn là việc dành cho người phạm tội. Tuy nhiên, cần lưu ý là khi công an hay cơ quan Nhà nước có thư mời thì vợ anh nên có mặt, chấp hành.

Về việc vợ anh “có bị truy tố không?” – thì qua những điều phân tích ở trên, anh có thể hiểu là không - nếu không bỏ trốn.

Tóm lại, tôi khuyên vợ chồng anh cần bình tĩnh, tìm hướng giải quyết trả nợ. Mặt khác không nên bỏ trốn và chấp nhận khả năng có thể bị kiện ra Tòa. Về lâu dài, nhất thiết nên tìm hướng trả nợ, kể cả việc phải vay mượn, bán tài sản. Thân mến. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành chính – Hình sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn