(Ecolaw.vn) - Sớm nhận ra những dấu hiệu cảnh báo giúp lãnh đạo có thêm thời gian, cơ hội để giữ nhân viên ở lại hoặc biết được nguyên nhân khiến họ không muốn đồng hành cùng công ty nữa. Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý lắng nghe những góp ý chân thực và khách quan nhất. Từ đó giúp cải thiện tốt hơn quy trình làm việc, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ và ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám” hàng loạt.
Ảnh minh họa
3 dấu hiệu sau đây chứng tỏ nhân viên có ý định nhảy việc.
1. Hăng say làm việc một cách bất thường
Một nhân viên xuất sắc sắp nghỉ việc luôn trở nên chăm chỉ một cách bất thường. Mọi việc được hoàn thành xuất sắc, mọi vấn đề tồn đọng đều được giải quyết ổn thoả ngoài mong đợi của lãnh đạo. Tuy nhiên, đó lại là một lời cảnh báo bất ngờ đến khó tin: nhân viên đó sắp rời bỏ bạn.
Bởi một nhân viên giỏi luôn quan tâm đến công việc của mình, ngay cả khi họ đang ngắm nghía một vị trí tốt hơn ở công ty khác. Họ muốn để lại những ấn tượng thật hoản hảo trước khi chính thức ra đi. Vì thế, ngay khi cảm thấy thật sự hài lòng về một nhân viên nào đó vượt trội một cách bất thường, bạn đừng quên đặt câu hỏi liệu rằng có phải bạn sắp mất họ không.
2. Hoạt động mạnh mẽ trên mạng xã hội
Khi nhân viên bắt đầu hoạt động mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội, dạo quanh các trang tìm kiếm việc làm thì tức là họ đang có dấu hiệu muốn nhảy việc.
Bạn cũng có thể nhận ra điều này thông qua xu hướng tham gia các hội nhóm, fanpage, LinkedIn hay chia sẻ trên Facebook. Điều này chứng tỏ nhân viên của bạn đang đẩy mạnh các mối quan hệ, tìm kiếm thông tin để chuẩn bị cho công việc mới.
3. Cố gắng tận dụng mọi phúc lợi của công ty
Những nhân viên sắp nghỉ việc sẽ cố gắng sử dụng hết mọi quyền lợi của mình ở công ty cũ, ví dụ như dịch vụ y tế hay sử dụng hết ngày phép.
Họ làm điều đó ngay cả khi nơi làm việc mới có nhiều phúc lợi hấp dẫn hơn. Khi bắt đầu công việc mới, những nhân viên này sẽ hạn chế tối đa việc nghỉ phép để hẹn hò hay giải quyết những công việc riêng.
Vì thế, khi bạn thấy ai đó đang cố tận hưởng những quyền lợi của họ một cách gấp rút, điều đó có nghĩa ngày nghỉ việc của họ đã đến rất gần.
Vậy bạn phải làm gì?
Nhận ra một nhân viên chuẩn bị nhảy việc khác với việc bạn nhận được đơn xin nghỉ việc của họ. Mặc dù bạn đã biết đầy đủ những dấu hiệu rõ ràng rằng nhân viên ưu tú nhất đã sẵn sàng rời bỏ công ty thì điều đó vẫn không có nghĩa bạn sẽ mất họ. Bạn vẫn có cơ hội và thời gian để giữ họ ở lại.
1. Lắng nghe phản hồi của nhân viên
Lẽ ra bạn nên thường xuyên lắng nghe nhân viên của mình hơn, trước khi họ ra đi. Nhưng bạn vẫn còn cơ hội để lắng nghe. Bạn sẽ nhận được những ý kiến phản hồi rất thẳng thắn từ nhân viên – những lời mà chỉ có những người sắp nhảy việc mới dám nói với quản lý của họ.
Đây là cơ hội tốt để bạn hiểu rõ hơn về cách quản lý của mình và những tâm tư của nhân viên. Nhờ vậy, bạn có thể điều chỉnh lại cách làm việc, quản lý để giữ chân người tài.
Sau cuộc trò chuyện, họ có thể hé lộ cho bạn biết lý do khiến họ muốn nhảy việc. Từ đó, bạn cũng xem xét có thể cải thiện điều gì để giữ chân họ hoặc để cải thiện hoạt động của công ty.
2. Cuộc bàn giao lặng lẽ
Dù tin chắc nhân viên nào đó sắp nhảy việc, bạn cũng không thể yêu cầu họ truyền đạt mọi kinh nghiệm hay bàn giao cặn kẽ những công việc họ đang nắm giữ cho nhân viên khác. Đây là nguy cơ khiến công việc bị bị trì trệ và xáo trộn.
Hãy có bước chuẩn bị chu đáo hơn, chủ động tạo điều kiện để nhân viên của bạn có thể bàn giao công việc tốt nhất.
Bạn hãy cắt cử một nhân viên ít kinh nghiệm hơn làm việc cùng người sắp nghỉ việc trong cùng một dự án. Một cách tự nhiên nhất, họ sẽ hướng dẫn, trao đổi với nhau phương pháp làm việc tốt nhất. Đồng thời, bạn hãy khuyến khích họ đưa ra những đề nghị thay đổi để cải thiện quy trình làm việc.
Sau hai tuần, bạn hãy tổ chức một cuộc họp với cả hai nhân viên để lắng nghe xem họ muốn thay đổi gì trong công việc. Bạn sẽ nhận được những thông tin giá trị, khách quan từ cả hai người và hiểu hơn những vấn đề mà nhân viên mình đang gặp phải.
Nếu có thể thay đổi, bạn giữ chân được một nhân viên tài năng. Nếu không thể đáp ứng những yêu cầu của họ, bạn cũng đã vừa tạo ra một cuộc bàn giao lặng lẽ nhưng hiệu quả, đảm bảo công việc sẽ tiếp tục trơn tru.
3. Giữ liên lạc với họ
Nhiều nhân viên sau khi nghỉ việc sẽ cắt đứt mọi liên lạc với công ty cũ. Bạn hãy thử thay đổi điều đó. Trong suốt khoảng thời gian ít ỏi nhân viên đó còn ở lại, bạn hãy cố gắng tạo nên một mối quan hệ gần gũi và đảm bảo rằng mối quan hệ này đủ thân thiết để bạn vẫn sẽ liên lạc được với họ sau khi đã nghỉ việc.
Hãy trò chuyện nhiều hơn vào những giờ nghỉ giải lao, đi ăn trưa chung chẳng hạn. Trong trường hợp họ vẫn kiên quyết ra đi thì bạn vẫn giữ được mối quan hệ xã hội tốt.
Mất đi một nhân viên giỏi luôn là điều khiến những doanh nghiệp lo lắng. Nếu thường xuyên lắng nghe, có mối quan hệ tốt với nhân viên, bạn sẽ sớm nhận ra những dấu hiệu ban đầu về sự ra đi này. Nếu không thể giữ chân họ, bạn cũng nên tạo ra một ấn tượng, kỷ niệm đẹp cho tất cả mọi người.
Một cuộc chia tay trong vui vẻ sẽ giúp hình ảnh của bạn cũng như công ty trở nên chuyên nghiệp, thân thiện hơn và đó sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút nhân tài muốn “đầu quân” cho bạn.
---------------------
Cẩm nang pháp luật
- Quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi và làm thêm giờ (overtime)
- Quy chế thực hiện dân chủ tại nơi làm việc
- Qui định về bảo hiểm thất nghiệp
- Qui định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
- Quy trình họp xử lý kỷ luật lao động tại doanh nghiệp
- Thủ tục giải thể doanh nghiệp
- Xử lý nợ và thủ tục tuyên bố phá sản khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản
- Qui định về treo cờ tổ quốc & cờ công ty
- Quy định về việc cấp phép trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ công ty