Sunday, July 27, 2014

Thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm văn học

Vân Anh

Nếu Quí vị là một người thích, có khả năng sáng tác và có ý định làm giàu từ những tác phẩm của mình thì trước hết quí vị nên đăng ký quyền tác giả. Việc này sẽ giúp quí vị tránh được việc sẽ bị ai đó “đánh cắp” tác phẩm của mình, đồng thời sẽ hạn chế phát sinh những rắc rối không đáng có về sau.

Sự sáng tạo của con người là tài sản có giá trị,  cần được bảo vệ  

Mới đây, một nhà văn trẻ có liên hệ với chúng tôi nhờ hướng dẫn thủ tục để “sở hữu hợp pháp và chặt chẽ” một kịch bản phim truyện có tên là Tài tử Cine trước khi chào bán nó cho một hãng phim tư nhân. Để làm việc đó, nhà văn này chỉ cần tiến hành việc đăng ký quyền tác giả.

Quyền tác giả là gì?

Theo qui định tại Luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là quyền của tổ chức hoặc cá nhân đối với những sản phẩm trí tuệ ( như tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật, kịch, thơ, tranh, ảnh ...) do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu một cách hợp pháp (có thể hiểu là mua lại).

Như vậy, có thể hiểu « tác giả » chính là tổ chức hoặc cá nhân đã trực tiếp sáng tạo ra những sản phẩm trí tuệ đó. Như trong trường hợp trên, nhà văn trẻ chính là tác giả của tác phẩm kịch bản phim truyện Tài tử Cine.

Quyền tác giả gồm 2 nội dung : quyền nhân thân và quyền tài sản

1. Quyền nhân thân, gồm các quyền sau đây:

- Đặt tên cho tác phẩm;

- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

2. Quyền tài sản, gồm các quyền sau đây: 

- Làm tác phẩm phái sinh (tức là tác phẩm làm mới từ tác phẩm gốc);

- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

- Sao chép tác phẩm;

- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Các quyền trên do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc có thể cho phép người khác thực hiện.

Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản nêu trên phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho tác giả.

Theo qui định, quyền tác giả phát sinh và được xác lập kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định - không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học là 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.

Thủ tục đăng ký quyền tác giả:

Đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm...

Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Vì như đã nói trên, quyền tác giả hiển nhiên phát sinh và xác lập kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức nhất định.

Tuy nhiên, việc đăng ký quyền tác giả lợi hại ở chỗ khi có tranh chấp thì tổ chức, cá nhân nào đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình nữa. ( Trừ trường hợp có “ai đó” cũng có chứng cứ ngược lại – tức là cũng có Giấy chứng nhận quyền tác giả đối với chính tác phẩm mà quí vị đã được cấp giấy chứng nhận ).

Tại Việt Nam, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn hợp lệ. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Hồ sơ đăng ký gồm những gì?

Có 2 trường hợp :

* Nếu chủ thể đăng ký là chủ sở hữu đồng thời là tác giả/các đồng tác giả: 

1. Tờ khai đăng ký quyền tác giả - 2bản (theo mẫu).

2. Ba bản mẫu tác phẩm cần đăng ký; tác phẩm đã được công bố hay chưa; thời gian công bố;

3. Giấy uỷ quyền của tác giả/các đồng tác giả (có công chứng, chứng thực - 1 bản) nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;

4. Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa.

5. Bản sao chứng minh nhân dân của tác giả/các tác giả (kèm theo bản chính chứng minh nhân dân để đối chiếu nếu bản sao không có công chứng – 1 bản);

6. Tên đầy đủ, bút danh (nếu có), địa chỉ, số điện thoại, fax của tác giả/các đồng tác giả.

7. Giấy cam đoan của tác giả độc lập sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai - 1 bản (theo mẫu).

* Nếu chủ thể đăng ký là chủ sở hữu không đồng thời là tác giả (tổ chức, công ty) 

1. Tờ khai đăng ký quyền tác giả - 2 bản (theo mẫu).

2. Giấy Uỷ quyền của tổ chức hoặc cá nhân

3. Giấy chuyển nhượng tác phẩm từ tác giả / các đồng tác giả cho tổ chức hoặc công ty (có xác nhận chữ ký); hoặc Giấy chứng nhận tác phẩm xin đăng ký là tác phẩm được thực hiện theo nhiệm vụ công tác (1 bản);

4. Ba bản mẫu tác phẩm cần đăng ký; tác phẩm đã được công bố hay chưa; thời gian công bố;

5. Bản sao có công chứng Giấy phép đăng ký kinh doanh (1 bản);

6. Tên đầy đủ, bút danh (nếu có) của tác giả/các tác giả; địa chỉ, số điện thoại, fax của tác giả/các tác giả, công ty.

7. Bản sao chứng minh nhân dân của tác giả/các tác giả (kèm theo bản chính chứng minh nhân dân để đối chiếu nếu bản sao không có công chứng – 1 bản);

8. Giấy cam đoan của tác giả độc lập sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai - 1 bản (theo mẫu).

Yêu cầu đối với đơn đăng ký quyền tác giả:

- Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin theo mẫu quy định. Người được ủy quyền phải thuộc tổ chức có đăng ký kinh doanh về chức năng đại diện đăng ký quyền tác giả.

- Mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một Giấy chứng nhận;

- Các thông tin khai trong Tờ khai và hồ sơ kèm theo phải thống nhất, phù hợp với nhau;

- Tờ khai và hồ sơ kèm theo phải được trình bày rõ ràng, sạch sẽ bằng hình thức đánh máy hoặc viết bằng mực khó phai, không tẩy xoá, không sửa chữa;

Nơi nhận hồ sơ đăng ký quyền tác giả :

Cục bản quyền tác giả 

Địa chỉ : 151 Hoàng Hoa Thám, Tp. Hà Nội
Điện thoại : 04. 38236908 Fax : 04.38432630
Email:cbqtg@hn.vnn.vn
Website: www.cov.gov.vn

Nếu quí vị ở khu vực phía Nam có thể liên hệ tại :

Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh

Địa chỉ : 170 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh 
ĐT: 08.39308086 Fax: 08.39308087
Email: covhcm@vnn.vn

------------------

Tài liệu tham khảo:

- Mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả
- Mẫu Giấy cam kết của tác giả độc lập sáng tạo
- Mẫu Giấy ủy quyền đăng ký quyền tác giả


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc nội dung pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý : bài viết trên thuộc lĩnh vực : Thủ tục hành chính - pháp lý  

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn