Sunday, July 27, 2014

Hệ thống Tòa án tại Việt Nam

      Luật sư Trần Hồng Phong

Tại Việt Nam, hệ thống tòa án được tổ chức như thế nào, việc xét xử gồm hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm là gì, thành phần của Hội đồng xét xử gồm những ai?

Trụ sở tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh. Đây là tòa án cấp tỉnh, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm
                             
Tại Việt Nam, cơ quan xét xử được gọi là “Tòa án nhân dân” (TAND). Gọi tắt là “tòa án”. Tòa án xét xử các vụ án thuộc mọi lĩnh vực trong xã hội : hình sự ( xử về tội phạm), dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế và hành chính.

Hệ thống tòa án tại Việt Nam được tổ chức gồm các tòa án sau :

1. Tòa án nhân dân tối cao.

2. Tòa án nhân dân tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc trung ương). Mỗi tỉnh có một tòa án. Ví dụ : TP. HCM có TAND TP.HCM, tỉnh Vĩnh Long có TAND tỉnh Vĩnh Long.

3. Tòa án nhân dân quận, huyện thuộc tỉnh. Mỗi huyện có một tòa án. Ví dụ: Quận 10 thuộc TP.HCM có TAND Quận 10, TP. Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai có TAND TP. Biên Hòa. Như vậy, trong một tỉnh sẽ có nhiều tòa án cấp quận, huyện.

4. Các Tòa án quân sự ( chia theo quân khu – khu vực).

Chế độ xét xử hai cấp 

Tại Việt Nam, việc xét xử của tòa án thực hiện qua hai cấp: sơ thẩm ( hay gọi nôm na là xử lần 1) và phúc thẩm (xử lần 2).

Tòa án khi xét xử sẽ đưa ra phán quyết của mình, gọi chung là “bản án”.

Bản án của tòa án xử sơ thẩm gọi là Bản án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm có thể bị kháng cáo ( hay còn gọi là chống án) bởi các đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan …) – trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay và nếu không bị kháng cáo thì sau 15 ngày được xem là có hiệu lực pháp luật. Tức là có tính bắt buộc phải thi hành. Ví dụ: ông A kiện đòi ông B 100 triệu đồng. Tòa án Quận 10 xử sơ thẩm xử tuyên ông B phải trả cho ông A 100 triệu đồng. Ông B thấy tòa xử đúng nên không kháng cáo bản án sơ thẩm. Sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án, bản án sẽ chính thức có hiệu lực pháp luật. Nghĩa là từ lúc này, việc phải trả 100 triệu cho ông A là “bắt buộc” đối với ông B.

Bản án sơ thẩm bị kháng cáo sẽ được xét xử phúc thẩm.

Bản án của tòa phúc thẩm gọi là Bản án phúc thẩm, có hiệu lực pháp luật ngay (chung thẩm), không ai được kháng cáo nữa.

Tuy nhiên, bất kỳ bản án nào - dù đã có hiệu lực pháp luật, mà sau đó phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì sẽ được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. ( Vấn đề này chúng tôi sẽ có dịp trình bày sau).

Thành phần Hội đồng xét xử : 

Việc xét xử một vụ án được thực hiện bởi một Hội đồng xét xử.

Hội đồng xét xử tùy theo cấp xét xử sơ thẩm hay phúc thẩm mà có số lượng như sau :

- Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm : 3 vị, gồm 1 thẩm phán và 2 vị hội thẩm nhân dân.

- Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm : gồm 3 vị thẩm phán.

Trong những vụ án lớn hoặc có tính chất đặc biệt, thành phần của Hội đồng xét xử có thể được bổ sung nhiều vị hơn.

Tại mỗi phiên tòa, trong Hội đồng xét xử sẽ có một vị thẩm phán nắm quyền điều hành phiên tòa gọi là “Chủ tọa”.

Điều đáng lưu ý là khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán. Luật qui định các vị này độc lập với nhau (tức không ai có quyền chỉ đạo ai) và chỉ tuân theo pháp luật.

Việc nghị án (tức là trao đổi và quyết định về mức án hay phán quyết có liên quan đến nội dung khởi kiện của các đương sự ) thực hiện theo chế độ tập thể. Phán quyết của Hội đồng xét xử được thông qua bằng cách lấy biểu quyết - theo đa số. Ví dụ : cũng vụ án ông A kiện ông B nói trên, sau khi tiến hành xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử sẽ vào nghị án. Trong Hội đồng xét xử (gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm có ý kiến khác nhau. Chẳng hạn vị thẩm phán thì cho rằng nội dung kiện của ông A là không có căn cứ, còn hai vị hội thẩm thì lại nói ông A kiện là đúng. Khi đó, với số phiếu đa số 2/1, xem như tòa sẽ xử tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A.

Tuy nhiên, đó là nói về “lý thuyết”, chứ trên thực tế, hầu như kết quả xét xử như thế nào đều do vị thẩm phán chủ tọa “dẫn dắt”.

Như vậy, có thể thấy Hội đồng xét xử ở Việt Nam khá khác do với các nước tư bản. Tại những nước này ( chẳng hạn như Hoa Kỳ), Hội đồng xét xử gồm vị thẩm phán nắm quyền chủ trì và một đoàn bồi thẩm ( Bồi thẩm đoàn) gồm 15 vị.

Nguyên tắc xét xử 

Tại Việt Nam, việc xử án phải bảo đảm những nguyên tắc cơ bản sau:

- Xét xử công khai ( trường hợp đặc biệt có thể xử kín, để giữ gìn bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục hoặc để giữ bí mật của các đương sự).

- Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội …

- Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tức là được thuê luật sư.

Chức năng, nhiệm vụ của tòa án các cấp

* Tòa án nhân dân tối cao

Đây là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lãnh đạo cao nhất của tòa gọi là Chánh án.

Nhiệm vụ và quyền hạn:

- Hướng dẫn các Tòa án cấp dưới áp dụng thống nhất pháp luật.

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị - theo quy định của pháp luật tố tụng. ( Kháng nghị thực chất cũng là một dạng kháng cáo, nhưng do những người có thẩm quyền của Nhà nước (thuộc Viện kiểm sát ( cơ quan công tố) hay tòa án “kháng cáo”).

- Xử phúc thẩm những vụ án mà bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các tòa án cấp dưới.

- Trình Chủ tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình.

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các thẩm phán ở tất cả các Tòa án trên cả nước.

* Tòa án nhân dân cấp tỉnh 

Có thẩm quyền:

- Xét xử sơ thẩm những vụ án thuộc thẩm quyền của mình - được qui định tại Bộ luật tố tụng (hình sự và dân sự).

- Xét xử phúc thẩm những vụ án mà bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị.

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới bị kháng nghị.

Về mặt tổ chức, Tòa án cấp tỉnh thường chia thành các Tòa chuyên trách là :

- Tòa hình sự.

- Tòa dân sự.

- Tòa kinh tế.

- Tòa hành chính.

Lãnh đạo cao nhất của Tòa án cấp tỉnh gọi là Chánh án. Còn lãnh đạo cao nhất của các tòa chuyên trách gọi là Chánh tòa. Ví dụ : tại TAND TP. Hồ Chí Minh, vị lãnh đạo cao nhất là Chánh án. Còn vị lãnh đạo cao nhất của Tòa kinh tế TP. HCM ( thuộc Tòa án TP.HCM) được gọi là “Chánh tòa kinh tế”.

* Tòa án nhân dân cấp quận, huyện

Đây là những tòa án phụ trách việc xét xử sơ thẩm các vụ án trong phạm vi địa giới hành chính của quận, huyện đó.
Vị đứng đầu cũng được gọi là Chánh án.

Trên đây chỉ là những khái niệm cơ bản và rút gọn, được diễn giải theo lối « xã hội hóa » để mọi người cùng tìm hiểu.

                      (Theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002)


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc nội dung pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý : bài viết trên thuộc lĩnh vực : Tố tụng dân sự - hình sự  

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn