Thursday, July 17, 2014

Nhượng quyền thương mại, ai lợi hơn ai? Vì sao nên nhượng quyền thương mại?

NIKOLAS JAMES 

Thông thường, chúng ta nghĩ  rằng bên giao nhượng quyền sẽ hưởng một khoản không nhỏ từ bên nhận nhượng quyền. Tuy nhiên,  thực tế không hẳn như vậy! Đôi bên hợp tác, chắc chắn mục đích của họ là lợi nhuận, nhưng họ cũng có những khó khăn nhất định.

Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà kinh doanh cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh như vậy, nhà đầu tư cần phải “chộp” được hình thức kinh doanh nào đảm bảo tiêu chí “lợi nhuận là trên hết”, vừa đạt được hiệu quả tốt nhất về sử dụng vốn, vừa phát triển nhanh thị trường, và mở rộng đươc thị phần? Hiện nay, hình thức nhượng quyền thương mại sẽ là một trong những lựa sự lựa chọn lý tưởng cho cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền.

Nhượng quyền thương mại đã được hình thành vào những năm 90 của thế kỷ 20 tại nước ta. Đã có một số các thương hiệu đang được nhượng quyền kinh doanh thành công, như: Gà rán Kentucky (KFC), Phở 24, hệ thống đồ ăn nhanh Lotteria.Song, đến nay, cụm từ “nhượng quyền thương mại” vẫn còn là một thế giới đầy bí ẩn với Việt Nam ta, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Nhượng quyền thương mại (nguyên văn từ tiếng Pháp: franchise) là việc cho phép bên nhận nhượng quyền được kinh doanh hàng hoá hay dịch vụ theo hình thức và phương pháp kinh doanh đúng với khuôn mẫu của bên nhượng quyền trong một thời hạn nhất định, để hưởng một khoản lợi nhuận theo thỏa thuận giữa hai bên. Bên nhượng quyền phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các phương tiện kinh doanh và hỗ trợ thành viên gia nhập hệ thống, và được nhận một khoản phí từ bên nhận quyền.

Vậy, trong nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền và bên nhận quyền, ai sẽ là người thắng thế?Xin thưa, hoạt động này đem đến niềm vui cho cả hai bên.

Trước tiên, đối với bên nhượng quyền, sẽ loại bỏ được những mối lo sau:

-  Vốn, vì trong hệ thống nhượng quyền, người bỏ vốn ra để mở rộng hoạt động kinh doanh lại chính là bên nhận quyền. Nói cách khác, bên nhượng quyền mở rộng hoạt động kinh doanh bằng chính đồng vốn của người khác nên giảm đươc chi phí thâm nhập thị trường. Đồng thời việc phải bỏ vốn kinh doanh là động lực thúc đẩy bên nhận quyền phải cố gắng hoạt động có hiệu quả, mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho bên nhượng quyền. Đây có thể nói là một mũi tên trúng hai đích.

-  Thời gian, vì việc chuẩn bị tất cả những “nguyên liệu” cần thiết cho việc kinh doanh có bàn tay của cả hai bên góp vào.Hình thức nhượng quyền sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng sự hiện diện thương mại một cách nhanh chóng cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, bên nhận quyền có thể tiếp cận những địa điểm mà bên nhượng quyền không thể tiếp cận được.

- Tối đa hoá thu nhập. Khi nhượng quyền, bên nhận quyền phải trả tiền bản quyền thuê thương hiệu và tiền phí để được kinh doanh với tên và hệ thống của bên nhượng quyền. Đồng thời, bên nhận quyền phải mua sản phẩm, nguyên liệu của bên nhượng quyền, nhờ đó mà bên nhượng quyền có thể tối đa hoá thu nhập của mình.

Còn đối với bên nhận quyền thì sao? Có thể nói, việc kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại giúp cho bên nhận quyền giảm thiểu được rủi ro. Vì khi tham gia vào hệ thống nhượng quyền, bên nhận quyền sẽ được truyền đạt các kinh nghiệm quản lý, bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền đã thành công qua những lần trải nghiệm trên thương trường. Chính vì thế, bên nhận quyền sẽ không phải trải qua giai đoạn xây dựng và phát triển ban đầu. Bên cạnh đó, bên nhận quyền chỉ cần tập trung vào việc điều hành hoạt động kinh doanh, phần còn lại như xây dựng chiến lược tiếp thị, quy trình vận hành, chiến lược kinh doanh sẽ do bên nhượng quyền chuyển giao.Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào cũng có thể thỏa thuận giá cả thấp hơn giá thị trường, tạo ra một lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp nhận quyền.

Nhượng quyền thương mại là một bước tiến vĩ đại của nền kinh tế thế giới, với khả năng khuếch trương các địa điểm kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận cho doanh nghiệp một các đáng kể. Các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, nên dự liệu tới khả năng chuyển nhượng của doanh nghiệp mình.Cũng như những nhà đầu tư mới chập chững vào thị trường, nên xem xét tới việc nhận nhượng quyền thương mại.

-----------------------------



10 lý do để nhượng quyền thương mại

Bạn đang có một nhà hàng cơm tấm luôn đông khách, một quán cà phê được mọi người yêu thích, một nhà hàng hải sản có lợi nhuận… có nghĩa là bạn đang sở hữu một mô hình kinh doanh thành công và đang tự hỏi cách nào để mở rộng kinh doanh tốt nhất. Nếu bạn đang xem xét nhượng quyền thương mại như là một trong những chiến lược của mình, thì sau đây là 10 lý do tuyệt vời để bạn thuyết phục chính mình.

1/ Thực hiện mở rộng nhanh chóng trên toàn quốc

Nhượng quyền thương mại sẽ giúp nhân rộng mô hình kinh doanh hiện hữu một cách nhanh chóng và không phải tốn nhiều tiền đầu tư. Chi phí mở thêm cửa hàng mới sẽ là một chi phí rất lớn cho công ty nếu bạn muốn có được một số lượng cửa hàng nhiều, và dòng tiền mặt cần thiết cho việc đầu tư này rất quan trọng cho sự tồn tại của công ty. Đối tác nhận nhượng quyền sẽ là người sát cánh với bạn để chia sẻ chi phí đầu tư và lợi nhuận.

2/ Có được các cộng sự với tinh thần doanh nhân cao

Khi bắt đầu tuyển dụng người nhận nhượng quyền, bạn sẽ trải qua một thời gian và quy trình chọn lọc rất khắt khe để tìm được một đối tác có cùng đam mê, đủ nguồn lực thời gian và tài chính để đứng chung dưới ngọn cờ thương hiệu của bạn. Khi một cửa hàng nhượng quyền mới được khai trương, bạn có được một cửa hàng với người chủ nghiêm túc và tận tâm. Họ vận hành cửa hàng tốt hơn nhiều một cửa hàng trưởng làm công ăn lương.

3/ Làm giảm khả năng của đối thủ cạnh tranh

Người tiêu dùng thường tò mò và bị hấp dẫn bởi những cái mới. Tuy nhiên, nếu bạn giới thiệu một sản phẩm hay dịch vụ tốt hơn, họ sẽ sử dụng và trung thành với thương hiệu của bạn. Nhượng quyền thương mại là một cách hợp lý mở rộng bạn lưới, nhanh chóng lôi kéo khách hàng của đối thủ cạnh tranh và nếu bạn vẫn là người tốt hơn, bạn sẽ có nhiều khách hàng trung thành.

4/ Duy trì ấn tượng thương hiệu

Với phương thức nhượng quyền thương mại, người nhận nhượng quyền phải vận hành đúng theo cách thức của toàn hệ thống. Điều này tạo điệu kiện cho người tiêu dùng ở nhiều nơi cùng hưởng được một tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm và dịch vụ, họ luôn luôn biết rõ những gì họ có thể nhận từ thương hiệu của bạn.

5/ Thu thập được kinh nghiệm địa phương qua tối tác nhượng quyền

Nếu bạn tự mở rộng hệ thống đến những địa điểm khác, thông thường cần rất nhiều thời gian nghiên cứu. Mở rộng kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền thương mại, người nhận nhượng quyền ở địa phương sẽ giúp bạn việc này.

6/ Nâng cao hiệu quả mua hàng

Khi mạng lưới cửa hàng hay đơn vị kinh doanh mở rộng, việc tập trung hoạt động mua hàng tại một trung tâm sẽ giúp bạn nâng cao năng lực đàm phán, có cơ hội tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

7/ Có được một hệ thống phân phối tận tâm

Nếu bạn là một nhà sản xuất hay cung cấp một dịch vụ, mở rộng hệ thống phân phối bán hàng thông qua phương thức nhượng quyền thương mại, bạn sẽ có một hệ thống phân phối chỉ chuyên tâm vào sản phẩm và dịch vụ của bạn.

8/ Chia sẻ áp lực quản trị

Một hệ thống cửa hàng trực thuộc công ty sẽ yêu cầu một áp lực về công việc quản lý, tuyển dụng và đào tạo rất lớn. Nếu bạn chọn phương thức nhượng quyền thương mại, đối tác nhượng quyền sẽ chia sẻ áp lực này với bạn cũng như nâng cao hiệu quả của quản lý.

9/ Nâng cao sức mạnh quảng cáo

Một khi mạng lưới kinh doanh của bạn rộng lớn, bạn sẽ có lợi nhiều khi thực hiện tiếp thị theo nhóm cho toàn quốc hay một vùng kinh doanh cụ thể. Trong một mạng lưới kinh doanh thành công, các bên nhận nhượng quyền sẽ thường xuyên liên lạc và giúp đỡ nhau trong kinh doanh.

10/ Nâng cao lợi nhuận

Khi chọn nhượng quyền thương mại là phương thức mở rộng kinh doanh, bạn có thể thấy rằng tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư sẽ tăng lên mặc dù doanh số nhận được từ cửa hàng nhượng quyền thấp hơn cửa hàng của chính công ty. Nếu quản lý tốt bạn sẽ thấy hiệu quả tài chính rất cao.

Bạn có thể thấy nhượng quyền thương mại là một phương thức hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên cần ghi nhớ rằng, nhượng quyền không phải luôn luôn là một chiến lược dễ dàng. Nếu dự định nhượng quyền mô hình kinh doanh của mình, bạn cần đầu tư thêm thời gian và chi phí để xây dựng một mô hình kinh doanh mang tính hệ thống, thiết lập các quy trình hướng dẫn và hỗ trợ, chuẩn bị các văn bản pháp lý. Khi có tất cả các yếu tố trên, cơ hội thành công của bạn là rất lớn.


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc nội dung pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý : bài viết trên thuộc lĩnh vực : Thương mại – Doanh nghiệp 

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn