Năng lực hành vi dân sự (hay còn gọi là năng lực hành vi dân sự của cá nhân) là khả năng của một người, thông qua các hành vi của mình để xác lập hoặc/và thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự đối với người khác.
Hai chú bé này còn nhỏ nên không có năng lực hành vi dân sự (ảnh internet)
Mọi người (từ đủ 18 tuổi trở lên, gọi là “người thành niên”) đều được pháp luật qui định là có năng lực hành vi dân sự một cách đầy đủ, trừ trường hợp bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Vậy, thế nào là “mất năng lực hành vi dân sự" ?
Đó là khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến tình trạng không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng không phải ai cũng có quyền "phán" một người nào đó là " ông bị mất năng lực hành vi dân sự" (!). Việc này phải và chỉ do tòa án xem xét và tuyên bố mà thôi.
Chính vì "nguồn gốc" của sự mất năng lực hành vi dân sự là do bị bệnh, mà bệnh tật thì hoàn toàn có thể chữa khỏi, nên chúng ta có thể hiểu rằng vẫn có trường hợp một người hôm nay có thể đang ở trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự nhưng qua năm sau lại trở thành người có năng lực hành vi dân sự và ngược lại.
Có một điểm đáng lưu ý là người nào đang bị mất năng lực hành vi dân sự thì không/chưa phải chịu trách nhiệm về các giao dịch mà mình đã thực hiện trước đó. Hay nói rộng hơn kể cả các "hành động" trước đó. Chính vì vậy, mới có chuyện khi một bị cáo bị tòa đưa ra xét xử thì phía luật sư hay “chạy” các loại giấy tờ như giấy chứng nhận bị bệnh tâm thần hoặc cố "cãi" rằng thân chủ của mình bị mắc bệnh tâm thần chẳng hạn. Nhiều kẻ phạm tội khi gây án thì khôn như thần, nhưng khi ra tòa thì giả ngây, giả dại. Mục đích là để khỏi bị xét xử ấy mà.
Còn việc thế nào là "hạn chế năng lực hành vi dân sự" thì chúng tôi cho rằng quí vị có thể tự suy luận ra được. Ấy chính là trường hợp mà một người vì các lý do như nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích ... dẫn đến tình trạng lúc tỉnh, lúc mê, làm nhiều việc không đúng, không tốt ...
Vì năng lực hành vi dân sự của một người chỉ được xem là “đầy đủ” khi người đó tròn 18 tuổi, nên pháp luật có qui định trường hợp “Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên ( từ 6 - 18 tuổi). ( Xin đừng hỏi chúng tôi vì sao lại qui định từ 6-18 mà không phải là từ 5-17 chẳng hạn. Đơn giản: đó là luật, là ý chí chung của toàn xã hội).
Theo đó, người từ 6-18 tuổi do chưa đủ khôn lớn, nên luật qui định năng lực hành vi dân sự của người trong lứa tuổi này là “chưa đầy đủ”. Và do vậy, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, những người này phải được người đại diện theo pháp luật của họ đồng ý, trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Ví dụ : một cậu bé 16 tuổi có tiền và muốn mua một chiếc ô tô. Trong trường hợp này, cậu phải được cha mẹ đồng ý thì mới ... xong việc!
Còn những cô cậu bé dưới 6 tuổi thì quá nhỏ, nên được xem là “người không có năng lực hành vi dân sự”. Giao dịch dân sự của những “vị” này nhất thiết phải do người đại diện theo pháp luật của họ xác lập, thực hiện.
Ví dụ : một chú bé 3 tuổi được một người bà con ở nước ngoài cho 10.000 USD. Trường hợp này, việc “cho” phải thực hiện giữa người cho và cha mẹ chú bé. Còn chú bé thì dù có tiền nhưng nếu muốn sài thì cứ ... chờ đó ( tức là đợi đến lúc đủ 16 tuổi ấy mà )
Theo chúng tôi, sở dĩ pháp luật đưa ra khái niệm và qui định về năng lực hành vi dân sự là để lưu ý với quí vị rằng : đừng giao kết, mua bán gì với người không có đủ năng lực hành vi dân sự. OK ?
(Ghi chú: Các qui định về năng lực hành vi dân sự có trong Bộ luật dân sự)
Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản
phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy
định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo.
Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị
sử dụng vào các mục đích khác.
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
|