Friday, July 25, 2014

Di chúc miệng

Di chúc miệng là một hình thức đặc biệt của di chúc, được lập trong trường hợp người có tài sản đang ở trong tình trạng bị cái chết đe dọa.

Chúng ta biết rằng di chúc là sự thể hiện ý chí của một người nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.


Theo qui định và thông thường, di chúc phải được lập thành văn bản và phải thỏa một số điều kiện thì mới được xem là có giá trị pháp lý (xem thêm thuật ngữ “di chúc”).

Tuy nhiên, trong trường hợp người có tài sản đang ở trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Theo qui định tại Bộ luật dân sự, di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người “lập” di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Và trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc “ghi chép” lại này phải được công chứng hoặc chứng thực.

Tuy nhiên, nếu sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ. Tức là xem như không/chưa có di chúc. Lúc này, nếu người có tài sản muốn cho tài sản của mình (sau khi chết) cho ai đó thì phải làm di chúc bằng văn bản.

Một điều cần lưu ý là người làm chứng cho việc lập di chúc miệng không được là người sẽ hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; hoặc là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc hoặc chưa đủ 18 tuổi (chưa thành niên).

Ví dụ : ông A có một căn nhà và vừa bị tai nạn giao thông nguy hiểm đến tính mạng. Lúc hấp hối, ông A bày tỏ nguyện vọng muốn để lại tài sản của mình cho người cháu nội của mình. Vì ông A đã quá yếu, không thể tự tay viết được bản di chúc, nên ông “nói miệng” thể hiện ý chí “cho cháu nội tải sản”. Lúc này, ý chí của ông chính là “di chúc miệng” và phải có ít nhất hai người làm chứng. Nhưng hai người làm chứng này không thể là người cháu nội mà ông muốn cho tài sản, cũng không được là vợ, con, cháu ... (của ông) – vì những người này là người được hưởng di sản thừa kết theo pháp luật ( tức là nếu ông A không có di chúc thì những người này sẽ được hưởng thừa kế theo qui định của pháp luật. Trong trường hợp này, tốt nhất là nên nhờ một người làm chứng “chuyên nghiệp”, có thể là một luật sư và một vị bác sĩ tại bệnh viện chẳng hạn. Hai người này sẽ có đủ khả năng để có thể ghi chép lại ý chí của ông A một cách chặt chẽ, rõ ràng.



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI