Tuesday, May 30, 2017

Làm rõ 'nhân chứng đặc biệt' vụ tử tù Hồ Duy Hải


Mới đây (tháng 5/2017), gia đình Hồ Duy Hải đã có đơn gửi đến lãnh đạo các cơ quan tố tụng trung ương đề nghị làm rõ việc rút bớt hồ sơ trong điều tra vụ án mạng tại Bưu điện Cầu Voi.

Hồ Duy Hải đã bị phúc thẩm tuyên tử hình - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Ghi chú: Luật sư Trần Hồng Phong, giám đốc công ty luật Ecolaw là người bào chữa cho Hồ Duy Hải, nêu trong bài báo này.


Trong đơn, người thân của Hồ Duy Hải - người bị kết án tử hình trong vụ giết hại hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho rằng các cơ quan tố tụng đã rút bớt hoặc không đưa vào kết luận điều tra, cáo trạng những bằng chứng, hồ sơ có lợi cho Hải, dẫn đến việc làm sai lệch hồ sơ vụ án để kết tội bị cáo.

Rút bớt hồ sơ?

Theo luật sư Trần Hồng Phong (người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải), trong hồ sơ vụ án có nhiều bút lục là các biên bản, kết luận giám định hoặc giấy xác nhận liên quan đến vụ án nhưng lại không thể hiện trong kết luận điều tra và cáo trạng.

Cụ thể, hồ sơ rút bỏ kết luận giám định về dấu vân tay và diễn giải sai lệch về kết quả giám định dấu vân tay - trong khi đây chính là tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Tự ý sửa, thay đổi kết quả nhận dạng (về “chiếc xe máy” và “người thanh niên”) của nhân chứng Đinh Vũ Thường.

Tự ý sửa lời khai của nhân chứng về kích thước con dao (được xác định Hồ Duy Hải đã dùng để cắt cổ hai nạn nhân). Rút khỏi hồ sơ những tình tiết liên quan đến một nhân chứng đặc biệt quan trọng, có dấu hiệu liên quan đến cái chết của hai nạn nhân...

Theo đơn tố cáo, sau khi Hồ Duy Hải bị bắt giam, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định 4 tang vật: dấu vân tay, lông tóc, máu và than tro. Nhưng cơ quan điều tra chỉ sử dụng duy nhất 1 trong số 4 kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự kết luận về “than tro” thu được tại nhà Hải.

Tuy nhiên, phần sử dụng này lại cắt bỏ phần nội dung quan trọng nhất: “Không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và simcard”.

Điều này cho thấy chưa thể kết luận Hồ Duy Hải đã đốt thắt lưng, quần áo, simcard sau khi gây án để che giấu hành vi tội phạm (như quan điểm của cơ quan điều tra).

Thế nhưng trong kết luận điều tra và cáo trạng, cơ quan điều tra và Viện KSND đã cắt bỏ phần kết luận quan trọng nhất, đồng thời lại mô tả là “phù hợp” với lời khai của Hồ Duy Hải vì “có thành phần vải và nhựa polyter”.

Trong khi đó, các kết luận giám định còn lại (máu, lông tóc) thể hiện không có sự liên quan đến Hồ Duy Hải thì không được đưa vào.

Đề nghị làm rõ bản chất vụ án

Tại bản kết luận giám định số 158 ngày 11-4-2008 kết luận: Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không trùng khớp với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải.

“Như vậy, với việc dấu vân tay của hung thủ thu được tại hiện trường không trùng với dấu vân tay của Hồ Duy Hải, phải chăng các cơ quan tố tụng đã rút khỏi hồ sơ tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải?” - luật sư Phong đặt nghi vấn.

Từ những căn cứ pháp lý trên, luật sư Trần Hồng Phong và gia đình đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét đơn này để làm rõ bản chất vụ án.

Thực tế Hồ Duy Hải đã bị kết án tử hình và có quyết định thi hành án. Tuy nhiên, sau đó Hải được tạm hoãn thực hiện việc thi hành bản án này. Từ năm 2011 đến nay, gia đình Hồ Duy Hải liên tục làm đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải và đơn tố giác tội phạm.

Sau khi đơn được gửi ra TAND tối cao, tòa này đã có thông báo cho gia đình và luật sư biết nội dung đơn tố cáo đã được chuyển cho TAND cấp cao tại TP.HCM xem xét xử lý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo TAND cấp cao tại TP.HCM cho biết tòa này vẫn chưa nhận được hồ sơ tố cáo và hứa sẽ cho kiểm tra lại.

Nếu nội dung đơn tố cáo của gia đình Hồ Duy Hải và luật sư về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của một số cán bộ tiến hành tố tụng thì thẩm quyền xem xét giải quyết là cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao, chứ không phải TAND cấp cao tại TP.HCM.

Cũng theo vị này, nếu hồ sơ có được chuyển về tòa thì tòa cũng sẽ chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Rút khỏi hồ sơ “nhân chứng đặc biệt”

Trong vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Nghị là người có liên quan và vai trò đặc biệt quan trọng. Trên thực tế, Nguyễn Văn Nghị là người yêu của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng (thể hiện trong lời khai của anh Cao Hoàng Tuấn Anh).

Trong đêm xảy ra vụ án, Nguyễn Văn Nghị có ghé vào Bưu điện Cầu Voi và có lời khai nhìn thấy một thanh niên trong bưu điện tối 13-1-2008. Sau đó Nguyễn Văn Nghị đã bị bắt.

Cơ quan điều tra từng tạm giữ và lấy lời khai của Nguyễn Văn Nghị. Thế nhưng sau đó Nguyễn Văn Nghị không được đưa vào danh sách “nhân chứng”.

“Toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến Nguyễn Văn Nghị đều bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Vì sao không cho Nguyễn Văn Nghị nhận dạng Hồ Duy Hải? Vì sao không giám định vân tay của Nguyễn Văn Nghị? Đây là những điều rất bất thường” - luật sư Trần Hồng Phong đặt câu hỏi.

Hai nữ nhân viên bị sát hại dã man

Theo hồ sơ, ngày 13-1-2008 tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết hại dã man (cắt cổ) ở khu vực cầu thang phía sau.

Tại hiện trường vương lại nhiều dấu vân tay của hung thủ.

Hơn hai tháng sau, ngày 21-3-2008, Hồ Duy Hải - nam thanh niên tại địa phương, nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2km - bị bắt giữ. Hồ sơ thể hiện Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất, thực hiện hành vi giết người tại Bưu điện Cầu Voi.

Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Hồ Duy Hải đều kêu oan.


..........

Ý kiến bạn đọc báo Tuổi Trẻ:

  • VN 10:27 29/05/2017
    Điều tra phá án kiểu lấy thành tích thế này thì chết. Toàn dùng mấy cái tài liệu ghép tội, loại bỏ các chứng tích vô tội, ép tội thay vì gỡ oan cho người ta, đấy là cả một mạng người chứ có phải là tờ giấy khen đâu, sao mà ác thế.
  • Phong Vu 10:45 29/05/2017
    Mong sớm tìm ra sự thật vụ án kinh điển này. Không biết Hồ Duy Hải có phạm tội thật hay không, nhưng cảm giác cá nhân thấy rất xót xa cho số phận anh này. Rất nhiều lần anh đứng trước lưỡi hái tử thần, trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc mà anh vẫn còn sống đến ngày hôm nay. Mình tin ông trời có mắt.
  • Đinh Vũ Sâm 11:15 29/05/2017
    Không ai dám chắc Hải có bị oan hay không, nhưng qua những tình tiết trong bản tin, tôi nhận thấy Cơ quan điều tra và VKSND tối cao cần và rất cần phải nghiêm túc xem xét lại lời phân tích phản biện của luật sư và lời tố cáo của gia đình bị can. Chưa làm rõ những điều nêu trên mà vẫn cứ xử án (lại là án tử hình) thì dư luận sẽ không phục và chứng tỏ các vị vô tâm, vô cảm trước công lý.
  • PHU QUANG HAI 10:15 29/05/2017
    Cầu mong đừng có án oan lập lại, rất hao tiền tốn của để bồi thường trong khi quốc gia cần tiền để phát triển xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
    • Trần Huy 10:31 29/05/2017
      Sao lại tiếc tiền, cầu mong án oan đừng lập lại. Đây là mạng người và công lý. Bạn phải cầu mong "sự thật vụ án được phơi bày". Ai làm sai phải trị tội trước pháp luật.


      • Trần Phong Phú 10:44 29/05/2017
        Đừng phí thành tích phá án, hay vì bất cứ lý do gì mà coi thường mạng sống của người khác. Như thế là tội ác không thể dung thứ. Yêu cầu VKSND tối cao điều tra làm rõ vụ án. Tránh oan sai cho người vô tội.
      • Thế thân 11:04 29/05/2017
        Một vụ án giết người mà các cơ quan bay vào từ 2008 đến giờ, không đủ bằng chứng cũng không xoá tội cho người ta.
      • Dân Đen 10:32 29/05/2017
        Nếu nội dung đơn tố cáo của gia đình Hồ Duy Hải và luật sư về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của một số cán bộ tiến hành tố tụng thì thẩm quyền xem xét giải quyết là cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao, chứ không phải TAND cấp cao tại TP.HCM. Không lẽ TAND tối cao không biết rõ nơi nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc nên chuyển hồ sơ cho TAND cấp cao tại TP.HCM, rồi TAND cấp cao tại TP.HCM lại chuyển ngược trở lại cho Viện KSND tối cao? Cứ cái kiểu chuyển hồ sơ lòng vòng thế này thì có khi bị cáo lãnh án tử hình xong rồi mới có cơ hội được minh oan !!!
      • nam 11:10 29/05/2017
        Làm oan xong lại bồi thường mà lấy tiền nhà nước bồi thường là sao cuối cùng cơ quan điều tra cơ quan tố tụng không ai bị sao. Còn người vô tội chịu thiệt tội phạm nhởn nhơ ngoài pháp luật.
      • Dương Thái Bảo 10:10 29/05/2017
        Nếu mà có oan sai thì không biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong vụ án này?
      • Trần Tùng 13:01 29/05/2017
        Hy vọng Quốc hội ra luật ai làm oan sai bán hết gia tài, tài sản đang có và của cả ông bà, cha mẹ... để đền bù thì sẽ hạn chế oan sai cho người dân!

        • 11:53 29/05/2017
          Vào bệnh viện thì bị mổ nhầm, ra toà thì lại bị xử oan, là người dân tôi thật sự bất bình và không yên tâm.
        •  12:15 29/05/2017
          Nghe đã thấy có gì sai sai. Động cơ giết người thì chưa thấy đâu. Trong khi thằng người yêu kia là khả nghi nhất thì bị loại khỏi hồ sơ vụ án...Không lẽ sau vụ này thì dân mới biết được thực tế của những vụ án oan sao?
        • Quoc 17:15 29/05/2017
          Nếu những tình tiết báo nêu là sự thật ( rất có căn cứ), thì các hành vi của những người tiến hành tố tụng trên được hiểu, được giải thích ntn ?. Cố ý dùng quyền lực được giao để khép tội, giết người vô tội để bịt đầu mối có thể truy tìm hung thủ thật sự của vụ án ?
        • Thiên Hương 22:13 29/05/2017
          Tội nghiệp người thanh niên Hồ Duy Hải quá, mười năm tuổi Xuân trôi qua trong tù, có tội hay vô tội thì cơ quan có thẩm quyền phải làm rõ và dứt điểm cho con người ta. Theo bài báo này thì thật sự có quá nhiều sai sót trong điều tra, và nhiều bí ẩn trong hồ sơ. Khả năng làm sai lệch hồ sơ rất cao!
        • Sông Trẹm 15:06 29/05/2017
          Trong vụ án này, nếu cơ quan tố tụng làm sáng tỏ những vấn đề mà gia đình anh Hồ Duy Hải đang kiến nghị thì dư luận mới có thể không còn nỗi băn khoăn. Tính mạng một con người là vô cùng quan trọng !
        • tân thống xã 17:42 29/05/2017
          Chữ SÁT oan nghiệt lắm, trả nợ lâu lắm, nhiều kiếp lắm
        • Hoàhoa 20:56 29/05/2017
          Những vụ việc oan sai như thế này chỉ cần toà án tối cao hoặc vks tối cao vào cuộc thì 30 giây là xong.
        • nguyen cuong 17:22 30/05/2017
          Đừng lấy niềm tin hay chỉ dựa vào suy luận mà kết án có tội mà dựa vào vật chứng.
        • Mr Tiến 08:24 30/05/2017
          Có 1 sự thật đã diễn ra phổ biến bấy lâu nay. Đó là cán bộ điều tra đang nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn giữa "nghi can", "đối tượng tình nghi" với "tội phạm", "hung thủ". Về bản chất, khi chưa có bằng chứng thuyết phục thì "nghi can" hay đối "tượng tình nghi" vẫn là người vô tội. Chính sự "nhầm lẫn" này đã khiến nhiều cán bộ điều tra xử lý theo kiểu áp đặt, vu khống, thậm chí dùng nhục hình để áp đặt tội danh buộc "nghi can" phải nhận tội. Cách xử lý duy ý chí như thế dẫn đấn việc bỏ ngoài tai hoặc không thấy những tình tiết đáng ngờ, phi lý khác.
        • nguyen cuong 08:13 30/05/2017
          Vậy các mẫu pháp y đó sao ko đưa ra viện pháp y trung ương giám định mà ngâm đến bây giờ?