Wednesday, May 31, 2017

Biên bản họp Hội đồng thành viên

Biên bản họp Hội đồng thành viên là tài liệu pháp lý quan trọng, ghi nhận nội dung và phiếu biểu quyết tại các cuộc họp Hội đồng thành viên trong một công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Từ kết quả ghi nhận tại Biên bản họp Hội đồng thành viên, công ty sẽ ban hành các nghị quyết/quyết định về các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của công ty. Biên bản họp Hội đồng thành viên được quy định tại Luật doanh nghiệp (2014).

(ảnh minh họa)

Dưới đây là một Biên bản họp Hội đồng thành viên (thực tế), liên quan đến việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty.

...........

CÔNG TY TNHH
THƯƠNG MẠI XXX
Số: …./2017/BBH
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập Tự do Hạnh phúc


BIÊN BẢN HỌP HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN

Hôm nay, lúc 9h  ngày .... tháng 05 năm 2017.
Tại: Văn phòng công ty - địa chỉ: XXX, Q. 10, TP. Hồ Chí Minh

I. THÀNH PHẦN THAM DỰ & MỤC ĐÍCH HỌP:

* Thành viên tham dự cuộc họp: 

1. Bà Nguyễn XXX, Chủ tịch Hội đồng thành viên - chủ tọa cuộc họp. Tỷ lệ vốn góp: 23,53% vốn điều lệ - GCN phần vốn góp số: 02/CNGV cấp ngày XXX.

2. Ông Lê YYY, thành viên. Tỷ lệ vốn góp: 70,59% vốn điều lệ - GCN phần vốn góp số: 01/CNGV cấp ngày XXX.

3. Ông Nguyễn ZZZ, thành viên. Tỷ lệ vốn góp: 5,88% vốn điều lệ - GCN phần vốn góp số: 03/CNGV cấp ngày XXX.

* Thư ký ghi biên bản: Cô Nguyễn A - nhân viên công ty.

* Mục đích và chương trình họp: Bàn về việc thành viên Lê YYY chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, rút khỏi danh sách thành viên.

II. NỘI DUNG CUỘC HỌP:

* Ý kiến của bà Nguyễn XXX  - Chủ tịch HĐTV:

- Công ty có nhận được thông báo của thành viên Lê  YYY, đề nghị chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình trong công ty và rút khỏi danh sách thành viên công ty. Theo quy định, thành viên trong công ty có quyền nhận chuyển nhượng phần vốn góp của ông Y.

- Cá nhân tôi không có nhu cầu nhận chuyển nhượng phần vốn góp của ông Y. 

* Ý kiến của ông Lê YYY:

- Vì lý do cá nhân, tôi muốn rút tên khỏi danh sách thành viên. Tôi muốn chuyển nhượng lại toàn bộ phần vốn góp của mình cho thành viên trong công ty theo quy định của pháp luật. Giá chuyển nhượng bằng giá khi góp vốn là 1.200.000.000 đồng (một tỷ hai trăm triệu đồng). 

* Ý kiến của ông Nguyễn ZZZ:

- Tôi đồng ý mua lại toàn bộ phần vốn góp của ông Lê YYY với giá trị là 1.200.000.000 đồng (một tỷ hai trăm triệu đồng).  

2. Kết quả biểu quyết:

- Số phiếu đồng ý thông qua việc chuyển nhượng vốn góp của ông Lê YYY cho ông Nguyễn ZZZ: 3/3 - chiếm 100% vốn điều lệ.

- Số phiếu không đồng ý: không có. 

III. KẾT LUẬN & QUYẾT ĐỊNH ĐƯỢC THÔNG QUA 

Kết luận của Chủ tịch HĐTV Nguyễn XXX:

1. Tại cuộc họp hôm nay, các thành viên đã nhất trí biểu quyết 100% thông qua việc ông Lê YYY sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình trong công ty, rút khỏi danh sách thành viên. 

2. Ông Nguyễn ZZZ đồng ý nhận mua lại toàn bộ phần vốn góp của ông Lê YYY. (Giá trị chuyển nhượng là 1.200.000.000 đồng). Hai bên sẽ thỏa thuận về hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định.

3. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp của ông Lê YYY, danh sách thành viên và tỷ lệ phần vốn góp theo cơ cấu mới của công ty sẽ như sau:

STT
Họ và tên
Số tiền góp vốn (đồng)
Tỷ lệ vốn góp (%)
1
Nguyễn XXX
400.000.000
23,53
2
Nguyễn ZZZ
1.300.000.000
76,47

4. Chủ tịch HĐTV sẽ ban hành Quyết định về việc thay đổi thành viên góp vốn theo quy định tại Điều lệ công ty và Luật doanh nghiệp. Đồng thời có trách nhiệm triển khai thực hiện việc thông báo, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Cuộc họp kết thúc vào lúc 11h cùng ngày. Biên bản được đọc lại cho toàn thể thành viên tham gia họp nghe, thống nhất thông qua và cùng ký tên. 

Biên bản này được lập thành 3 (ba) bản, có giá trị pháp lý như nhau.

    CHỮ KÝ CÁC THÀNH VIÊN                         CHỦ TỊCH HĐTV  
                                                                                    (ký tên, đóng dấu)




    THƯ KÝ GHI BIÊN BẢN
           (ký, ghi rõ họ tên)
...........

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

Quy định về Biên bản họp Hội đồng thành viên tại Luật doanh nghiệp đã rõ ràng - các bạn chủ động tham khảo, tôi không muốn nhắc lại. Ở đây tôi muốn lưu ý vài vấn đề nhỏ có liên quan như sau:

-  Trong biên bản nên ghi đầy đủ, rõ ràng ý kiến phát biểu của từng thành viên dự họp, về từng vấn đề, nội dung cụ thể. Kể cả trong trường hợp thành viên chỉ nói là "đồng ý", thì cũng cần ghi ý kiến này vào biên bản. Vì đây chính là bằng chứng thể hiện ý chí, quan điểm của thành viên - có tư thế là "ông chủ" của công ty, có quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp của mình.

- Mọi vấn đề thông qua, cần ghi rõ số phiếu biểu quyết. Điều này là rất quan trọng và cần lưu ý là "giá trị" của mỗi phiếu biểu quyết - của mỗi thành viên - là khác nhau, phụ thuộc vào tỷ lệ phần vốn góp của thành viên trong cơ cấu vốn điều lệ của công ty. Chứ không phải là biểu quyết theo kiểu mỗi người một phiếu bằng nhau, và thiểu số phục tùng đa số.

- Sau khi hoàn chỉnh và in ra, các thành viên cần được nghe đọc lại và ký tên vào biên bản (dù điều này là không bắt buộc). Nhưng trong Biên bản nhất thiết phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên và Thư ký ghi biên bản. Đóng dấu công ty.

...............

Bài liên quan:
Mẫu văn bản Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật Ecolaw,  có ý nghĩa và chỉ sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – Địa chỉ tin cậy của mọi người
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn