Luật sư Trần Hồng Phong biên soạn
Quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế
I. Chiếm dụng tên miền & tranh chấp tên miền
Chiếm dụng tên miền là việc cá nhân/tổ chức đăng ký trước tên miền trùng hoặc giống với tên của những thương hiệu, sản phẩm (thường là nổi tiếng) với ý đồ xấu, mà trên thực tế người đăng ký không có quyền sở hữu các quyền đối với các thương hiệu, sản phẩm đó. VD: Cocacola là một thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, và một cá nhân ở VN tuy không liên quan, nhưng đã đăng ký tên miền cocacolavina.com chẳng hạn.
Những người chiếm dụng tên miền đã khai thác tính chất “đăng ký trước thì được” của hệ thống đăng ký tên miền hiện tại để đăng ký làm tên miền các thương hiệu hoặc tên kinh doanh của những người nổi tiếng, hoặc những biến thể tương tự. Động cơ chung của việc chiếm dụng tên miền là nhằm mục đích bán tên miền lại cho chủ sở hữu thương hiệu, hoặc thu hút lưu lượng truy cập đến trang web của mình, để chào bán những sản phẩm, dịch vụ thực chất không có liên quan đến tên miền đó.
Hành vi chiếm dụng tên miền làm phát sinh tranh chấp giữa chủ sở hữu thương hiệu và người đăng ký tên miền – gọi chung là tranh chấp tên miền. Và điều này thúc đẩy việc cần có một hệ thống pháp lý để giải quyết những tranh chấp mang tính toàn cầu. Vì hệ thống pháp luật của một quốc gia chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ quốc gia đó, nên không thể luôn luôn đưa ra một giải pháp toàn diện trong việc giải quyết mâu thuẫn có quy mô toàn cầu.
II. Chính sách thống nhất giải quyết tranh chấp tên miền (UDRP)
Từ năm 1999, theo khuyến cáo của WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới), ICANN (Tổ chức quản lý tên miền quốc tế) đã thông qua Chính sách Thống nhất Giải quyết Tranh chấp Tên miền (viết tắt là UDRP).
UDRP cung cấp cho những người đang nắm giữ quyền thương hiệu một cơ chế để quản lý và giải quyết hiệu quả các tranh chấp phát sinh do việc chiếm dụng, đăng ký tên miền với mục đích xấu, cũng như việc sử dụng của các bên thứ ba đối với các tên miền, theo đúng các quyền về thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Bap gồm khả năng mà tại đó chủ sở hữu thương hiệu có thể mua lại nhanh hơn và rẻ hơn các quyền của mình đối với một tên miền từ nhà chiếm dụng tên miền, thay vì tìm kiếm những quyền đó thông qua vụ kiện tại tòa án, vốn sẽ kéo dài và tốn kém hơn.
UDRP quy định chủ sở hữu thương hiệu có quyền đệ trình các tranh chấp phát sinh từ việc đăng ký tên được cho là lạm dụng tên miền qua một thủ tục tố tụng nhanh gọn, bằng cách gửi một đơn khiếu nại đến các “Nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp” (gọi tắt là các Trung tâm trọng tài) - được phê chuẩn bởi WIPO và ICANN. Tất cả các Trung tâm trọng tài đều nhất trí tuân thủ và thực hiện theo UDRP. Nói khác đi, UDRP được áp dụng cho tất cả các Trung tâm trọng tài.
UDRP được áp dụng trên phạm vi quốc tế, là một cơ chế thống nhất cho việc giải quyết một tranh chấp tên miền, bất kể Nhà đăng ký hay người đăng ký tên miền hoặc nơi đóng trụ sở của chủ sở hữu thương hiệu ở đâu (quốc gia nào) có khiếu nại.
Bất kỳ người hoặc công ty nào trên thế giới đều có thể đệ trình yêu cầu để giải quyết một tranh chấp tên miền thông qua thủ tục UDRP, với điều kiện đảm bảo đáp ứng từng tiêu chí của UDRP trong trường hợp cụ thể của mình.
III. Những ưu điểm của thủ tục UDRP
1. Nhanh và hiệu quả với chi phí thấp
So với hình thức tố tụng tại tòa án, thủ tục UDRP có hiệu quả cao về chi phí và thời gian, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế. Một vụ kiện về tên miền được đệ trình lên Trung tâm trọng tài thường được giải quyết trong vòng 2 tháng, với chỉ một lượt bào chữa hạn chế và áp dụng chủ yếu qua các thủ tục trực tuyến (online). Phí tố tụng do WIPO quy định và có giá vừa phải.
2. Các quyết định của Trung tâm trọng tài có thể thực thi
Ưu điểm của thủ tục UDRP là việc bắt buộc các bên liên quan thực hiện các quyết định đưa ra bởi Trung tâm trọng tài.
Sẽ không xảy ra vấn đề thực thi quốc tế nào khi các Nhà đăng ký tên miền bắt buộc phải thực hiện các bước cần thiết để thực thi các quyết định, phán quyết của Trung tâm trọng tài ban hành theo thủ tục UDRP.
3. Minh bạch
Quy trình UDRP là minh bạch. Trung tâm trọng tài thường đăng tải tất cả các tên miền bị tranh chấp, tình trạng hồ sơ, thống kê trường hợp và toàn văn của các quyết định lên trang web của mình. Các Quyết định của Ban UDRP WIPO, của Trung tâm trọng tài được phép truy cập miễn phí.
4. Không ảnh hưởng đến quyền phân xử của Tòa án:
Khi bên khiếu kiện tiến hành một thủ tục theo UDRP, Trung tâm trọng tài sẽ tiến hành giải quyết. Tuy nhiên UDRP không ngăn cản người đăng ký tên miền hoặc chủ sở hữu thương hiệu đưa tranh chấp ra một tòa án để giải quyết độc lập. Một trong hai bên có thể tiến hành khiếu kiện tại tòa án trước, trong hoặc sau một thủ tục UDRP.
Tại Đoạn 4(k) của UDRP cũng cho phép một người đăng ký tên miền thua kiện được chống lại quyết định của Ban hội thẩm của Trung tâm trọng tài bằng cách tiến hành khiếu kiện tại một tòa án có thẩm quyền và yêu cầu hoãn thi hành quyết định của Ban hội thẩm.
IV. Quy trình và thủ tục UDRP
Quy tắc Chính sách Thống nhất Giải quyết Tranh chấp Tên miền (UDRP) được hiệu lực hóa bằng và bởi các quy tắc tố tụng bổ sung của các Nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp (Trung tâm trọng tài).
Thành phần tham gia trong thủ tục UDRP gồm:
1. Bên khiếu kiện (nguyên đơn): là bất kỳ người hoặc thực thể nào có khiếu nại về các quyền thương hiệu hoặc nhãn hiệu dịch vụ, người khởi kiện liên quan đến đăng ký tên miền theo thủ tục UDRP.
2. Bên bị đơn: là người đăng ký và/hoặc đang nắm giữ tên miền bị khiếu nại. Theo các điều khoản của thỏa thuận đăng ký tên miền mà bên bị đơn ký với Nhà đăng ký tên miền, bên bị đơn phải tham gia vào thủ tục UDRP. Quy tắc UDRP cho phép bị đơn có thời hạn 20 ngày để trả lời về nội dung khiếu nại của nguyên đơn.
Dưới đây là:
Sơ đồ Quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế (thủ tục UDRP)