Chúng tôi muốn hỏi quý luật sư là trong tình huống như hiện nay, chúng tôi cần phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chúng tôi có thể gửi văn bản yêu cầu công ty M, là nơi đăng ký tên miền của website đó cung cấp thông tin và khóa website đó được hay không? Hay là chúng tôi phải làm đơn tố cáo đến cơ quan công an? Hoặc chúng tôi có thể yêu cầu công ty M khóa website vi phạm đó được hay không? Hiện nay chúng tôi không thể biết được chính xác ai là chủ website, nên rất khó khăn trong việc liên hệ, tố cao. Mong nhận được sự hướng dẫn của quý luật sư. Xin chân thành cám ơn (V. Hg).
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Qua sự việc anh nêu, nói một cách ngắn gọn, đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm tác quyền (quyền tác giả), vi phạm quy định tại Luật sở hữu trí tuệ. Và người có dấu hiệu vi phạm chính là chủ website ZZZ.
Trước hết nói về nguyên tắc chung:
Xét về khía cạnh dân sự, thì bên bị vi phạm (bị hại) có quyền yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại (nếu có thiệt hại và chứng minh được). Công ty anh có thể khởi kiện ra Tòa án để nhờ tòa án giải quyết.
Xét về khía cạnh hành chính, người vi phạm sẽ bị Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, buộc chấm dứt hành vi vi phạm và thậm chí có thể bị thu hồi tên miền (dùng để lập website). Công ty anh có thể gửi đơn khiếu nại đơn cơ quan quản lý Nhà nước.
Xét về khía cạnh hình sự, nếu vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, kéo dài, … thì thậm chí có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự. Công ty anh có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan phòng chống tội phạm (công an).
Tuy nhiên, để có thể thực hiện những cách thức như nêu ở trên, thì đúng là điều cần thiết đầu tiên, là phải xác định được tên, địa chỉ của đối tượng vi phạm. Nếu không thì ngay cả cơ quan chức năng của Nhà nước cũng khó biết đâu mà lần. Đó là chưa kể nếu người vi phạm đang cư trú ở Việt Nam thì còn dễ, chứ giả sử người này đang ở nước ngoài sẽ càng khó khăn hơn.
Việc công ty anh có ý định gửi văn bản đến công ty M, đề nghị nơi đây, với tư cách là Nhà đăng ký tên miền, cung cấp thông tin về tên tuổi, địa chỉ của đối tượng vi phạm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên theo tôi nhiều khả năng là công ty M sẽ không đáp ứng. Đơn giản là vì công ty M không có thẩm quyền và khả năng để làm điều đó.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định Nghị định 72/2013 của Chính phủ về "Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng", thì công ty M – với tư cách là Nhà đăng ký tên miền “.vn” có quyền và nghĩa vụ sau đây (trích):
- Tạm ngừng hoạt động, thu hồi tên miền theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Báo cáo, cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Như vậy, tức là theo luật, thì công ty M chỉ có thể cung cấp thông tin hoặc tạm dừng hoạt động của tên miền khi và chỉ khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, công ty của anh “không phải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Theo tôi, trước mắt công ty anh có thể gửi Đơn khiếu nại và đơn tố cáo đến những cơ quan sau đây: Thanh tra Sở Truyền thông và Thông tin; Cục an ninh công nghệ cao (C50) và Cục An ninh thông tin truyền thông (A87) (thuộc Bộ Công An) – là những nơi có thẩm quyền xem xét và xử lý những tình huống như thế này. Theo đó, những cơ quan này có thể sẽ kiểm tra, yêu cầu các bên liên quan, có thể bao gồm công ty M, cung ấp thông tin của đối tượng vi phạm để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Sau đó, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, có thể các cơ quan này sẽ trực tiếp giải quyết theo thẩm quyền, hoặc hướng dẫn công ty anh khởi kiện ra Tòa án.
Chúc công ty anh giải quyết vụ việc hiệu quả, tốt đẹp. www.ecolaw.vn