Tuesday, September 8, 2015

Về việc bán xăng E5: Chủ trương không thể vô hiệu pháp luật


(Ecolaw.vn) - Vào trung tuần tháng 8, sở Công thương TP.HCM họp với các doanh nghiệp đầu mối, các đại lý kinh doanh xăng dầu để triển khai việc đồng loạt sử dụng xăng E5 và ngưng sử dụng xăng A92. Trong khi người tiêu dùng chưa mặn mà với xăng E5, nhiều doanh nghiệp cho rằng sẽ bị thiệt hại khi thực hiện yêu cầu này – chúng tôi giới thiệu ý kiến của luật sư Trần Hồng Phong.

(ảnh minh họa)


Theo tôi, việc UBND TP.HCM hay bất kỳ chính quyền địa phương nào khác, ép buộc những doanh nghiệp đang kinh doanh mặt hàng xăng dầu “bình thường” chuyển sang kinh doanh xăng E5 là không những trái pháp luật mà còn phi thực tế, không tôn trọng những nguyên lý cơ bản của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang thực hiện. Không chỉ vậy, điều này còn ảnh hưởng, nếu không muốn nói là xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Xét về mặt pháp luật, ngành nghề kinh doanh xăng dầu và bản thân mặt hàng xăng dầu không phải là ngành cấm kinh doanh, hàng hoá cấm kinh doanh. Thế thì cho dù Chính phủ khuyến khích phát triển xăng E5, thì đó cũng chỉ là chủ trương chứ không phải và không thể là luật. Chủ trương không thể đứng trên hay vô hiệu luật. Mà cụ thể ở đây là luật Doanh nghiệp. Do vậy, giả sử khi chính quyền hay ban ngành chức năng “ép buộc” doanh nghiệp phải chuyển đổi qua kinh doanh E5, nhưng doanh nghiệp không đồng ý, và họ có quyền như vậy, thì chẳng lẽ chính quyền có thể rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp? Hoặc nếu chính quyền bị doanh nghiệp kiện thì sẽ tính sao?

Đó là chưa nói xăng dầu là một mặt hàng phổ biến trên toàn thế giới, ngay tại Việt Nam cũng có nhiều mỏ dầu, nhà máy lọc dầu, đã và đang làm ra sản phẩm xăng dầu. Vậy vì lý do gì lại đi ưu ái cho xăng E5 mà bỏ qua xăng dầu truyền thống?

Theo tôi, nếu xăng E5 thực sự tốt thì phải thể hiện về mặt chất lượng và giá thành, giá bán. Từ đó mới có sức cạnh tranh, thu hút sự lựa chọn và quyết định của người tiêu dùng. Sản phẩm nếu tốt, nhưng giá bán cao cũng chưa chắc có người mua. Trong khi luật pháp (luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) quy định rõ người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm hàng hoá.

Bên cạnh đó, việc “ép” doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải bán xăng E5 có thể được xem xét dưới góc độ hiệu lực của luật Cạnh tranh. Vì rõ ràng điều này có lợi cho chính những doanh nghiệp sản xuất xăng E5 và cũng là vi phạm quy định của luật Cạnh tranh. Hay nói khác đi, đây là biểu hiện của hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh – điều mà pháp luật cấm. Việc thực hiện chủ trương bán xăng E5, theo tôi, nên có giải pháp khuyến khích hơn là “ép buộc”.

Chúng ta đang từng bước xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường. Nhà nước Việt Nam đã rất nhiều lần đề nghị các chính phủ nước ngoài chính thức công nhận nền kinh tế Việt Nam là “nền kinh tế thị trường” một cách đầy đủ và đúng nghĩa. Vậy thì với những chủ trương, dù có thể là đúng, nhưng nếu được thực hiện theo kiểu ép buộc, phi pháp luật, phi thị trường và thiếu tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng như vậy khác nào là thêm một điểm trừ cho nền kinh tế đất nước.

LS Trần Hồng Phong

..................

TP.HCM: Xăng E5 thay xăng A92 từ 30.11.2015

Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 30.11.2015, toàn bộ 514 cửa hàng bán lẻ xăng dầu của chín doanh nghiệp đầu mối và sáu tổng đại lý trên địa bàn TP.HCM sẽ ngừng kinh doanh xăng A92, thay bằng xăng sinh học E5.

Kế hoạch này nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc sử dụng xăng E5 thay cho xăng khoáng. Vào thời điểm tháng 11.2014, TP.HCM có 58 cửa hàng kinh doanh xăng E5, sau bảy tháng thực hiện, chỉ có thêm hai cửa hàng mới nhưng lại có tới năm cửa hàng ngừng bán loại xăng này.

Mức giá xăng E5 rẻ hơn 300 đồng/lít chưa hấp dẫn được người sử dụng. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất xăng E5 cũng kêu rằng sản xuất không có lãi. Còn cửa hàng bán lẻ xăng E5 phải đầu tư thêm hạ tầng (bồn chứa, trụ bơm) mà mức tiêu thụ lại chậm.

Tại cuộc họp, đại diện sở Công thương TP.HCM cho rằng, việc bắt buộc kinh doanh xăng E5 sẽ không làm khó doanh nghiệp, vì chỉ thực hiện chuyển đổi mặt hàng và thay đổi một số thiết bị đơn giản, không quá tốn kém.

Sở Công thương cũng đã đề nghị UBND TP.HCM kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ phân phối xăng E5 trên toàn quốc, thay vì chỉ thí điểm ở bảy tỉnh, thành phố như hiện nay. Ngoài ra, cần có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng E5 như có các ưu đãi, giảm giá xăng E5 để hỗ trợ một phần cho sản xuất, lưu thông loại xăng sinh học này.

--------------

(Ghi chú: Bài viết này được đăng trên báo Thế giới Tiếp Thị ngày 4-9-2015. Luật sư Trần Hồng Phong là thành viên Công ty luật hợp danh Ecolaw)