Tuesday, September 15, 2015

Hỏi về việc đòi tiền bán đất còn thiếu

Hỏi: Ông ngoại tôi có bán một miếng đất 10.000 m 2 tổng số tiền là 12 tỷ, bên mua trả được 8 tỷ còn lại 4 tỷ thì xin nợ lại số tiền 4 tỷ đó trong 3 năm và hàng tháng trả lãi như lãi vay ngân hàng, ông ngoại tôi đồng ý và giao quyền sử dụng đất cho người mua để tách sổ nhưng người bán trả lãi chỉ được 3 tháng thì không trả nữa đến nay đã hết 3 năm mà người bán không trả 4 tỷ. Vậy tôi có kiện ra toà để xử lý vụ việc này hay không, luật sư có thể tư vấn giúp gia đình tôi. Xin chân thành cám ơn. (Thanh T.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Những thông tin mà anh cung cấp còn rất sơ sài, nên hầu như khó trả lời chính xác và hiệu quả được. Tuy nhiên trên tinh thần phổ biến pháp luật chung để nhiều người cùng nắm, tôi có một số ý trao đổi mang tính khái quát và nguyên tắc như sau.

Trước hết, có thể thấy giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua bán đất) của ông ngoại anh là một giao dịch có giá trị lớn. Nên về nguyên tắc trước khi thực hiện hai bên phải có hợp đồng, thỏa thuận chặt chẽ, rõ ràng về những nội dung quan trọng và cơ bản nhất. Chẳng hạn như: giá chuyển nhượng, thời gian thanh toán, việc giao đất, làm giấy tờ; hay thậm chí là hướng giải quyết khi thanh toán trễ hạn là như thế nào …vv.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất hai bên bắt buộc phải ký thành Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Phòng công chứng. Hợp đồng phải có chứng thực của công chứng viên (sau khi đã kiểm tra pháp lý, năng lực hành vi dân sự của hai bên) thì mới có giá trị, để thực hiện thủ tục đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, …vv, để sang tên cho bên mua (tức là cấp sỏ đỏ cho bên mua. Nếu bán một phần đất thì tách thửa).

Chính vì vậy, thông tin anh nêu là ông ngoại anh “giao quyền sử dụng đất cho bên mua để tách sổ” là như thế nào bản thân tôi chưa rõ và cũng không hình dung được.

Như vậy và giả sử rằng, nếu hai bên chưa ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà ông ngoại anh đã giao sổ cho bên mua (để đi “tách sổ” gì đó), thì về mặt pháp luật, giao dịch giữa hai bên chưa có giá trị pháp lý (vì không/chưa tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật như tôi nói ở trên). Hay nói khác đi, là nếu hai bên có tranh chấp, thì sẽ bị Tòa án tuyên là giao dịch (mua bán đất) vô hiệu. Trong trường hợp này, pháp luật quy định các bên phải “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Tức là bên ông ngoại anh phải trả lại tiền cho bên mua, còn bên mua phải trả lại đất cho bên bán. Hoặc có một hướng giải quyết khác, là hai bên cùng đồng ý thực hiện tiếp hợp đồng trước đây – lần này theo đúng quy định của pháp luật. Tức là tiến hành việc ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Riêng về việc thanh toán, nợ nần, thì mình phải thấy rằng việc này có nguyên nhân xuất phát từ giao dịch mua bán đất giữa hai bên. Cho nên nếu giao dịch mua bán đó là đúng pháp luật, thì việc nợ nần giữa hai bên sẽ được Tòa án công nhận có giá trị (nếu hai bên đưa nhau ra Tòa giải quyết, và xác định rằng đó là giao dịch tự nguyện, hợp pháp). Còn nếu ngược lại, thì việc nợ nần này cũng sẽ không được công nhận là hợp pháp – vì xuất phát từ một giao dịch vô hiệu

Tóm lại, trong trường hợp này, theo tôi thì sớm hay muộn, hai bên cũng phải đi đến giải quyết – vì số tiền còn lại là khá lớn. Qua những ý trao đổi ở trên, ông ngoại anh có thể xem xét về khả năng khởi kiện ra Tòa án để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng (nếu để lâu quá sẽ hết thời hiệu khởi kiện). Trong đó có thể đưa ra yêu cầu bên mua phải tiếp tục thanh toán số tiền mua đất còn thiếu (và có thể bao gồm cả tiền lãi nữa). www.ecolaw.vn