Thursday, May 14, 2015

Điều kiện kinh doanh: Bỏ cái này, ‘đẻ’ cái khác!

(Ecolaw.vn) - Doanh nghiệp cần phải có “một cái gì đó” đối với các cơ quan có thẩm quyền thì công việc mới được giải quyết. “Có hàng ngàn điều kiện kinh doanh (ĐKKD)không còn phù hợp với tình hình hiện nay” - TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật DN và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, ngày 13-5. Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với CIEM và Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) tổ chức.

Làm thủ tục ĐKKD tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: HTD

Hạn chế quyền tự do kinh doanh

Theo ông Cung, chỉ tính riêng các quy định về ĐKKD thì số lượng đã lên tới gần 900 trang giấy. Ngoài ra còn hàng ngàn “công văn điều hành” thiếu cụ thể, không nhất quán, hay thay đổi và không tạo được sự công bằng trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước và DN. Đó thật sự là những rào cản đối với DN khi gia nhập thị trường, tạo sự bất bình đẳng trong quá trình tiếp cận cơ hội kinh doanh đối với các DN vừa và nhỏ.

Luật Đầu tư 2014 quy định các bộ và UBND các cấp không được ban hành các quy định về ĐKKD; các ĐKKD phải phù hợp với các mục tiêu về quốc phòng an ninh; trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng. Nếu các ĐKKD chệch bốn mục tiêu kể trên thì không còn phù hợp. “Nếu theo quy định này thì có hàng ngàn ĐKKD không còn phù hợp” - ông Cung khẳng định.

Ông Cung lấy quy định về ĐKKD xuất khẩu gạo làm ví dụ: Bộ NN&PTNT quy định DN xuất khẩu gạo phải có kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp với tiêu chuẩn chung do Bộ ban hành. “Quy định này là không phù hợp vì các DN xuất khẩu gạo hoàn toàn có thể làm tốt hơn thế và điều này cũng không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, đến an toàn và đạo đức xã hội” - ông Cung nói.

Doanh nghiệp cần sẵn sàng khởi kiện

Theo ông Cung, những ĐKKD do các bộ và UBND các cấp ban hành là trái thẩm quyền. Hiện có khoảng 1.697 ĐKKD loại này, trong đó những ngành nhiều ĐKKD trái thẩm quyền là GTVT (175), y tế (373), NN&PTNT (257)… Điều này cho thấy tinh thần của Luật DN, Luật Đầu tư chưa thấm được vào tư duy quản lý của các bộ, ngành.

Ông Cung đặt vấn đề: Từ ngày 1-7, những ĐKKD này đương nhiên không có hiệu lực thi hành nhưng thực tế là các cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể áp đặt ĐKKD cho các DN. Vậy DN phải làm sao? “Trước hết, các DN không tuân thủ, không chấp hành sự áp đặt này. Nếu ai bắt DN phải tuân thủ các ĐKKD này thì DN hãy khởi kiện ra tòa án” - ông Cung đề xuất.

Nếu những điểm tích cực của Luật Đầu tư lần này không được tuân thủ, ông Cung nhận định tình hình kinh doanh sẽ quay về tình trạng năm 2000. Các thông tư về ĐKKD sẽ tiếp tục được ban hành, phục hồi lại các ĐKKD bất hợp pháp, áp đặt và “đẻ” thêm các ĐKKD khác. Hệ quả là các DN VN không lớn được, không tiếp cận được các giá trị toàn cầu, không được hưởng các lợi ích do các hiệp định thương mại mà VN đã ký kết.

“Kiến kiện củ khoai”

Đồng ý với việc các DN sau ngày 1-7 phải khởi kiện nếu bị áp đặt các ĐKKD nhưng Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo VN Trần Hùng nhận định: DN kiện các cơ quan có thẩm quyền chẳng khác nào con kiến kiện củ khoai. “Các DN quảng cáo thậm chí được các Sở VH-TT&DL mời góp ý kiến về các quy định cũng không dám nói gì, vì sẽ bị… nhân viên các phòng nghiệp vụ gây khó khăn trong việc cấp phép cho các dự án quảng cáo. Nói còn không dám nói thì làm sao dám kiện!” - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, Hiệp hội Quảng cáo đã từng kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và 10 bộ, ban ngành có liên quan về Luật Quảng cáo, thế mà chỉ có hai bộ phản hồi bảo lưu ý kiến. Còn trong thực tế, ông Hùng cho rằng 100% các công ty quảng cáo cần phải có “một cái gì đó” đối với các cơ quan có thẩm quyền thì công việc mới được giải quyết.

........................

Cộng đồng doanh nghiệp còn thờ ơ

Cục Đăng ký kinh doanh đã tập hợp và công bố danh mục ĐKKD từ ngày 20-1, phát thông cáo báo chí đề nghị góp ý, nhận xét, bình luận đến tất cả hiệp hội, CLB DN. Tuy nhiên, đến nay chỉ có Bộ Quốc phòng, Bộ TN&MT, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến bảo lưu các ĐKKD như hiện nay, mặc dù các ĐKKD này không còn phù hợp. Về phía DN, chỉ có 18 trên tổng số hơn 400.000 DN có ý kiến, chưa có hiệp hội hay CLB DN nào lên tiếng.

Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

-------------------

Nguồn: Báo Pháp luật TP.HCM