Tuesday, April 21, 2015

Xin tư vấn về việc kiện do trốn hụi

Hỏi: Dear quý luật sư. Tôi đang có 1 vấn đề và rất cần sự tư vấn - giải đáp của luật sư. Tôi có tham gia 1 dây hụi với vị trí leader (chỉ là điều hành dây hụi, không có tham gia chơi và lấy hụi). Trong dây hụi có 2 thành viên, 1 thành viên lấy đầu và 1 thành viên lấy thứ 3. 2 thành viên này sau khi nhận và đóng hụi vài kỳ đã dừng đóng, cố tình cắt đứt không liên lạc. Số tiền mỗi thành viên nợ lại là 15.000.000đ (mười lăm triệu đồng). Vậy cho tôi hỏi: 1. Tôi có thể kiện 2 thành viên đó và yêu cầu họ hoàn trả số tiền này không? 2. Vì chơi hụi là liên quan đến nhiều người, vậy có thể tính là lừa đảo tập thể không ạ? Rất mong được giải đáp, xin chân thành cám ơn. (Thanh H.)

Luật sư Nguyễn Công Khán trả lời:

Vấn đề chơi hụi đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006. Trong Nghị định này đã nêu rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi hụi (hay còn gọi là họ).

Theo như tình huống chị nêu thì có 2 thành viên đã vi phạm nghĩa vụ đóng hụi. Điều 30 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 quy định:

“1. Trong trường hợp thành viên không góp phần họ khi đến kỳ mở họ thì thành viên đó phải thanh toán đủ phần họ còn thiếu tương ứng với thời gian chưa thanh toán cho đến thời điểm kết thúc họ và bồi thường thiệt hại nếu có.

2. Trong trường hợp thành viên không góp phần họ, chủ họ đã góp các phần họ thay cho thành viên đó thì thành viên phải trả cho chủ họ các phần họ chậm trả và khoản lãi đối với các phần họ chậm trả. Mức lãi do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm trả các phần họ.”

Điều 31 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 cũng quy định về hướng giải quyết tranh chấp trong việc chơi hụi như sau: “Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia họ, tranh chấp đó được giải quyết tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”.

Như vậy, trong trường hợp này chị có thể kiện 2 người tham gia chơi hụi để yêu cầu họ phải hoàn trả số tiền đóng hụi còn thiếu theo thủ tục tố tụng dân sự.

Trong thực tế, có nhiều trường hợp người chơi hụi hoặc chủ hụi giựt hụi, bỏ trốn, khi đó theo yêu cầu của người bị hại, cơ quan công an có thể vào cuộc điều tra và khởi tố hình sự theo Điều 139 Bộ luật Hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc Điều 140 Bộ luật Hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, khi truy tố về tội lừa đảo thì chủ thể của loại tội này chỉ có thể là cá nhân chứ không thể truy tố tập thể được. Nói cách khác, không thể quy kết là lừa đảo tập thể được. Một số ý để chị tham khảo. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn