Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Vấn đề bạn hỏi tại Bộ luật lao động năm 2012 (các điều 104 và 106) đã quy định rõ ràng và cũng dễ hiểu.
(Ghi chú: Riêng việc bạn dẫn theo Thông Tư 15/2003-TT của Bộ LĐTBXH là đã lạc hậu. Văn bản này hướng dẫn thi hành theo luật lao động cũ, nên về nguyên tắc là không còn hiệu lực nữa (chỉ có ý nghĩa tham khảo, nếu có nội dung trái với luật hiện hành thì sẽ thực hiện theo luật hiện hành).
Để trả lời câu hỏi của bạn, đầu tiên mình xem lại 2 điều luật liên quan nêu dưới đây - trong Bộ luật lao động năm 2012.
Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Điều 106. Làm thêm giờ
1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
..................
Có thể tóm tắt ngắn gọn như sau:
- Thời gian làm việc bình thường có thể quy định theo “ngày” hoặc theo “tuần” – tùy theo từng DN. Nếu quy định theo ngày thì mỗi ngày không quá 8 giờ làm việc. Còn nếu quy định theo tuần, thì mỗi ngày không quá 10 giờ làm việc và tối đa không quá 48 giờ/tuần. (khoản 1, 2 điều 104).
Lưu ý:
- Thời gian làm việc tính theo ngày – tức là các ngày trong tuần đều có số giờ làm việc như nhau.
- Thời gian làm việc tính theo tuần – là các ngày làm việc trong tuần có thể có số giờ làm việc khác nhau.
- Tuy nhiên trong cả hai trường hợp, thời gian làm việc đều không được quá 48 giờ/tuần.
- Mặt khác, luật cũng quy định tổng thời gian làm thêm giờ không được quá 30 giờ/tháng (điểm b, khoản 2, điều 106).
Có thể thấy là luật chỉ khống chế thời gian làm thêm theo “ngày” và “tháng”, chứ không khống chế theo tuần. Tức là trong 1 tháng, có thể tuần đầu làm việc rất nhiều, nhưng bù lại những tuần sau sẽ làm ít đi. Để cuối cùng tổng số giờ làm thêm trong tháng không quá 30 giờ.
Như vậy, để xác định thời gian làm việc tối đa trong một tuần – thì mình phải xác định theo 2 trường hợp ở trên. Khi đó sẽ như sau:
1. Trường hợp DN quy định thời gian làm việc theo ngày:
Luật quy định “số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng” (điểm b khoản 2 điều 106).
Như vậy tức là nếu DN tăng ca (làm thêm giờ) tối đa là 30 giờ/tháng, chia đều 30 giờ làm thêm tối đa này cho 4 tuần, thì mỗi tuần làm thêm tối đa là 7,5 giờ.
Như vậy, số giờ làm việc tối đa trong 1 tuần là: 48 + 7,5 = 55,5 giờ.
2. Trường hợp DN quy định thời gian làm việc theo tuần:
Giả sử trong 2 tuần đầu trong tháng DN sẽ tăng ca (làm thêm giờ tối đa, đụng trần) – để 2 tuần còn lại trong tháng không tăng ca nữa (vì đã sử dụng hết số giờ làm thêm luật cho phép), thì sẽ như sau:
- Giả sử thời gian làm việc là 8 giờ trong tuần (làm 6 ngày/tuần). Làm thêm giờ tối đa trong 1 tuần là 4h x 6 ngày = 24 giờ. Như vậy, tổng số giờ làm việc tối đa trong tuần này sẽ là: 48 giờ + 24 giờ = 72 giờ.
- Qua tuần thứ 2, thời gian làm việc tối đa chỉ còn là: 48 giờ + 6 giờ = 54 giờ.
- 2 tuần cuối trong tháng sẽ không thể “bắt” người lao động làm thêm nữa, mà chỉ làm việc tối đa là 48 giờ.
Tóm lại:
- Nếu DN tính giờ làm việc theo ngày, thì thời gian làm việc tối đa trong tuần là 55,5 giờ. (Đều đặn trong suốt cả tháng – 4 tuần).
- Nếu DN tính giờ làm việc theo tuần, thì thời gian làm việc tối đa trong tuần làm thêm nhiều nhất sẽ là 72 giờ. Tuy nhiên qua các tuần sau sẽ giảm xuống và không được làm thêm nữa.
- Cả hai trường hợp đều đi đến kết quả là: giờ làm việc tối đa là 48 giờ/tuần và giờ làm thêm tối đa là 30 giờ/tháng.
Vấn đề cần quan là DN nên lựa chọn hình thức tính giờ làm việc như thế nào cho phù hợp với hoạt động thực tế của mình. Thông thường khối hành chính thì thường quy định giờ làm việc tính theo ngày.
Lưu ý: Trên đây chỉ là phân tích suy luận theo quy định tại Bộ luật lao động hiện hành (năm 2012). Có thể sau này Bộ LĐTBXH sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn, có thể khống chế số giờ làm thêm trong tuần thấp hơn mức phân tích ở trên – vì lý do bảo đảm sức khỏe của người lao động. Song nhìn chung là số giờ làm việc vẫn sẽ theo khung thời gian như phân tích ở trên, cũng là theo luật.
Một lưu ý quan trọng là những phân tích trên là nói về lao động trong điều kiện công việc bình thường. Còn đối với lao động thuộc dạng độc hại, chuyên biệt thì Chính phủ sẽ có quy định cụ thể và chắc chắn sẽ ít hơn mức thông thường. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do luật sư của
công ty luật Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp
hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng.
Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả.
Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website
này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.
|
CÔNG TY LUẬT ECOLAW – Địa chỉ tin cậy của mọi người
23 Lê
Lư, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|