Sunday, June 10, 2018

Làm gì khi giám đốc lạm quyền trong công ty mà tôi có hùn vốn làm ăn chung?



Hỏi: Tôi đã đọc nhiều bài viết bổ ích trên ecolaw.vn và hôm nay mạnh dạn xin sự tư vấn của LS về trường hợp của tôi. Sự việc như sau: Tháng 4/2011 tôi có góp vốn (100 triệu) cùng một số người lập công ty Cổ phần X tại TP.HCM. Do tôi có việc làm ăn khác nên tôi không trực tiếp tham gia điều hành công ty, tất cả giao cho TGĐ.

Trong hai tháng đầu, công ty làm ăn có lãi (theo báo cáo của Người đại diện pháp luật đồng thời là Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc). Tuy nhiên, từ tháng thứ 3, TGĐ liên tục báo lỗ. Tôi và một số cổ đông khác có đến trụ sở để xem tình hình thì phát hiện sự chi tiêu vô tôi vạ của TGĐ và có sự gian lận khi mua thiết bị văn phòng với giá cao hơn giá thị trường nhiều lần.

Chúng tôi yêu cầu xem giấy tờ sổ sách nhiều lần nhưng Kế toán (Vợ TGĐ) đưa cho chúng tôi bản cân đối kế toán nhưng đây là bản cân đối hoàn toàn không có cơ sở, do kế toán viên chưa từng được đào tạo về kế toán nên đọc bảng cân đối này hoàn toàn không hiểu được gì.

Sau khoảng 2 tháng, chúng tôi yêu cầu họp toàn bộ thành viên góp vốn để giải quyết các vấn đề của Công ty. Sau nhiều lần thất hẹn, chúng tôi đã gặp được TGĐ. Tại đây anh này nói sẽ chuyển hướng làm ăn sang buôn bán mặt hàng khác. Ai không đồng ý thì giải tán công ty. Chúng tôi đồng ý giải tán công ty. Tuy nhiên, TGĐ đã không chịu làm thủ tục để giải tán công ty, mà tự ý trả lại mặt bằng đã thuê làm trụ sở, cất giấu các tài sản của công ty (5 máy tính để bàn, điều hòa nhiệt độ, máy in....) đến nay chúng tôi không biết tài sản ấy đang ở đâu.

TGĐ còn nói do có giang hồ do đối tác thuê để dằn mặt công ty nên TGĐ không xuất hiện tại trụ sở. Sau đó, TGĐ lập một trang web khác y chang web hiện tại của công ty với tên của Công ty. Với những ngành nghề mà TGĐ muốn làm ăn. Theo đó, TGĐ tự ý quảng cáo các tour du lịch và đã bị Sở VHTTDL nhắc nhở do không có đủ điều kiện để kinh doanh tour du lịch. Tiếp đó, TGĐ đã chuyển xuống Tiền Giang, lập một công ty có tên tương tự như tên của Công ty trên Tp.HCM.

Tôi được biết, do Công ty có nợ khá nhiều đối tác, nên có một số đối tác có thuê côn đồ đến công ty để hù dọa. Ngoài ra,Công ty còn nợ lương 3 nhân viên khác.

Hiện tại chúng tôi không thể liên lạc được với TGĐ để yêu cầu làm thủ tục giải thể Công ty. Trước khi chuyển xuống Tiền Giang, TGĐ có đưa cho chúng tôi 1 đơn để nghị tạm ngưng kinh doanh vào tháng 7/2011. Trên đó có con dấu vuông ghi ngày nhận công văn. Và TGĐ nói đây là biên nhận của Chi cục thuế xác nhận việc tạm ngưng kinh doanh 1 năm. Nhưng bằng kinh nghiệm, tôi thấy đơn xin tạm ngưng kinh doanh làm rất sơ sài, và tôi được biết là còn phải làm thủ tục tại Sở KHĐT nhưng TGĐ không làm thủ tục này. Chúng tôi là những người làm ăn bình thường, nên chúng tôi đang rất lo lắng.

Xin LS cho chúng tôi biết là chúng tôi phải làm gì bây giờ để rút khỏi công ty, hoặc yêu cầu Sở KHDT hay Tòa án chấm dứt động của Công ty để tránh phát sinh những nợ nần hay sai phạm của Công ty do TGĐ kia điều hành. Tôi không biết là nếu kiện ra tòa thì kiện ai, và kiện cái gì để chúng tôi không bị chịu trách nhiệm liên lụy khi TGĐ kia dùng danh nghĩa của Công ty để làm bậy. Trong 5 cổ đông thì có 3 cổ đông (50% vốn góp) sẵn sàng hợp tác với nhau giải thể công ty hoặc chống lại TGĐ. Xin cảm ơn luật sư. (Nguyen D.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Qua những thông tin anh kể, cho thấy vị TGĐ đã có nhiều hành vi/hành động ẩu tả, có dấu hiệu lạm quyền, vi phạm pháp luật và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông sáng lập khác.

Chưa kể là nếu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể xảy ra và để lại những hậu quả khó lường, liên quan/liên đới đến nhiều người.

Có thể tóm gọn một số sai phạm “cơ bản” của vị TGĐ này như sau:

- Chồng làm giám đốc, vợ làm kế toán (trưởng) là sai qui định.

- Việc chi tiêu/sổ sách kế toán phải trung thực, khách quan và đúng luật (về hình thức, chứng từ …). Làm ẩu, khai khống là sai, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (của các cổ đông khác). Tuy nhiên cụ thế như thế nào, mức độ, tính chất ra sao thì cần phải có chứng cứ xác thực mới đánh giá được.

- Có dấu hiệu kinh doanh trái pháp luật ( không đúng ngành nghề đã đăng ký), sai nguyên tắc và vi pháp “đạo đức”.

- Có nhiều sai sót về thủ tục hành chính – pháp lý trong quá trình điều hành, quản lý công ty.

Về nguyên tắc, vì anh (và các cổ đông khác) là chủ công ty, nên anh có các quyền của cổ đông sáng lập theo qui định tại Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty, bao gồm việc đề nghị triệu tập cuộc họp của Đại hội cổ đông, đề nghị làm rõ và giải quyết tất cả các vấn đề nêu trên.
Qua đó, nếu thấy có những điểm không đúng/sai luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình – thì có quyền yêu cầu TGĐ chấm dứt hành vi sai phạm, giải quyết quyền lợi hoặc đề nghị giải thể, rút khỏi công ty …vv.

Nói chung, những “rắc rối” trên có thể xem là những “tranh chấp” (mặc dù tại thời điểm này chưa chính thức xảy ra tranh chấp) giữa các cổ đông với nhau.

Theo qui định của pháp luật, tranh chấp giữa công ty với các thành viên/cổ đông trong công ty, giữa các cổ đông với nhau trong quá trình thành lập, hoạt động của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (còn gọi là vụ án kinh tế). (Qui định tại Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự). Cụ thể hơn, những tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh/thành phố (TP.HCM) – qui định tại Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự.

Nói tóm lại, lúc này anh (và các cổ đông khác) cần đề nghị và có cuộc họp chính thức với TGĐ. Làm rõ và giải quyết toàn bộ các vấn đề có liên quan, tiềm ẩn hậu quả (bao gồm cả các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty). Cần có Biên bản làm việc ghi rõ tất cả các nội dung trên và hướng giải quyết. Theo đó, có thể cần có các “Bản thỏa thuận” về hướng giải quyết “nội bộ” giữa các cổ đông với nhau.

Cá nhân tôi thấy rằng trong bối cảnh như hiện nay, tốt nhất là nên làm thủ tục giải thể công ty. Thà chấp nhận lỗ phần nào còn hơn là sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả về sau. Đó là chưa kể chưa chắc đã giải thể được nếu công ty nợ nhiều đối tác và họ khởi kiện ra Tòa …

Nếu vẫn không tiến hành họp được ( TGĐ “quyết tâm né”), thì nên chủ động đưa ngay vụ việc ra Tòa càng sớm càng tốt.

Chúc anh sẽ giải quyết mọi việc tốt đẹp, ổn thỏa. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn