Thursday, September 25, 2014

Hỏi về chứng cứ, trình tự phiên tòa sơ thẩm vụ án ly hôn


Hỏi: Kính gửi Ecolaw. Xin được tư vấn vấn đề sau : (Đây là một phiên tòa mà tôi đã chứng kiến tại tòa sơ thẩm PY).

1- Trong quá trình thụ lý vụ án dân sự (hôn nhân- gia đình), nguyên đơn có cần nộp ngay chứng cứ để chứng minh điều kiện để nguyên đơn xin tòa xử ly hôn ? Nếu không có chứng cứ chứng minh tại thời điểm nộp đơn xin ly hôn thì tòa có thụ lý vụ án không? (VD : Nguyên đơn đề nghị tòa xử xin ly hôn vợ ; Lý do : Vợ ngoại tình).

2- Những chứng cứ chứng minh hoặc biện giải của các bên tại các phiên hòa giải của tòa có được coi là tài liệu chứng cứ chính thức không? hoặc lời khai, chứng cứ được chứng minh, biện giải tại phiên xử của tòa mới là chính thức?

3- Thông báo triệu tập phiên tòa mà tại tòa không thấy niêm yết công khai : thời gian, điạ điểm, thẩm phán ... để các đương sự tới tòa phải ngồi chờ đợi. Việc đó có đúng nguyên tác trình tự của luật tố tụng dân sự?

4- Trình tự xét hỏi tại tòa dân sự có được bỏ qua phần tranh tụng của các đương sự? Và nếu bỏ qua tranh tụng mà chỉ có phần hỏi của tòa và đi đến phần tuyên án thì có đúng luật ? Xin chân thành cám ơn. (Tien Đ.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Những điều anh nêu trong thư cho thấy anh là người có sự tìm tòi về pháp lý, nhất là luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, hình như không phải là từ nguồn “chính thống” – nên có một số thuật ngữ không chính xác (không hợp) mặc dù vẫn có thể hiểu được.

Cụ thể, “biện giải” – theo qui định là “lời trình bày”, “lý lẽ” của các bên đương sự. Phần “tranh tụng” mà anh nêu trong phiên tòa thực ra không có. Nếu phiên tòa có luật sư thì sẽ có phần “tranh luận” giữa các luật sư. Còn nếu không thì các bên chỉ cần trình bày, nêu quan điểm, lý lẽ của mình. Thuật ngữ “tranh tụng” là để chỉ xuyên suốt quá trình giải quyết của vụ án – theo hướng các bên có quyền “đối đáp”, “tranh luận”, “phản bác” ý kiến của nhau – tòa án căn cứ vào đó mà phán (ra bản án). Tuy nhiên, theo tôi thì ở Việt Nam, điều này là điều mà ngành tòa án vẫn đang cố gắng vươn tới thì đúng hơn. Đó là việc bản án được tuyên phải dựa vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Nhưng ở VN mình, mấy ông tòa rất “to”, nhiều khi chẳng “thèm” nghe các bên nói gì, đưa ra bằng chứng gì. Cứ thế mà phán. Mà đã phán như vậy thì kết quả nhiều khi thiếu khách quan, sai lệch, gây oan sai.

Bây giờ tôi trả lời các câu hỏi của anh.

Trước hết, khi một người nộp đơn ly hôn tức là họ cảm thấy mục đích hôn nhân không đạt, không có hạnh phúc gia đình. Tuy rằng thông thường, ly hôn có thể là do một bên ngoại tình, nhậu nhẹt, bài bạc … vv (tóm lại là các “thói hư tật xấu”). Nhưng cũng có những cặp ly hôn chỉ vì đơn giản là “chán”, “không thích nữa”. Bất luận thế nào thì luật vẫn qui định các bên có quyền ly hôn. Tuy nhiên, để tòa có thể đánh giá sơ bộ là đương sự muốn ly hôn thật, hay chỉ là chuyện “mưa nắng”, “nóng giận” – nên trong Đơn ly hôn phải nêu rõ lý do ly hôn (Vì sao ly hôn ?) còn chứng cứ thì không cần thiết. Mà nhiều khi cũng đâu có chứng cứ gì mà nộp?

Nói chung, tòa sẽ giải quyết cho ly hôn khi thấy rằng : hai bên có mâu thuẫn trầm trọng không thể giải quyết, không có hạnh phúc nếu tiếp tục chung sống với nhau. Vì đó chính là trường hợp “mục đích hôn nhân không đạt”.

Thứ hai, theo qui định, chứng cứ là những gì “có thật” liên quan đến vụ việc. Chứng cứ có thể thể hiện ở nhiều dạng như vật, lời khai, kết luận giám định, tài liệu …vv. Điều quan trọng là chứng cứ phải được giao nộp theo “trình tự, thủ tục” mà luật qui định. Nói nôm na là người đưa ra “những gì có thật” phải chứng minh được về nguồn gốc rõ ràng. Khi đó sẽ được xem là chứng cứ. Không có khái niệm “chứng cứ chính thức” như anh nói. Về nguyên tắc, nên đưa ra chứng cứ càng sớm càng tốt, không nhất thiết là tại phiên tòa mới đưa ra. ( Anh xem thêm các điều luật ở dưới).

Thứ ba, về nguyên tắc, trong Giấy triệu tập của Tòa cần cần ghi rõ thời gian, địa điểm (phòng nào) xét xử vụ án. Tên các thành viên trong Hội đồng xét xử không ghi trong Giấy triệu tập tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, những nội dung anh nói thực ra được qui định trong “Quyết định đưa vụ án ra xét xử”. Thông thường, Quyết định này được tống đạt trực tiếp cho các đương sự trước ngày xét xử ( anh xem thêm bài “Quyết định đưa vụ án ra xét xử” trong mục Mẫu văn bản trên site này).

Hy vọng phần trao đổi trên đây là hữu ích đối với anh. Thân mến. www.ecolaw.vn

-----------------------------------------

Qui định của pháp luật:

Chứng cứ

Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.

Nguồn chứng cứ

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; 
2. Các vật chứng;
3. Lời khai của đương sự;
4. Lời khai của người làm chứng;
5. Kết luận giám định;
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
7. Tập quán;
8. Kết quả định giá tài sản;
9. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Xác định chứng cứ

1. Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
2. Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
3. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
4. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên toà.
5. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định và có chữ ký của các thành viên tham gia thẩm định.
7. Tập quán được coi là chứng cứ nếu được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận.
8. Kết quả định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định hoặc văn bản do chuyên gia về giá cả cung cấp theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Giao nộp chứng cứ

1. Trong quá trình Toà án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Toà án; nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Việc đương sự giao nộp chứng cứ cho Toà án phải được lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Toà án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ giữ.
3. Đương sự giao nộp cho Toà án chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

(Các điều 81, 82, 83 và 84 Bộ luật tố tụng dân sự)


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn