Wednesday, August 27, 2014

Xe của công ty gây tai nạn trong thời gian chờ cấp Giấy ĐKKD,trách nhiệm ra sao?


Hỏi : Tôi, Th. và D cùng góp vốn thành lập công ty TNHH kinh doanh vận tải hành khách. Chúng tôi thỏa thuận góp vốn bằng các tài sản cụ thể mà chúng tôi đang sở hữu như sau: Tôi góp căn nhà riêng đang ở trị giá 700 triệu, Th góp 4 xe loại 50 chỗ và D góp 5 xe loại 29 chỗ.

Trong thời gian chúng tôi nộp hồ sơ và đang chờ giấy Chứng nhận Đăng Ký Kinh Doanh thì 1 trong 5 xe của D trong khi chở khách đã gây tai nạn hôm 19/10/2010 vừa qua. Vậy xin cho tôi hỏi, ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự với Công an, trong chúng tôi, ai là người chịu trách nhiệm chính trong vụ việc trên? Vì tôi thấy trong Bộ luật có nêu trách nhiệm của thành viên là "Chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty để thực hiện các hành vi như vi phạm pháp luật".


Nhưng đây không phải là trường hợp lén lút làm riêng, mà là làm cho công ty. Mong Luật sư giúp cho tôi. Cám ơn LS rất nhiều. Hiện tôi rất bối rối vì mới làm ăn riêng. (Pha L.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Câu hỏi của bạn chưa đủ thông tin nên chúng tôi chỉ có thể trả lời về nguyên tắc xử lý như sau:

1. Xét về mặt pháp lý, người lái xe gây tai nạn chịu trách nhiệm hình sự (hoặc hành chính). Về mặt dân sự, chủ xe phải bồi thường thiệt hại.

2. Tại thời điểm xe gây tai nạn, cần xác định xe chở khách đã là xe “của công ty” chưa, hay của cá nhân anh D.? Nếu xe đã là của công ty, chở khách của công ty (kinh doanh) thì trách nhiệm bồi thường do công ty chịu và chia cho các thành viên theo tỷ lệ vốn góp. ( Trong công ty TNHH, quyền lợi và trách nhiệm của thành viên góp vốn tương ứng với tỷ lệ vốn góp).

3. Thông thường, thì khi thành lập công ty sẽ có qui định về “thời điểm góp vốn”. Thời điểm này có thể trước khi nhận Giấy D8KKD ( và cũng có khi ghi trong “giấy tờ” thì ngày này, số này, nhưng thực tế thì ngày khác, số khác – “số” ở đây ý nói phần “vốn góp”, chẳng hạn theo Điều lệ thì ghi mỗi người góp 500 triệu, nhưng thực tế chỉ góp 100 triệu). Nhưng khi giải quyết thì phải căn cứ theo thực tế. Nghĩa là tuy chưa có Giấy ĐKKD, nhưng thực chất ba người đã hùn vốn thật sự, xe chở khách cho công ty thì phải cùng nhau chia phần rủi ro như nói trên. ( Theo lời bạn thì là “làm cho công ty”).

4. Ngược lại, nếu anh D. chưa chính thức góp vốn, thì việc xe của anh D. gây tai nạn sẽ thuần túy là chuyện cá nhân của anh D. không liên quan gì đến công ty (bạn và anh Th.).

Thân mến. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn