Wednesday, August 20, 2014

Tôi muốn bán nhà di sản đang đứng tên đại diện trong giấy chủ quyền, trong khi các em đang ở nước ngoài, phải làm sao?


Hỏi: Gửi Quí luật sư công ty luật Ecolaw. Cho tôi hỏi sự việc như sau : khi Ba tôi mất năm 2011, thì đầu năm 2012, tôi có khai nhận di sản theo đúng ý nguyện trong Di chúc. Tức là tôi đứng tên căn nhà, được quản lý nhưng không được sang nhượng, thế chấp, ….. khi chưa có sự đồng ý của các người em hiện đang sống ở nước ngoài.Vì thế trên sổ hồng chủ quyền nhà có ghi rõ những điều kiện này.

Nhưng nay theo ý nguyện của các em tôi là muốn bán căn nhà mà họ đồng thừa kế này, thì chúng tôi phải làm sao trong khi các em tôi hiện sống ở nước ngoài, mỗi người 1 nước khác nhau. Xin chân thành cám ơn quí luật sư (Hoàng H.)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Do không có đủ những thông tin liên quan, nên chúng tôi chỉ trả lời về mặt nguyên tắc như sau:

Căn nhà do anh đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chưa phải thuộc quyền sở hữu của anh, mà anh chỉ là người đứng tên đại diện. Hay nói cách khác, căn nhà này là Di sản chưa chia, thuộc quyền sở hữu chung của những người thừa kế của ba anh ( gồm vợ ( tức là mẹ anh – nếu bà còn sống) và các con (tức anh chị em của anh)).

Chính vì căn nhà vẫn đang thuộc quyền sở hữu chung, cũng có nghĩa chưa thuộc về người nào, nên khi cần định đoạt ( bán nhà) thì phải có sự đồng thuận (đồng ý) của tất cả các đồng sở hữu. Tức là sự đồng thuận của các em anh – đang sống ở nước ngoài.

Sự đồng thuận/đồng ý ở đây phải thể hiện bằng văn bản rõ ràng, chứ không phải chỉ là lời nói. Về nguyên tắc, thì những người em của anh có thể gửi văn bản thể hiện ý chí đồng ý việc bán nhà. Văn bản này có thể được lập ở nước ngoài (nơi họ sinh sống), sau đó hợp pháp hóa lãnh sự hoặc có chứng thực để được công nhận tại Việt Nam (tham khảo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự trong mục Cẩm nang pháp lý).

Tuy nhiên, nếu chỉ là sự “đồng ý” không thôi thì chưa đủ yếu tố pháp lý để anh có thẩm quyền thực hiện giao dịch bán nhà. Mà phải có sự ủy quyền của những người em của anh.

Thế nhưng, theo qui định của pháp luật Việt Nam, thì cá nhân ở nước ngoài không thể/không được lập hợp đồng ủy quyền đối với các giao dịch về bất động sản tại Việt Nam ( như bán nhà). Mà phải thực hiện việc ủy quyền ngay tại Việt Nam (ký Hợp đồng ủy quyền tại phòng công chứng). Điều này có nghĩa là các em của anh phải về Việt Nam và làm thủ tục ủy quyền cho anh bán nhà ( bán phần sở hữu của họ trong khối di sản chung là căn nhà).

Cũng có một cách khác là những người em của anh làm Giấy cho tặng phần di sản mà mình được hưởng cho anh. Sau đó căn nhà chính thức trở thành của một mình anh, và lúc này anh có thể bán nhà. Sau đó “thanh toán” lại tiền bán nhà cho các em. Nhưng nếu làm như vậy thì rủi ro cho các em của anh. Vì theo tôi nghĩ thì họ không/chưa đồng ý tặng anh phần gia tài thừa kế của họ.

Lưu ý một lần nữa là phần trả lời trên chỉ mang tính nguyên tắc. Trên thực tế sẽ khá phức tạp. Chẳng hạn khi làm Hợp đồng ủy quyền, thì bên ủy quyền phải chứng minh mình có quyền sở hữu đối với di sản thừa kế. Tức là phải truy lại hồ sơ khai nhận di sản thừa kế trước đây. Rồi có thể làm xác minh, xác nhận thêm một số thông tin liên quan ... vv. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn