Dưới đây là một Thư yêu cầu giải quyết quyền lợi cho người lao động mà Công ty luật hợp danh Ecolaw vừa thực hiện cho khách hàng của mình - với sự đồng ý của đương sự. ( Lúc đăng bài viết này chưa biết kết quả sẽ ra sao, “thắng” hay “thua” - nhưng hoàn toàn là một câu chuyện có thật). Mời quí vị cùng tham khảo.
----------------------------------------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
TP. Hồ Chí Minh ngày 5-1-2012
THƯ YÊU CẦU
(V/v: Giải quyết quyền lợi cho người lao động bị buộc thôi việc trái pháp luật)
Kính gửi: GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH NHÀ HÀNG STELLA
Công ty luật hợp danh Ecolaw được 8 người có tên dưới đây ủy quyền liên hệ, làm việc với Quí công ty - để yêu cầu được giải quyết quyền lợi của họ - với tư cách là người lao động bị Stella đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Đó là các ông, bà:
1. Lê Thành Lâm, sinh năm 1965.
2. Phan Văn Vũ, sinh năm 1985.
3. Nguyễn Thanh Hùng, sinh năm 1987.
4. Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1980.
5. Nguyễn Thị Bé Bảy, sinh 1986.
6. Trần Quốc Trọng, sinh 1982.
7. Ông Thị Bích Tuyền, 1990.
8. Trương Thị Thoa, sinh 1988.
Theo lời trình bày của những người trên, sự việc như sau:
Công ty TNHH Stella là một nhà hàng, bộ phận Nhà bếp gồm nhiều nhân sự (người lao động).
Từ tháng 10-2006, ông Lê Thành Lâm vào làm việc tại nhà hàng Stella với vị trí là Bếp trưởng, mức lương khởi điểm là 800 USD. Lần lượt 7 người khác cũng vào làm việc tại Stella với vị trí là nhân viên nhà bếp. Cụ thể như sau:
- Ông Phan Văn Vũ vào làm từ tháng 5-2007.
- Ông Nguyễn Thanh Hùng vào làm từ tháng 1-2008.
- Ông Nguyễn Văn Nam vào làm từ tháng 3-2006.
- Bà Nguyễn Thị Bé Bảy vào làm từ tháng 6-2008.
- Ông Trần Quốc Trọng vào làm từ tháng 10-2006.
- Bà Ông Thị Bích Tuyền vào làm từ tháng 11-2009.
- Bà Trương Thị Thoa vào làm từ 6-2010.
Như vậy, hầu hết những người trên đều đã làm việc nhiều năm tại Nhà hàng Stella. Trong đó 3 người là Lê Thành Lâm, Nguyên Văn Nam và Trần Quốc Trọng làm việc trên 5 năm.
Tại thời điểm tháng 11-2011, mức lương của những Người lao động nói trên như sau:
• Lê Thành Lâm, Bếp trưởng: 26.000.000 đồng / tháng.
• Phan Văn Vũ, nhân viên bếp: 4.000.000 đồng /tháng.
• Nguyễn Thanh Hùng, nhân viên bếp: 4.000.000 đồng /tháng
• Nguyễn Văn Nam, nhân viên bếp: 4.500.000 đồng/tháng
• Nguyễn Thị Bé Bảy, nhân viên bếp: 3.300.000 đồng/tháng
• Trần Quốc Trọng, nhân viên bếp: 7.000.000 đồng/tháng
• Ông Thị Bích Tuyền, nhân viên bếp: 3.100.000 đồng/tháng
• Trương Thị Thoa, nhân viên bếp: 2.900.000 đồng/tháng
Trong thời gian làm việc tại Stella, ngoài tiền lương, tất cả đều không được Công ty ký hợp đồng lao động, và không được hưởng bất kỳ một chế độ nào của người lao động như:
1. Bảo hiểm xã hội.
2. Bảo hiểm y tế.
3. Tiền làm thêm giờ, làm ban đêm.
4. Bảo hiểm thất nghiệp.
5. Chế độ nghỉ phép hàng năm ( mỗi năm tối thiểu 12 ngày)
Trong khi đây là những quyền lợi bắt buộc mọi doanh nghiệp đều phải thực hiện - theo qui định tại Bộ luật lao động Việt Nam.
Ngoài ra, có trường hợp bà Nguyễn Thị Bé Bảy khi sinh con không được hưởng chế độ nghỉ sinh con do Công ty không đăng ký lao động với Cơ quan lao động Nhà nước. Trường hợp ông Trần Quốc Trọng làm việc 12 giờ/ngày – quá thời hạn luật qui định.
Bất ngờ ngày 2-12-2011 vừa qua, Giám đốc nhà hàng Stella đã mời 8 người trên lên và thông báo sẽ cho nghỉ việc mà không nêu rõ lý do vì sao. Phía Công ty cũng đưa ra một tờ giấy in sẵn nội dung như sau “Tôi chấp nhận 3 tháng lương và tiền thưởng 1 tháng bonus Tet. Tôi cam kết nhận số tiền trên và cam đoan sẽ không gây bất cứ thiệt hại hay tổn thất với bất kỳ lý do nào với Công ty TNHH Nhà Hàng Stella” – yêu cầu mọi người tự tay điền tên mình vào, ký tên.
Sau đó công ty đưa mỗi người một số tiền và yêu cầu phải nghỉ việc, không được phép vào công ty nữa. Điều đáng nói là tất cả những nhân viên bị buộc thôi việc như nêu trên đều không hề vi phạm nội quy công ty, chưa ai từng bị khiển trách, kỷ luật.
Thưa Quí công ty,
Qua sự việc như trên, chúng tôi cho rằng Công ty Stella đã có những vi phạm pháp luật ở mức độ nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều năm và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Cụ thể như sau:
1. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật:
Tại Khoản 1 điều 38 Bộ luật lao động quy định Công ty (Người sử dụng lao động) chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng;
b) Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải;
c) Người lao động ốm đau đã điều trị 12 tháng liền mà khả năng lao động chưa hồi phục.
d) Do thiên tai, hoả hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác.
đ) Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động”.
Như vậy, việc 8 người nói trên bị công ty yêu cầu nghỉ việc, trong khi họ không hề vi phạm bất kỳ điều gì là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
2. Không đăng ký, khai báo lao động:
Điều 182 Bộ luật lao động quy định “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải khai trình việc sử dụng lao động và trong quá trình hoạt động phải báo cáo tình hình thay đổi về nhân công với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương”.
Như vậy, về nguyên tắc, khi công ty nhận người lao động vào làm việc chính thức, thì công ty có nghĩa vụ phải đăng ký với Phòng LĐTBXH quận I, đồng thời phải đóng các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thực hiện việc bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động.
Ở đây, dù người lao động đã làm việc trong nhiều năm, nhưng tới nay Stella vẫn chưa ký Hợp đồng lao động, không đăng ký và khai báo về việc sử dụng lao động với cơ quan có thẩm quyền là vi phạm qui định của pháp luật.
3. Không bảo đảm quyền lợi của Người lao động tại công ty:
Theo qui định tại điều 7 Bộ luật lao động “ Người lao động được nghỉ theo chế độ, nghỉ hàng năm có lương và được bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật”. Bao gồm:
- Bảo hiểm xã hội: Khoản 1 điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội quy định “Người sử dụng lao động trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội và hằng tháng trích từ tiền lư¬ơng để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội”. Cụ thể mức Bảo hiểm xã hội phải đóng là 15% - thời điểm trước năm 2009 và 16% hiện nay.
- Bảo hiểm y tế: Tại điều 13 Luật Bảo hiểm y tế “Mức đóng hằng tháng 2%”
- Tiền Bảo hiểm thất nghiệp (tính từ tháng 1-2009): Theo quy định tại khoản 2 điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội “Người sử dụng lao động đóng bằng 1%”.
- Làm việc trong ngày lễ phải được trả gấp 3 lần lương ngày thường: Điều 61 Bộ luật lao động “Người lao động làm thêm giờ được trả lương vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%”.
Theo luật Việt Nam, mỗi năm Người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương trong 9 ngày lễ. Trên thực tế Người lao động chỉ được nghỉ 2 ngày. Như vậy, người lao động phải được nhận gấp 3 lần tiền lương ngày thường cho 7 ngày trong mỗi năm làm việc.
- Tiền bồi thường do chấm dứt HĐLĐ trái luật: 2 tháng lương: Điều 41 Bộ luật lao động “Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải bồi thường một khoản tiền tương ứng trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương và phụ cấp lương”.
- Trợ cấp thôi việc (đến năm 2008): Điều 42 Bộ luật lao động : “Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc”.
Toàn bộ những khoản tiền (quyền lợi) nêu trên đều chưa được công ty thực hiện cho 8 người lao động nói trên. Với số tiền tổng cộng ( tính đến thời điểm tháng 12-2011) là khoảng 970 triệu đồng.
Theo qui định của pháp luật Việt Nam, Người lao động có quyền khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu công ty hủy quyết định thôi việc trái pháp luật, nhận vào làm việc trở lại. Ngoài ra, trong mọi tình huống, công ty đều phải có nghĩa vụ bồi thường và thanh toán tất cả các khoản quyền lợi cho người lao động – như nêu ở trên.
Theo đó, nay chúng tôi có văn bản này, thay mặt 8 cá nhân có tên nêu trên, đề nghị Công ty Stella giải quyết các yêu cầu sau đây:
- Thu hồi quyết định thôi việc trái pháp luật đối với 8 người nói trên.
- Bồi thường 2 tháng tiền lương, thanh toán các khoản tiền cho những ngày không làm việc và thanh toán quyền lợi cho Người lao động – theo Phụ lục đính kèm.
Tổng số tiền là: 714.000.000 VNĐ ( tương đương khoảng 34,280 USD)
Với thiện ý cao nhất, chúng tôi đề nghị công ty xem xét, giải quyết trong vòng 1 tháng. Nếu Stella đáp ứng toàn bộ yêu cầu trên, chúng tôi đồng ý giảm bớt 20%.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày gửi thư này, nếu Stella không có phản hồi hoặc hai bên không tìm được hướng giải quyết thỏa đáng, chúng tôi sẽ khởi kiện ra Tòa án. Trong trường hợp này, Stella chắc chắn còn phải chịu thêm nhiều chi phí khác như : án phí, tiền trả cho người lao động trong thời gian họ không được làm việc đến ngày Tòa đưa vụ án ra xét xử…
( Đề nghị Quí công ty nên tham khảo thêm ý kiến luật sư để nắm rõ hơn về qui định của pháp luật Việt Nam và có hướng giải quyết phù hợp nhất).
Rất mong nhận được thiện ý và sự hợp tác từ Quí công ty.
Trân trọng!
TM. CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW
Luật sư Trần Hồng Phong (đã ký)
---------------------
Đính kèm:
- Phụ lục tính tiền bồi thường cho 8 người lao động.
Mẫu văn bản Ecolaw là
tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng
như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm
trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị
có thể click vào menu “Mẫu văn bản” để thao khảo thêm về những
mẫu đơn từ/văn bản … mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực Đơn từ - Tranh chấp dân sự
|
CÔNG
TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận
10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com -
website: www.ecolaw.vn
|