Saturday, August 2, 2014

Thời hiệu và thời hiệu khởi kiện

Luật sư Trần Hồng Phong

Trong luật dân sự, thời hiệu và thời hiệu khởi kiện là hai vấn đề khác nhau nhưng có liên quan đến nhau. Các quy định về thời hiệu và thời hiệu khởi kiện được quy định trong Bộ luật dân sự, Luật tố tụng dân sự và một số văn bản khác.

Không ít người đã mất quyền lợi khi không nắm rõ về thời hiệu khởi kiện (ảnh minh họa)



Nói chung, muốn hiểu về thời hiệu khởi kiện thì trước hết cần nắm rõ thời hiệu là gì? Bài viết ngoài việc nêu khái quát những quy định chung sẽ tập trung nhiều vào vấn đề thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Nói chung đây là những quy định có phần khó hiểu đối với những người không chuyên trong ngành pháp luật. Do vậy, nếu cảm thấy khó hiểu và liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình thì quý vị nên tham vấn luật sư.

A. THỜI HIỆU

1. Thời hiệu là gì?

Vấn đề thời hiệu được quy định tại chương IX Bộ luật dân sự 2005. Theo điều 154 Bộ luật dân sự (BLDS), thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Như vậy, ta thấy có 4 loại thời hiệu, đó là:

a. Thời hiệu hưởng quyền dân sự: là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.

Ví dụ: Ông A cho ông B thuê nhà. Hai bên thống nhất là tháng đầu tiên sẽ miễn tiền thuê. Bắt đầu từ tháng thứ hai ông B sẽ phải trả tiền thuê nhà theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà. Như vậy, trong trường hợp này tháng đầu tiên - thời điểm từ khi ông B nhận nhà thuê đến cuối tháng, chính là thời hiệu hưởng quyền dân sự (nhận tiền cho thuê nhà) - đối với ông A.

b. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự: là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

Ví dụ: Ông A cho bà C thuê nhà với điều kiện là nếu thuê hết nguyên 1 năm thì sẽ được miễn tiền thuê nhà 1 tháng (sau khi đã đóng đủ tiền thuê nhà 11 tháng trước đó). Như vậy, 11 tháng đầu tiên chính là thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự (đóng tiền thuê nhà) – đối với bà C.

c. Thời hiệu khởi kiện: là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện dân sự do pháp luật quy định (xem phần sau)

d. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự: là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự do pháp luật quy định (xem phần sau).

2. Cách tính thời hiệu:

Nói chung, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận cụ thể, việc tính thời hiệu được xác định theo đơn vị ngày (24 giờ).
Điều 156 BLDS quy định về cách tính thời hiệu như sau: Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.

3. Lưu ý về thời hiệu và việc hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự

Điều 157 BLDS quy định về hiệu lực của thời hiệu hưởng quyền dân sự và miễn trừ nghĩa vụ dân sự như sau:

1. Trong trường hợp pháp luật quy định cho các chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự theo thời hiệu thì chỉ sau khi thời hiệu đó kết thúc, việc hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự mới có hiệu lực.

Quy định trên được hiểu là nếu pháp luật có quy định, thì các chủ thể giao dịch phải thực hiện theo quy định của pháp luật, không được tự thỏa thuận với nhau (trái luật).

Ví dụ: Tại bộ luật dân sự quy định người nào công khai chiếm hữu, sử dụng liên tục một căn nhà vắng chủ trong vòng 30 năm mà không có ai khiếu nại, tranh chấp thì sẽ được công nhận quyền chủ sở hữu đối với căn nhà đó. Như vậy, chỉ sau 30 năm thì mới được sở hữu căn nhà – vì đây là “pháp luật quy định”.

2. Thời hiệu hưởng quyền dân sự không áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Chiếm hữu tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước không có căn cứ pháp luật;

b) Việc hưởng quyền nhân thân không gắn với tài sản.

Quyền nhân thân không gắn với tài sản là những quyền gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác. Chẳng như như: tên, tuổi, giới tính … - đây cũng chính là các quyền dân sự và không phụ thuộc vào thời gian (thời hiệu).

B. THỜI HIỆU KHỞI KIỆN DÂN SỰ

1. “Vụ án dân sự” và “việc dân sự”

Trong tố tụng dân sự (tức là nói về thủ tục, trình tự giải quyết vụ án/vụ việc tại tòa án), có hai loại là “vụ án dân sự” và “việc dân sự”.

Nói một cách nôm na dễ hiểu, thì vụ án dân sự tức là người này kiện người kia, giữa hai bên có sự tranh chấp, nợ nần hay bên này xâm hại quyền lợi của bên kia.

Còn việc dân sự là những vụ việc mang tính chất thủ tục, không có tranh chấp. Chẳng hạn như yêu cầu tuyên bố một người mất tích, yêu cầu hủy văn bản công chứng vô hiệu, yêu cầu công nhận việc thuận tình ly hôn …vv.

2. Quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự:

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là quãng thời gian (trong luật gọi là thời hạn) mà chủ thể này (nguyên đơn) được quyền khởi kiện chủ thể khác (bị đơn) ra tòa án, yêu cầu tòa án giải quyết yêu cầu khởi kiện của mình, trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Thời hiệu khởi kiện dài ngắn bao nhiêu do pháp luật quy định.

Khi đã hết thời hiệu khởi kiện, thì chủ thể (người bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp) sẽ không còn quyền khởi kiện nữa (mất quyền khởi kiện), trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác (thông thường là các trường hợp do có các yếu tố khách quan, dẫn đến việc chủ thể không thể thực hiện việc khởi kiện được – xem phần sau).

Tại khoản 3 Điều 159 BLTTDS quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tức là nếu pháp luật có quy định thì cứ theo đó mà thực hiện.

Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:

a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;

Ví dụ: Ông A cho ông B thuê nhà trong 2 năm, sau khi hết thời hạn thuê ông B không chịu trả nhà. Trong trường hợp này ông A có quyền kiện đòi ông B trả lại tài sản. Và luật quy định “không áp dụng thời hiệu khởi kiện”. Tức là ngày sau khi hết thời hạn thuê ông A kiện cũng được, mà 5 hay 10 năm sau kiện cũng được.

b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Ví dụ: Công ty H bán hàng cho công ty K trị giá 100 triệu đồng, theo hợp đồng phải thành toán tiền mua hàng trong thời gian 1 tháng. Đến hạn công ty K không trả tiền mua hàng như cam kết. Đây là trường hợp tranh chấp về hợp đồng bán hàng, chứ không phải là trường hợp cho mượn tài sản. Do vậy, trong thời hạn 2 năm (kể từ thời điểm hết hạn 1 tháng) công ty K phải khởi kiện ra tòa để đòi nợ hoặc có thỏa thuận khác với công ty H. Nếu hết thời hạn 2 năm công ty A sẽ không còn quyền khởi kiện nữa.

2. Quy định về thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân dân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu.”

3. Cách tính thời hiệu khởi kiện:

Điều 159 Bộ luật dân sự quy định về thời điểm bắt đầu và cách tính thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự hay thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự như sau:

1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Những trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện:

Điều 160 quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự không áp dụng trong những trường hợp sau đây:

1. Yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước;

2. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

3. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

5. Quãng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện:

Tại Điều 161 Bộ luật dân sự quy định về “thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự”. Đó là là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

“Sự kiện bất khả kháng” : là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

“Trở ngại khách quan”: là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình;

2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

3. Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.

C. HƯỚNG DẪN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (ban hành ngày 3-12-2012 có một số nội dung quy định, hướng dẫn thêm về thời hiệu khởi kiện như sau:

1. Về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự:

1. Đối với tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.

Ví dụ 1: Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì theo quy định tại Điều 30 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp;

Ví dụ 2: Đối với các tranh chấp lao động cá nhân thì theo quy định tại khoản 2 Điều 202 của Bộ luật lao động, thời hiệu khởi kiện về tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm

Ví dụ 3: Đối với tranh chấp về chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác thì theo quy định tại Điều 645 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

2. Các tranh chấp dân sự sau đây không áp dụng thời hiệu khởi kiện:

a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là tranh chấp ai có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó;

Ví dụ: Tranh chấp ai có quyền sở hữu nhà ở; nếu có khởi kiện thì Tòa án thụ lý vụ án; việc chấp nhận hay không phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.

b) Tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu là tranh chấp về tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình nhưng do người khác quản lý, chiếm hữu tài sản đó;

Ví dụ: Ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của A nhưng do B đang quản lý; A có tài liệu chứng minh ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của A và khởi kiện đòi nhà thì Tòa án thụ lý; việc chấp nhận hay không phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.

c) Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai là tranh chấp ai có quyền sử dụng đất đó.

3. Đối với tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự (hợp đồng vay tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản, thuê tài sản, thuê khoán tài sản, hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất), thì giải quyết như sau:

a) Đối với tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự thì áp dụng thời hiệu quy định trong văn bản quy phạm pháp luật tương ứng đối với loại giao dịch đó.

Ví dụ: Tranh chấp về hợp đồng thuê nhà thì thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng cho thuê tài sản được xác định theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm.

b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Ví dụ 1: Ngày 01-01-2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01-01-2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03-4-2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Ví dụ 2: Trường hợp người cho thuê tài sản mà có tranh chấp về hợp đồng thuê tài sản thì thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng cho thuê tài sản được xác định theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật dân sự năm 2005. Đối với tranh chấp về đòi lại tài sản cho thuê do người khác đang quản lý, chiếm hữu thì căn cứ hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều 159 của BLTTDS và điểm b khoản 3 của Điều này không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Ví dụ 3: Đối với tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ mà có tranh chấp về việc ai có quyền sở hữu đối với quyền sở hữu trí tuệ đó thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Nếu tranh chấp các giao dịch về quyền sở hữu trí tuệ thì áp dụng thời hiệu tương ứng đối với giao dịch quyền sở hữu trí tuệ đó.

4. Đối với tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện và không thuộc các trường hợp nêu trên thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Ví dụ: Điều 111 Luật Đường sắt quy định "Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp về hợp đồng trong hoạt động kinh doanh đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về trọng tài thương mại".

5. Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:

a) Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm;

b) Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên không thoả thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày xảy ra xâm phạm;

c) Trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thoả thuận của các bên.

d) Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Nếu một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng thì ngày đơn phương đình chỉ hợp đồng là ngày bị xâm phạm.

đ) Đối với trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng,..., thì ngày xảy ra hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng,... là ngày bị xâm phạm.

e) Trong một quan hệ pháp luật hoặc trong một giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm cuối cùng.

g) Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a, b, c, d, đ và e ở trên, nếu các bên có thoả thuận khác về thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được xác định theo thoả thuận của các bên.

2. Về thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:

1. Đối với yêu cầu giải quyết việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu yêu cầu thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.

Ví dụ 1: Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì thời hạn yêu cầu là ba mươi ngày kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài quy định tại Điều 69 của Luật Trọng tài thương mại.

Ví dụ 2: Đối với yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam thì thời hạn yêu cầu là ba mươi ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam quy định tại Điều 360 của BLTTDS.

2. Đối với yêu cầu giải quyết việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật không quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp có quy định ở trên.

Ví dụ: Đối với yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu quy định tại khoản 6 Điều 26 của BLTTDS và Điều 45 của Luật Công chứng thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là một năm kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.

3. Thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:

Thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.

Ví dụ: Theo quy định tại Điều 45 của Luật Công chứng, thì Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu. Ngày phát sinh quyền yêu cầu là ngày biết được việc công chứng có vi phạm pháp luật.


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw, có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như là tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc vấn đề pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực: Tố tụng Dân sự - Hình sự

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn