Thursday, August 14, 2014

Thời gian nghỉ thai sản không ảnh hưởng đến thời gian nghỉ phép năm


Hỏi: Trường hợp người lao động ký kết hợp đồng 12 tháng, thực tế đã làm việc 8 tháng, 4 tháng còn lại nghỉ thai sản. Vậy số ngày phép năm người lao động được nghỉ là bao nhiêu ngày ? (KT. TP. Hồ Chí Minh) 

Luật sư Nguyễn Công Khán trả lời:

Do bạn không nói rõ thời điểm lao động nữ này bắt đầu nghỉ chế độ thai sản từ lúc nào, nên chúng tôi tạm hiểu là sau khi làm việc đủ 8 tháng thì lao động nữ này bắt đầu nghỉ sanh theo chế độ nghỉ thai sản là 4 tháng.

Nghị định 195/1994 qui định:

“Thời gian sau đây được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính ngày nghỉ hàng năm:
- Thời gian học nghề, tập nghề.
- Thời gian thử việc.
- Thời gian nghỉ về việc riêng;
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý;
- Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (không quá 6 tháng).
- Thời gian nghỉ do ốm đau (không quá 3 tháng);
- Thời gian nghỉ theo chế độ qui định đối với lao động nữ (tức là nghỉ thai sản);
- Thời gian hội họp, học tập theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động cho phép;
- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động;
- Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc;
- Thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do bị oan hoặc được miễn tố”.

Như vậy, thời gian nghỉ chế độ thai sản được pháp luật ghi nhận như thời gian người lao động làm việc bình thường tại doanh nghiệp. Do đó, chế độ nghỉ phép của người lao động vẫn được tính như trường hợp làm việc bình thường.

Cùng đó, Bộ Luật lao động cũng có qui định:

Người lao động có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo qui định sau đây:

a) 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi;
c) 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.

Đối chiếu các qui định trên, người lao động dù nghỉ thai sản thì vẫn được hưởng đủ số ngày phép hằng năm theo qui định của pháp luật (tức 12, 14 hoặc 16 ngày). www.ecolaw.vn

(Ghi chú: Thời điểm trả lời câu hỏi này là theo Bộ luật lao động cũ (đã được thay thế bằng Bộ luật lao động 2012. Tuy nhiên về bản chất và nội dung là không thay đổi. Quý vị có thể tham khảo).

Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Lao động”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn