Monday, August 4, 2014

Đơn yêu cầu thi hành án

Đơn yêu cầu thi hành án là một văn bản hành chính pháp lý do bên thắng kiện gửi đến cơ quan thi hành án của Nhà nước, nhờ hỗ trợ và có biện pháp để yêu cầu bên thua kiện ( bên phải thi hành án) thực hiện bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Dưới đây là một Đơn yêu cầu thi hành án mà công ty luật hợp danh Ecolaw đã soạn thảo cho khách hàng của mình.

Một vụ cưỡng chế thi hành án ( ảnh minh họa)




CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP.HCM, ngày 15 tháng 4 năm 2010

ĐƠN YÊU CẦU THI HÀNH ÁN
(V/v : Thi hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 09/2010/QĐST-KDTM
của TAND TP.Biên Hòa)

Kính gửi:   CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TP. BIÊN HÒA


Chúng tôi là : CÔNG TY TNHH TÂN AN
Địa chỉ: XXX Thành Thái, Q.10, TP. Hồ Chí Minh.

Là bên được thi hành án trong vụ kiện đòi nợ với :

Người phải thi hành án : CÔNG TY TNHH HÓA CHẤT DYVI
Địa chỉ: Khu công nghiệp Amata – TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Nay chúng tôi có đơn này kính đề nghị Quý cơ quan ra quyết định và có biện pháp yêu cầu Công ty TNHH hóa chất DyVi thi hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND TP. Biên Hòa để bảo đảm quyền lợi cho công ty chúng tôi.

Cụ thể như sau:

Vì công ty TNHH Hóa chất Dy Vina không thanh toán cho công ty chúng tôi số tiền mua hàng còn thiếu, nên ngày XXX-2010 công ty chúng tôi đã nộp đơn khởi kiện ra TAND TP. Biên Hòa.

Trong phiên hòa giải ngày 04-02-2010, Tân An và công ty Dy Vina đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán”.

Vì thế, ngày 11-02-2010, Tòa Án Nhân Dân TP. Biên Hòa đã ra Quyết định số XX/2010/QĐST-KDTM. Nội dung như sau:
“Công ty TNHH Hóa chất DyVi đồng ý thanh toán cho Công ty TNHH Tân An số tiền còn thiếu là 400.000.000đ (Bốn trăm triệu đồng).” Ngoài ra, quyết định còn tuyên một số nội dung về án phí.

Theo qui định của pháp luật, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực thi hành ngay. Tuy nhiên, từ ngày ra quyết định tới nay Công ty TNHH Hóa chất DyVi vẫn không tự nguyện thi hành quyết định nói trên. Mặc dù chúng tôi đã 2 lần gửi công văn đề nghị DyVi trả nợ.

Do vậy, nay công ty Tân An chúng tôi có đơn này, kính đề nghị Quí cơ quan - trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình ra quyết định yêu cầu Công ty TNHH Hóa chất DyVi thanh toán số tiền mua hàng còn thiếu cho công ty chúng tôi. Trong trường hợp phía phải thi hành án cố tình trì hoãn, kính đề nghị áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên và đấu giá tài sản của Dyvi – để bảo đảm việc thi hành án.

Kính mong sớm được xem xét, giải quyết.

Xin chân thành cám ơn.
                                                                  TM. CÔNG TY TÂN AN
                                                                        Giám đốc (đã ký)

------------

Đính kèm:

- Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số xx/2010/QĐST-KDTM của TAND TP.Biên Hòa.





----------------------------------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Sau khi kết thúc một vụ kiện ( có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật), vụ việc chuyển qua giai đoạn thi hành án ( thi hành bản án). Bên thắng kiện được gọi là “bên được thi hành án”, còn bên thua kiện gọi là “bên phải thi hành án”.

2. Về nguyên tắc, việc thi hành án là tự nguyện, hai bên thắng thua có thể tự mình thực hiện (thanh toán) với nhau. Tuy nhiên, thông thường thì ít khi nào bên phải thi hành án tự nguyện thi hành ( vì nếu đã “tự nguyện” thì cũng không cần phải kiện tụng làm gì). Do vậy, nếu sau một khoảng thời gian “tương đối” – thông thường là khoảng 2 tháng kể từ ngày có bản án – mà bên phải thi hành án không thi hành thì bên được thi hành án nên có Đơn yêu cầu thi hành án, gửi tới cơ quan thi hành án địa phương – nơi bên phải thi hành án tọa lạc (cư trú) đề nhờ cơ quan này hỗ trợ - áp dụng các biện pháp hành chính từ nhẹ đến nặng (cưỡng chế) để “ép” bên thi hành án phải thực thi bản án.

3. Các qui định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, cưỡng chế thi hành án … - được qui định tại Luật thi hành án dân sự. Theo đó, nên vụ việc đã ra đến cơ quan thi hành án mà bên phải thi hành án vẫn không thực hiện thì sẽ có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế như kê biên tài sản để bán đấu giá – nhằm thực thi bản án.

4. Hiện nay, khâu thi hành án có thể nói là khâu “yếu kém” nhất ( hiệu quả, tỷ lệ thi hành án thấp) trong hệ thống tư pháp nước ta. Có rất nhiều bản án không được thi hành vì rất nhiều lý do. Điều này gây bức xúc trong dư luận và làm cho công lý không được thực thi, quyền lợi hợp pháp của bên thắng kiện không được bảo đảm.

( đang tiếp tục cập nhật, vui lòng chờ)

--------------------------

Bài liên quan :

* Chấp hành viên