Monday, August 4, 2014

Đơn tố cáo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trong cuộc sống, không ít người vì những nguyên nhân khác nhau đã bị người khác dùng những thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Những hành vi như vậy có dấu hiệu hình sự và nạn nhân cần mạnh dạn làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan chức năng đề nghị giúp đỡ, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Dưới đây là một mẫu Đơn tố cáo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà công ty luật hợp danh Ecolaw đã soạn thảo cho khách hàng của mình. Sau khi gửi Đơn, công an và Viện kiểm sát nhân dân quận 11 (TP.HCM) đã mời đương sự lên giải quyết. Sau đó đã đề nghị đương sự nộp đơn ra Tòa án ( hiện nay tòa đã thụ lý đơn kiện).

Coi chừng sập bẫy (tranh minh họa)



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự Do - Hạnh Phúc

TP.HCM, ngày 9 tháng 9 năm 2010

ĐƠN TỐ CÁO
(V/v: Gia đình tôi bị ông Phan K. lừa đảo chiếm đoạt 1,1 tỷ đồng và làm mất nhà)

Kính gửi:              CÔNG AN QUẬN 11 – TP.HCM
                              VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN QUẬN 11

Tôi tên : LÊ NGỌC B., sinh 1960.
Địa chỉ : xxx Lê Hồng Phong, P.2, Q.10, TP.HCM.
CMND số : xxx cấp tại CA TP.HCM.

Nay làm đơn này tố cáo và đề nghị Quí cơ quan tiến hành điều tra và khởi tố hình sự đối với :

Ông LÂM K., sinh 1964
Địa chỉ : yyy Đặng Minh Khiêm, P.14, Q.11, TP.HCM.
CMND số : yyy cấp tại: CA TP.HCM

Vì ông K. đã có hành vi lừa đảo, qua đó chiếm đoạt tài sản của tôi (bán nhà của tôi cho người khác, lấy tiền) số tiền 1,1 tỷ đồng và làm cho tôi lâm vào cảnh mất nhà.

Sự việc như sau:

Nguyên gia đình tôi là chủ sở hữu căn nhà số xxx Lê Hồng Phong, P.2, Q.10, TP. HCM.

Năm 2008, tôi có vay 300 triệu đồng của Ngân hàng. Tới kỳ đáo hạn, qua giới thiệu tôi có gặp và vay tiền của ông Lâm K. – là người chuyên cho vay lấy lãi. Theo đó, ông K. bỏ tiền ra trả tiền vay ngân hàng và cho tôi mượn thêm – tổng cộng 600 triệu đồng, lãi suất 4%/tháng. Thay vì lập giấy vay nợ, ông K. đề nghị hai bên làm “Hợp đồng mua bán nhà”.

Ngày 13-11-2008, tại Phòng công chứng số 2 TP.HCM, tôi và ông K. có ký Hợp đồng mua bán nhà. Nội dung: tôi bán cho ông K. căn nhà số xxx Lê Hồng Phong giá 700 triệu đồng (là số tiền 600 triệu ông K. cho tôi vay và tiền lãi).

Sau đó, hàng tháng tôi đều đóng tiền lãi cho ông K.. Tôi đóng tiền được khoảng 7,8 tháng thì không đóng nổi nữa. ( Mỗi tháng đóng 24 triệu đồng)

Đến ngày 13-8-2009, ông K. tính toán tôi nợ ông 960 triệu đồng (gồm cả tiền lãi). Ông K. bắt tôi phải ghi giấy nhận nợ số tiền này.

Vì thấy tôi không đóng tiền lãi nổi nữa, nên ông K. ép tôi bán nhà cho mình giá 1 tỷ đồng. Nhưng vì căn nhà của tôi giá khoảng 2 tỷ đồng nên tôi không đồng ý. Do vậy, ông K. có nói tôi thế chấp căn nhà để vay ngân hàng 1 tỷ đồng - để lấy tiền trả cho ông K. Tôi đã đồng ý.

Ngày 13-8-2009, ông An dẫn tôi đến Chi nhánh ngân hàng NN và PTNT An Phú (Phòng giao dịch Phú Trung) và “giới thiệu” cho tôi một người - là bà Ng. (sinh: 1973, thường trú: xxx, P.10, Q.6, Tp.HCM).( Ông K. nói tôi tuổi đã lớn vay tiền Ngân hàng không được, nên nhờ bà Ng. đứng tên vay).

Theo đó, dưới sự hướng dẫn của ông K., bà Ng. và đại diện Ngân hàng, các bên đã lần lượt làm các công việc sau:

- Tôi và ông K. ký “Hợp đồng huỷ bỏ hợp đồng mua bán nhà ở”. Nội dung : hủy bỏ hợp đồng mua bán nhà giữa tôi và ông K. trước đây. Lúc này, về mặt pháp lý căn nhà đã được “hoàn trả” lại cho tôi – để tôi có thể thế chấp vay ngân hàng.

- Tôi và Phòng giao dịch Phú Trung ký “Biên bản xác định giá trị tài sản bảo đảm”. Xác định giá trị căn nhà của tôi là: 715.400.000 đồng.

- Tôi và Ngân hàng ký “Hợp đồng thế chấp tài sản” số XXX- để bảo lãnh cho bà Ng. vay tiền. Nội dung Hợp đồng thế chấp tài sản như sau:

+ Thời gian thế chấp 12 tháng ( Điều 1)

+ Tài sản thế chấp : căn nhà số xxx Lê Hồng Phong, P.2, Q.10, TP.HCM ( Điều 2)

+ Quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng : Lưu giữ toàn bộ bản gốc và các giấy tờ chứng nhận về quyền sở hữu tài sản thế chấp, bảo quản nguyên trạng như lúc nhận bản gốc các giấy tờ sở hữu của bên thế chấp trong suốt thời gian thế chấp; trả lại đầy đủ giấy tờ về TSTC cho bên thế chấp khi bên vay hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm. (Điều 4)

- Tiếp đó, bà Ng. ký “Hợp đồng tín dụng” số KKK với Ngân hàng. Nội dung :

+ Số tiền vay là 400 triệu đồng ( Điều 1)

+ Mục đích sử dụng tiền vay : Sửa chữa nhà và mua sắm vật dụng gia đình (Điều 2)

+ Thời gian vay 12 tháng; ngày nhận tiền vay lần đầu : 23-8-2009; ngày trả nợ cuối cùng: 13-8-2010 ( Điều 3)

+ Hình thức bảo đảm tiền vay là thế chấp căn nhà xxx Lê Hồng Phong ( Điều 6)

Đồng thời, cũng trong ngày 13-8-2009, để “nắm cán” về sau, ông K. nói tôi ký “Hợp đồng ủy quyền” số ZZZ. Nội dung ủy quyền :

- Ông K. được quyền thế chấp và bán căn nhà số xxx Lê Hồng Phong, P.2, Q.10.

- Ông K. được quyền lập văn bản, ký tên trên các giấy tờ liên quan và thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo qui định của pháp luật.

- Thời hạn ủy quyền : 10 năm. Thù lao ủy quyền : không

Sau thời điểm này, vì Ngân hàng chỉ cho vay 400 triệu đồng (chứ không phải 1 tỷ đồng như dự tính ban đầu của ông K. ) nên ông K. hù dọa, nói tôi phải trốn đi nơi khác chứ không giang hồ đến quậy.

Tiếp đó, ông K., bà Ng. và Ngân hàng đã có những hành vi cấu kết, bắt tay với nhau, để ông K. lấy giấy tờ nhà của tôi ra một cách bất hợp pháp. Cụ thể như sau:

- Ngày 3-12-2009, ông K. và bà Ng. đem tiền đến trả Ngân hàng, thanh lý hợp đồng vay tiền chỉ sau gần 4 tháng (chứ không phải 1 năm như theo hợp đồng).

- Cùng lúc, ông K. đã lo lót sao đó và Ngân hàng đã giao bản chính giấy tờ nhà cho ông K. (mặc dù giấy tờ nhà là của tôi và theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp tài sản thì Ngân hàng phải trả cho tôi).

Qua hôm sau, ngày 4-12-2009, dựa trên bản chính giấy tờ nhà do Ngân hàng giao và Hợp đồng ủy quyền đã ký với tôi trước đó, ông K. đã tự ý bán căn nhà của tôi cho ông Qu. (Hợp đồng mua bán nhà số XXX – lập tại Phòng công chứng Nhà nước số 1, trước bạ ngày 24-12-2009. Số tiền bán nhà ghi theo hợp đồng là 1,1 tỷ đồng. Còn thực chất như thế nào tôi không biết). Hiện ông Qu. đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy GCN sở hữu nhà.

( Xin nói thêm là toàn bộ việc ông K. bán nhà nói trên tôi không hề hay biết. Đến ngày 25-8-2010 vừa qua, sau khi tôi có đơn khiếu nại, nhờ có công văn của Phòng TNMT Quận 10 tôi mới biết.

Trong tháng 8-2010, vì tưởng rằng ông K. chỉ giữ giấy tờ nhà của tôi chứ chưa bán, nên tôi có làm đơn khiếu nại gửi lên UBND Phường, nhờ giải quyết trả lại giấy tờ nhà cho tôi, tôi sẽ trả nợ cho ông K. Trong buổi hòa giải ngày 10-8-2010, tại UBND Phường, ông K. có nói đồng ý cho tôi mượn lại giấy tờ nhà để bán nhà và trả nợ cho ông trong vòng 30 ngày, số tiền 1,375 tỷ đồng, tôi không đồng ý số tiền trên (vì thực tế tôi chỉ nợ ông K. 960 triệu đồng ( gồm gốc và lãi) – ghi rõ trong Biên bản làm việc ngày 10-8-2010).
Từ những sự việc trên, có thể thấy :

- Ông K. đã dùng thủ đoạn gian dối, cấu kết với bà Ng. và đút lót cán bộ Ngân hàng để lấy giấy tờ nhà của tôi một cách bất hợp pháp. Vì :

o Thời điểm 3/12/2009, căn nhà của tôi đang thế chấp trong Ngân hàng, tôi là người ký hợp đồng thế chấp, trong hợp đồng ghi rõ là Ngân hàng có nghĩa vụ giữ giấy tờ nhà đồng thời phải và chỉ giao giấy tờ cho tôi.

o Vì tôi là người thế chấp nhà và bảo lãnh cho bà Ng., nên khi bà Ng. thanh lý hợp đồng trước thời hạn thì bà Ng. và Ngân hàng phải báo cho tôi. Nhưng họ đã không hề nói gì với tôi.

o Ông K. không có quyền và cơ sở pháp lý gì để có thể lấy giấy tờ nhà của tôi từ Ngân hàng. Hơn nữa nếu có lấy thì ông K. cũng phải báo cho tôi biết.

- Sau đó, lợi dụng hợp đồng ủy quyền và giấy tờ nhà có được, ông K. đã tự ý bán nhà của tôi cho ông Qu.. Đồng thời chiếm đoạt toàn bộ số tiền bán nhà (ít nhất là 1,1 tỷ đồng – ghi trong hợp đồng). Hành vi này là hoàn toàn sai trái vì:

o Trong hợp đồng ủy quyền giữa tôi và ông K. không có điều khoản nào nói ông K. được quyền lấy tiền bán nhà .

o Điều 584 Bộ luật dân sự qui định : “Bên được ủy quyền phải thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó. Bên được ủy quyền phải giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền”. Ở đây, ông K. bán nhà không hề thông báo gì cho toy, cũng không giao lại cho tôi bất kỳ “lợi ích” nào – dù ông K. đã thu được số tiền rất lớn.

Qua các thủ đoạn và hành vi như trên, xem như ông K. đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền bán nhà – là tài sản của tôi, ít nhất 1,1 tỷ đồng. Không chỉ vậy, ông K. còn đẩy tôi vào tình cảnh bị mất nhà.

Tôi cho rằng hành vi của ông K. có dấu hiệu phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - qui định tại Điều 139 Bộ luật hình sự. Theo đó, người nào có “thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng” thì phạm tội này.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nay tôi có đơn này tố cáo ông Phan K. Kính đề nghị Quí cơ quan giải quyết cho yêu cầu sau đây:

- Xác minh và khởi tố vụ án hình sự để điều tra, đưa ra truy tố ông Phan K. về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Buộc ông An phải trả lại nhà cho tôi.

- Ra quyết định ngăn chặn việc ông Qu. hoàn tất thủ tục mua bán nhà - trong khi chờ giải quyết vụ việc.

Tôi cam kết toàn bộ nội dung đã trình bày trên là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều trình bày trên.

Kính mong được xem xét và giải quyết. Xin chân thành cảm ơn.

                                                                                           Kính đơn (ký tên)

Đính kèm đơn tố cáo:

 - CMND, hộ khẩu..
 - Hợp đồng ủy quyền số xxx ngày 13-8-2009
 - Hợp đồng tín dụng số xxx.
 - Hợp đồng thế chấp tài sản số xxx.
 - Công văn 369/TNMT ngày xxx của Phòng TNMT Quận 10.
 - Hợp đồng mua bán nhà số xxx ngày 4-12-2009.

----------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Sự việc trong lá đơn trên là một câu chuyện có thật. Có thể thấy bà B., người đứng đơn tố cáo là nạn nhân của hành vi gian dối ( tạm gọi là vậy) nhằm mục đích chiếm giữ (tạm gọi là vậy) bất hợp pháp tài sản của ông K. Ông K. Thực chất là người chuyên cho vay lãi nặng. Như vậy, việc bà B làm đơn tố cáo là quyền và cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

2. Qua câu chuyện, có thể thấy những người cho vay lãi nặng có sự tính toán, cẩn trọng về mặt pháp lý – bằng cách tạo ra những giao dịch giả nhưng lại thể hiện bằng hình thức và nội dung hợp pháp. Chính vì vậy, việc “lật mặt” và xử lý những người này thường rất khó, vì không có đủ bằng chứng.

3. Qua các tình tiết trong đơn, có thể thấy luôn có mối quan hệ khá chặt chẽ giữa những người cho vay lãi nặng và cán bộ ngân hàng. Rõ ràng, nếu không có sự “tiếp tay” từ ngân hàng thì cũng rất khó (hay chính xác hơn là không thể) để cho ông K. lấy được giấy tờ nhà ra khỏi ngân hàng mà không cần có sự đồng ý của bà B.

4. Ở đây, mục đích của bà B. Không phải là muốn ông K. Phải vào tù. Mà là đòi lại tài sản của mình. (Tất nhiên, để đòi tài sản, bà B. Có nghĩa vụ phải trả ông K. Số tiền mà mình đã vay mượn, gồm cả tiền lãi).Như vậy, việc Tòa án thụ lý vụ kiện là xem như đã đạt yêu cầu bước đầu.

5. Khi bà B. lần đầu liên hệ với chúng tôi, tình cảnh khá bế tắc : toàn bộ giấy tờ tùy thân (CMND, hộ khẩu) ông K. đều nắm giữ, không biết tình trạng pháp lý căn nhà của mình ra sao, trong khi có người tới đòi “đuổi” ra khỏi nhà (vì nhà đã bán)và vẫn đang đinh ninh mình còn nợ ông K. hàng tỷ đồng, gồm tiền lãi ...

( Đang tiếp tục cập nhật, vui lòng chờ)


Mẫu văn bản Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Mẫu văn bản” để thao khảo thêm về những mẫu đơn từ/văn bản … mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực  Đơn từ - Tranh chấp dân sự 

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn