Monday, August 4, 2014

Đơn yêu cầu chia tài sản chung (chia di sản thừa kế)

Nhu cầu về việc giải quyết chia di sản thừa kế hầu như đều “tiềm ẩn” trong mỗi gia đình. Theo qui định của pháp luật, thời gian để khởi kiện về chia di sản thừa kế là 10 năm kể từ ngày mở di sản thừa kế. Nếu quá thời gian này thì không thể khởi kiện được nữa. Trong trường hợp này, “yêu cầu chia tài sản chung” là giải pháp duy nhất mà quí vị có thể vận dụng để nhận phần di sản thừa kế của mình.

Gia đình truyền thống người Việt gồm 3 thế hệ (ảnh minh họa)



Dưới đây là một mẫu đơn yêu cầu chia tài sản chung mà công ty luật Ecolaw đã tư vấn cho khách hàng và đạt kết quả tốt.

----------------------------------------------------------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

TP.HCM, ngày 15 tháng 05 năm 2009

ĐƠN YÊU CẦU
(V/v: giải quyết việc phân chia tài sản chung )

Kính gửi:         TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nguyên đơn: LÊ NGỌC LÊ, sinh: 1940.
Ngụ tại: ,Quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
CMND số: xxx cấp ngày yyy tại công an TPHCM.

Nay tôi làm đơn này khởi kiện:

Bị đơn: PHAN TUY QUANG, sinh 1965.
Ngụ tại : , Quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Những người liên quan:

1. Phan A, sinh 1964.
Ngụ tại: ,Quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
2. Phan B, sinh 1968.
Thường trú tại: ,Cali, Mỹ.
3. Phan C, sinh 1970.
Ngụ tại : ,huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Vì trong thời gian gần đây, ông Phan A có những hành động nhằm chiếm dụng căn nhà XXX, Quận 5 - là tài sản chung của chúng tôi. Qua đó, kính đề nghị Quí Tòa xem xét và giải quyết việc chia tài sản chung là căn nhà XXX theo quy định của pháp luật.

Sự việc như sau :

Vợ chồng tôi là Lê Ngọc Lê - Phan Khi. Trong quá trình chung sống chúng tôi có gầy dựng được tài sản là căn nhà XXX, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Vợ chồng chúng tôi có 5 người con :

- Phan V., sinh 1961 (chết năm 1987, không chồng, con).
- Phan Tuy Quang, sinh 1965.
- Phan A, sinh 1964.
- Phan B, sinh 1968 (hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ).
- Phan C, sinh 1970.

Năm 1995, chồng tôi ( Phan Khi) qua đời, không để lại di chúc.

Năm 2005, tôi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Ngày 15-10-2005, UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số KKK. Trong giấy ghi tên người sở hữu là hai vợ chồng tôi : Phan Khi – Lê Ngọc Lê.

Trong căn nhà này hiện có tôi cùng các con là Phan Tuy Quang, Phan A cư ngụ.

Nhiều năm qua, vì tuổi đã cao, lại không có nghề nghiệp hay thu nhập nào khác nên tôi cho thuê tầng trệt căn nhà XXX để có tiền sinh sống.

Gần đây, con trai tôi là Phan Tuy Quang có nhiều hành động thể hiện ý định chiếm dụng căn nhà XXX, ngăn cản việc tôi cho thuê nhà. Cụ thể: anh Quang đã tự ý đập cửa khu vực phòng riêng của tôi, việc này căng thẳng đến mức phải nhờ tới UBND Phường giải quyết. Phường có lập Biên bản hoà giải mâu thuẫn gia đình ngày 17-01-2009.

Không những thế, anh Quang còn khóa cửa tầng trệt, ngăn cản không cho những người thuê nhà vào làm việc ... Hành động của anh Quang đã làm cho những người đang thuê nhà phải hủy hợp đồng và buộc tôi phải bồi thường hợp đồng cho họ mất 7 triệu đồng.

Vì tình cảm giữa mẹ con giữa tôi và anh Quang bị giảm sút nghiêm trọng, khó có thể tiếp tục chung sống được. Do vậy, đầu tháng 3-2009 tôi đã có “Thư thông báo” gửi đến các con, đề nghị cả gia đình họp mặt để thống nhất về việc chia tài sản chung là di sản thừa kế của chồng, cha theo đúng pháp luật. Tuy nhiên các con tôi đã không đến họp mặt đủ, ngoại trừ Phan A.

Bản thân tôi nay tuổi đã cao, lại không có nguồn thu nhập nào để sinh sống ngoài việc cho thuê nhà. Vậy mà anh Quang lại ngăn cản, thậm chí có ý định chiếm đoạt căn nhà XXX. Việc làm của anh Quang là trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng tài sản của tôi, gây cho tôi nhiều thiệt hại, khó khăn trong cuộc sống. Do vậy tôi muốn chia khối tài sản chung là căn nhà XXX.

Tôi có tìm hiểu và được biết theo quy định của pháp luật thì trong khối tài sản chung này có ½ căn nhà là di sản thừa kế do chồng tôi là ông Phan Khi để lại. Những người ở hàng thừa kế thứ nhất gồm có : cha mẹ ông Khi, tôi (vợ) và các con.

Hiện nay, cha ông mẹ ông Khi đã qua đời từ những năm 1960, có giấy chứng tử. Như vậy, theo qui định, những người được hưởng di sản thừa kế của ông Khi chỉ còn lại tôi (vợ) và các con tôi

Về giá trị, căn nhà XXX hiện nay có giá trị trường khoảng 3 tỷ đồng.

Do vậy, nay tôi làm đơn này, kính đề nghị Quí Tòa xem xét, giải quyết giúp tôi việc “chia tài sản chung” là căn nhà XXX theo qui định của pháp luật về thừa kế. ( Vì theo hướng dẫn của tòa thì thời hiệu khởi kiện để chia di sản thừa kế trong trường hợp này đã hết, nên đây là trường hợp “chia tài sản chung” theo Nghị quyết 02/2004 của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao ). Cụ thể :

- Giải quyết cho tôi được hưởng ½ căn nhà XXX – là phần tài sản của tôi trong khối tài sản chung của vợ chồng tôi. (Trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng).

- Giải quyết chia ½ giá trị căn nhà còn lại - là phần tài sản của chồng tôi (di sản thừa kế) cho tôi và 4 người con có tên trên theo qui định của pháp luật, mỗi người 1/5 kỷ phần. (Mỗi kỷ phần trị giá khoảng 300 triệu đồng).

- Về hướng giải quyết : tôi xin được nhận căn nhà và thanh toán phần giá trị di sản thừa kế cho các con.

Kính đề nghị Quí tòa xem xét, giải quyết. Xin chân thành cám ơn.
                                                   Người làm đơn

                                                   Lê Ngọc Lê

Đính kèm:

- Biên bản họp giải quyết mâu thuẫn gia đình tại Phường ngày 17-1-2008.
- Giấy chứng nhận QSHN căn nhà XXX.
- CMND, Hộ khẩu Lê Ngọc Lê.
- 5 bản Trích lục bộ khai sanh 5 người con.
- Giấy chứng tử Phan Khi, Phan V. và cha mẹ chồng.
- Giấy hôn thú Khi – Lê

--------------------------------------------------------

Bài liên quan :

* Chia di sản của mẹ khi đã hết thời hiệu khởi kiện

-----------------------------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Theo qui định tại Bộ luật dân sự, thời hiệu khởi kiện để chia di sản thừa kế là 10 năm kể từ ngày mở thừa kế (người có tài sản qua đời). Sau 10 năm, trong trường hợp các bên không có tranh chấp với nha và di sản chưa chia thì các đương sự có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết “chia tài sản chung” – chính là khối di sản chưa chia.

2. Qui định về việc ‘chia tài sản chung” thực chất là một qui định có tính sáng tạo của Tòa án nhân dân tối cao, nhằm “gỡ rối” có các trường hợp người có tài sản đã chết trên 10 năm nhưng tài sản (đã trở thành di sản) của họ chưa được phân chia cho những người thừa kế - vốn là một thực tế khá phổ biến tại Việt Nam.

3. Thực trạng này cũng cho thấy qui định về thời hiệu khởi kiện di sản thừa kế như hiện nay (10 năm) là khá ngắn, chưa phù hợp. Nhiều ý kiến đã đề nghị nâng thời hiệu này lên là 30 năm.

4. Điều kiện tiên quyết để tòa thụ lý giải quyết các vụ “chia tài sản chung” là giữa các đương sự không có tranh chấp về tài sản. Mà chỉ là do tài sản chưa chia. Cách diễn giải như vậy về mặt khoa học pháp lý thì không ổn lắm, vì lẽ nếu đã không có tranh chấp thì cũng chẳng cần đưa ra tòa án làm gì nữa, mà các bên có thể tự chia bằng cách làm thủ tục kê khai di sản thừa kế. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng là phải diễn đạt trong Đơn yêu cầu sao đó để thuyết phục được tòa án là không có tranh chấp giữa các đương sự.

5. Mẫu đơn trong bài viết này dựa vào một vụ việc có thật mà công ty luật hợp danh Ecolaw đã nhận làm cho khách hàng của mình. Vụ việc đã được tòa án giải quyết xong, tài sản đã được chia đúng theo yêu cầu của nguyên đơn ghi trong Đơn yêu cầu.

6. Thông thường, Đơn yêu cầu chỉ cần nộp tại Tòa án cấp quận, huyện để giải quyết sơ thẩm. Tuy nhiên, vì trong vụ án này có yếu tố nước ngoài (ông Phan B là việt kiều Mỹ), do vậy, tòa án cấp tỉnh, thành phố sẽ là nơi giải quyết sơ thẩm – theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự.

7. Ngoài bị đơn (người bị kiện), do các người con của bà Lê Ngọc Lê đều được hưởng thừa kế theo qui định của pháp luật, do vậy phải đưa những người này tham gia vào vụ kiện với tư cách là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”.

8. Để đạt hiệu quả, Quí vị nhớ đính kèm đầy đủ các tài liệu, giấy tờ liên quan và ghi rõ yêu cầu của mình một cách thật cụ thể ở phần cuối đơn nhé.

9. Các tình huống cụ thể về chia tài sản chung Quí vị cũng có thể tìm đọc thêm ở nhiều mục khác trên blog này.