(Ecolaw.vn) - Mối quan hệ pháp luật giữa doanh nghiệp (người sử dụng lao động) và người lao động được điều chỉnh bởi Bộ luật lao động, trong đó có qui định về Hợp đồng lao động. Về nguyên tắc, hợp đồng lao động có thể chấm dứt khi hai bên cùng thỏa thuận, hoặc một trong hai bên vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bên kia. Việc một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không có lý do chính đáng là trái pháp luật. Trong trường hợp này, bên bị chấm dứt có quyền khởi kiện ra tòa, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Dưới đây là một đơn kiện về trường hợp người lao động bị doanh nghiệp buộc thôi việc trái pháp luật mà chúng tôi đã soạn thảo giúp khách hàng của mình.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Tp.HCM, ngày 25 tháng 10 năm 2011
ĐƠN KHỞI KIỆN
(V/v: Bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật)
Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN I
Nguyên đơn: HOÀNG PHẠM, sinh: 1977.
Địa chỉ : xxx , Quận 11, TP. Hồ Chí Minh.
CMND số: xxx cấp ngày xxx tại Công an Tp.HCM.
Điện thoại: xxx.
Theo hướng dẫn của Phòng LĐTBXH Quận 1, nay tôi làm đơn này khởi kiện đối với:
Bị đơn: CÔNG TY TNHH YYY
Trụ sở: yyy, Phường Cầu Kho, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh.
Điện thoại: (08) yyy
Đại diện: Ông yyy - Giám đốc công ty.
Vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với tôi trái pháp luật và không thanh toán khoản tiền thưởng doanh số, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi.
Sự việc như sau:
Theo thông báo tuyển dụng của công ty YYY, ngày 10-03-2011, tôi vào thử việc tại công ty, vị trí là nhân viên kinh doanh.
Sau 2 tháng thử việc, công ty chính thức nhận tôi vào làm, lương 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên công ty không ký hợp đồng lao động. Theo quy định của pháp luật, nếu sau khi hết thời gian thử việc mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì đương nhiên đã trở thành lao động chính thức. Như vậy, tôi đã là nhân viên chính thức của công ty kể từ ngày 11-5-2011.
Hàng tháng, tôi đều lãnh lương mức 5 triệu đồng/tháng. Công ty có trừ thuế thu nhập cá nhân của tôi.
Ngày 12-7-2011, chị Th. (vợ giám đốc công ty) nói rằng do tôi quen bạn trai cùng làm việc tại công ty, nên công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với tôi. Đến ngày 29-7-2011, chị Th. nhắn qua điện thoại nói tôi không cần vào công ty làm việc nữa (?!).
Ngày 01-08-2011, khi tôi đến công ty làm việc thì bị ngăn cản không cho vào. Bàn làm việc của tôi có người khác ngồi. Khi tôi hỏi lý do thì công ty không giải thích, mà chỉ nói sẽ giao quyết định thôi việc cho tôi.
Ngày 2-8-2011, tôi gửi email cho Giám đốc đề nghị nêu lý do buộc tôi thôi việc. Nhưng công ty không trả lời.
Trong thời gian tôi làm việc tại công ty, ngoài tiền lương căn bản, công ty còn có chế độ thưởng doanh số (thưởng theo kết quả bán hàng) cho nhân viên bán hàng.
Vào thời điểm tháng 3, 4/2011, khi tôi mới vào làm, công ty qui định mức thưởng doanh số là: từ 0,5% trở lên đối với khách hàng cũ và 3% trở lên đối với khách hàng mới - do nhân viên tìm kiếm được.
Từ tháng 5/2011, công ty áp dụng chính sách thưởng mới, thể hiện tại bảng “CÁCH TÍNH TIỀN THƯỞNG DOANH SỐ” phát cho mọi người. Theo đó, mức thưởng doanh số sẽ áp dụng từ 3% trở lên đối với khách hàng cũ, 5% -7% trở lên đối với khách hàng mới. Công ty thanh toán tiền thưởng sau khi khách hàng thanh toán tiền mua hàng.
Để thực hiện trả thưởng, cuối mỗi tháng Phòng hỗ trợ bán hàng sẽ gửi bảng “Báo cáo doanh số” của từng cá nhân, trong đó công ty tự tính số tiền thưởng dự kiến áp dụng theo từng hợp đồng cho từng nhân viên bán hàng trong tháng. Khi phát lương, Phòng Kế toán in ra “Phiếu chi tiết tiền lương” phát cho từng người, trong đó kê rõ tiền lương chính thức (“lương trong giờ”), tiền thưởng doanh số (“lương ngoài giờ” ) và trừ thuế thu nhập cá nhân.
Trong tháng 4-2011, tôi bán được 10 đơn hàng, tháng 5/2011, tôi bán được 15 đơn hàng , tháng 6 & 7/2011 tôi bán được ngày càng nhiều hơn (Xem bảng bán hàng T4, T5/2011 – do Phòng kinh doanh cung cấp).
Căn cứ vào các số liệu do Bộ phận hỗ trợ bán hàng cung cấp, thì số tiền thưởng doanh số mà công ty chưa thanh toán cho tôi tới nay là 53 triệu đồng. Thế nhưng, khi công ty buộc tôi thôi việc như đã nói trên, công ty vẫn chưa thanh toán tiền thưởng doanh số cho tôi.
Với sự việc như trên, tôi cho rằng công ty đã có hai vi phạm sau đây:
1. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với tôi. Và,
2. Chưa thanh toán đủ các khoản tiền thưởng doanh số bán hàng cho tôi.
Do vậy tôi đã gửi Đơn khiếu nại lên Phòng LĐTBXH Quận 1.
Ngày 15-9-2011, Phòng LĐTBXH Quận I mời tôi và công ty làm việc. Tuy nhiên buổi hòa giải không thành. Qua đó, Phòng LĐTBXH Quận 1 hướng dẫn tôi làm đơn khởi kiện ra Tòa án. Do vậy, nay tôi làm đơn này, kính đề nghị Quí tòa xem xét, giải quyết cho 2 yêu cầu của tôi như sau:
1. Buộc công ty YYY phải bồi thường vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật với tôi:
- Tiền lương từ tháng 8/2011 tới ngày giải quyết xong vụ việc (tạm tính đến tháng 12-2011 là 5 tháng).
- Tiền bồi thường (2 tháng lương) : 10 triệu đồng.
2. Buộc công ty YYY phải thanh toán cho tôi khoản tiền thưởng doanh số như đã cam kết là 53 triệu đồng.
Tổng cộng công ty phải thanh toán cho tôi: 83.000.000 đồng.
Kính đề nghị Quí Tòa xem xét, giải quyết giúp tôi. Xin chân thành cám ơn.
Kính đơn (ký, ghi họ tên)
Đính kèm:
- Biên bản hòa giải không thành tại Phòng LĐTBXH Quận 1.
- Bảng “Cách tính tiền thưởng doanh số” của công ty YYY.
- Bảng kê các hợp đồng tôi đã bán cho khách hàng.
- Phiếu chi tiết tiền lương tháng 6,7-2011 của tôi.
- Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu (bản sao).
Bài liên quan:
• Hợp đồng lao động
-------------------------
Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:
1. Quan hệ giữa Người sử dụng lao động và Người lao động thực chất không phải là mối quan hệ đối kháng với nhau. Sẽ thật tốt đẹp, nếu doanh nghiệp và người lao động có chung quyền lợi, hòa hợp và hợp tác bền chặt với nhau. Tuy nhiên, có không ít những trường hợp mà mối quan hệ giữa hai bên trở nên mâu thuẫn, căng thẳng. Trong những tình huống như vậy, phải dựa trên nguyên tắc ai đúng – ai sai để giải quyết. Điều này được qui định trong Bộ luật lao động và những văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Nói chung, cả hai bên đều cần tìm hiểu về pháp luật lao động - để biết và quyền và nghĩa vụ của mỗi bên và nhất thiết phải tuân thủ những điều được ghi nhận trong Hợp đồng lao động. Nếu bên nào không tuân thủ tức là có dấu hiệu vi phạm hợp đồng, có thể làm ảnh hưởng (thậm chí ở mức độ nghiêm trọng) đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia. Trong trường hợp cụ thể ở trên, doanh nghiệp đã tự ý chấm dứt hợp đồng mà không có lý do xác đáng, người lao động không có lỗi gì tự nhiên bị buộc thôi việc, mất chỗ làm.
3. Do vậy, người lao động có quyền và nên nhờ pháp luật giải quyết để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, con đường tranh chấp, kiện tụng không nên là lựa chọn đầu tiên – vì sẽ kéo dài và đôi khi rất khó khăn, tốn kém. Trước đó, người lao động nên có văn bản khiếu nại, đề nghị doanh nghiệp giải quyết hoặc nhờ Cơ quan quản lý nhà nước (Phòng LĐTBXH quận/huyện) hòa giải. Chỉ nên kiện khi mọi nỗ lực hòa giải đều không đạt được kết quả.
4. Hiện nay (11-2011), đang có ý kiến đề nghị sửa đổi Bộ luật lao động, phần về hợp đồng lao động – theo hướng nếu bên nào vi phạm hợp đồng thì còn phải bị chế tài - “phạt”, để qua đó có tính răn đe, hạn chế việc các bên vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho bên kia. Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm này.
5. Khi có những tranh chấp về hợp đồng lao động theo dạng kể trên, đương sự (cả hai bên) nên nhờ đến ý kiến tư vấn của luật sư – để được nghe phân tích đánh giá đúng/sai, hướng dẫn thủ tục, cách thức khởi kiện …vv – điều này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, cũng như có được những lý lẽ, bằng chứng phù hợp nhất – giúp cơ hội thắng kiện cao hơn.
Mẫu văn bản Ecolaw là
tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng
như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm
trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị
có thể click vào menu “Mẫu văn bản” để thao khảo thêm về những
mẫu đơn từ/văn bản … mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực Đơn từ - Tranh chấp dân sự
|
CÔNG
TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận
10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com -
website: www.ecolaw.vn
|