Monday, August 4, 2014

Giấy chứng nhận người bào chữa

Giấy chứng nhận người bào chữa là văn bản tố tụng do cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát và tòa án) cấp cho luật sư – khi người luật sư tham gia vào một vụ án hình sự. Theo qui định tại Bộ luật tố tụng hình sự, luật sư được quyền tham gia vào vụ án hình sự kể từ khi khởi tố vụ án hoặc đương sự bị “bắt tạm giam”. Để hợp thức hóa và chính thức công nhận tư cách tố tụng của người luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét và cấp “Giấy chứng nhận người bào chữa” cho luật sư.

(ảnh minh họa)

Cập nhật 2016: Theo quy định tại luật tố tụng hình sự mới được sửa đổi (2016), đã bỏ quy định cấp chứng nhận người bào chữa và thay bằng thủ tục “đăng ký bào chữa” (Điều 78). Thủ tục này nhằm đơn giản hóa thủ tục xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa, tạo điều kiện cho họ thực hiện việc bào chữa, tránh việc phải có “giấy phép con” của cơ quan tố tụng thì luật sư mới được tham gia bào chữa. 

Như vậy, bài viết này sẽ chỉ còn ý nghĩa "lịch sử" và "tham khảo".
...............

Dưới đây là một Giấy chứng nhận người bào chữa trong một vụ án hình sự do Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM cấp cho luật sư.





 -----------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Tùy theo thời điểm luật sư tham gia vào vụ án hình sự, mà nơi cấp Giấy chứng nhận người bào chữa sẽ khác nhau. Chẳng hạn nếu luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra, thì Cơ quan điều tra của công an sẽ cấp Giấy chứng nhận bào chữa. Nếu luật sư tham gia khi hồ sơ vụ án đã chuyển lên tòa án, sắp đưa ra xét xử, thì Tòa án sẽ là nơi cấp Giấy chứng nhận bào chữa.

2. Thông thường, ngoài các vụ án mà luật sư tham gia do sự chỉ định của đoàn luật sư ( gọi là “luật sư chỉ định”, trong các vụ án mà bị can, bị cáo là người vị thành niên hoặc bị truy tố về tội danh có mức hình phạt chung thân/tử hình), thì luật sư tham gia vào vụ án hình sự theo yêu cầu (lời mời/thuê) của bị can, bị cáo hoặc thân nhân của họ. Gọi là “luật sư yêu cầu”.

3. Nếu bị can, bị cáo đang tại ngoại thì việc mời luật sư là thuận lợi, dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bị can, bị cáo đang bị bắt tạm giam thì việc mời luật sư sẽ thực sự rất khó khăn. Nhiều nơi, cơ quan công an cố tình không muốn luật sư tham gia vào vụ án trong giai đoạn điều tra, nên thường “bắt” bị can, bị cáo ghi trong Bản khai theo kiểu như “tôi đã nghe giải thích về quyền mời luật sư. Và tôi cam kết không muốn mời luật sư”. ( Điều nay là hết sức vô lý. Vì có khác nào bị bệnh mà lại nói “tôi không muốn có bác sĩ). Khi thân nhân bị can bị cáo mời luật sư thì cán bộ điều tra nói “để phải vào hỏi xem ý của bị can, bị cáo có muốn mời hay không đã”. Chính vì vậy, trên báo chí vẫn hay phản ánh việc luật sư bị “làm khó” trong quá trình tham gia tố tụng – nhất là giai đoạn điều tra.

4. Thực ra, nếu loại hẳn yếu tố tiêu cực, chạy án – thì việc bị can bị cáo mời luật sư bào chữa cho mình là tuyệt đối cần thiết, nên làm. Vì lẽ theo qui định của pháp luật, tòa chỉ “xử” dựa trên chứng cứ kết tội và gỡ tội. Việc kết tội do cơ quan công tố (Viện kiểm sát) thực hiện. Còn việc gỡ tội là do tự thân bị cáo phải lo liệu hoặc nhờ luật sư. Thông thường, việc “tự bào chữa” là rất khó khăn, hạn chế vì quá nhiều lý do. Chẳng hạn: bị can, bị cáo không nắm vững luật, lại không được nghiên cứu, xem xét hồ sơ vụ án - thì biết gì/làm sao mà tự bào chữa ?

---------------------------------

Bài liên quan:

• Người bào chữa


Mẫu văn bản Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Mẫu văn bản” để thao khảo thêm về những mẫu đơn từ/văn bản … mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực  “Hành chính – Tố tụng”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn