Monday, August 4, 2014

Biên nhận (nhận đơn khởi kiện) của tòa án

Biên nhận nhận đơn khởi kiện của Tòa án là một “tờ giấy nhỏ” nhưng quan trọng, xác định tòa án đã nhận đơn kiện của nguyên đơn, sẽ xem xét và trả lời cho đương sự biết là tòa có thụ lý đơn kiện hay không.

Dưới đây là một Biên nhận của TAND Quận 1 TP.HCM, về việc nhận đơn khởi kiện trong một vụ tranh chấp lao động.





-------------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Để có được Biên nhận nhận đơn khởi kiện, tất nhiên trước đó người khởi kiện (nguyên đơn) phải nộp đơn đến bộ phận nhận đơnh của Tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế không phải tòa án nào cũng chịu ghi Biên nhận cho người gửi đơn, mặc dù điều này mang tính nguyên tắc và gần như là chuyện hiển nhiên. Lý do thì nhiều khi cán bộ tòa án nói rất ngang như “tòa án ở đây không ghi biên nhận. Nếu không đồng ý thì đừng nộp đơn”. Thực chất thì những tòa như vậy/hoặc cán bộ tòa như vậy không muốn để lại “bằng chứng” về việc mình đã nhận đơn kiện, để có “cơ sở” né tránh hoặc kéo dài thời hạn giải quyết (thụ lý) đơn kiện.

2. Vô phúc đáo tụng đình, một khi đã vướng vào vòng kiện tụng thì việc nộp đơn kiện là cửa ải đầu tiên. Mặc dù luật qui định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện toà án phải xem xét và tiến hành thủ tục thụ lý vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện - nếu xét thấy vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Tuy nhiên trên thực tế nhiều tòa cứ hẹn tới hẹn lui, mỗi lần cách nhau trung bình khoảng 1 tuần. Chẳng hạn như ngay tại thời điểm viết bài này (ngày 1-11-2011), Văn phòng chúng tôi có một khách hàng nộp đơn khởi kiện một vụ án ly hôn tại TAND TP.HCM, cũng được cấp biên nhận hẹn 1 tuần trả lời. Nhưng tới nay đã tái hẹn tới lần thứ 3 (tức 1 tháng đã trôi qua) mà vẫn chưa trả lời có thụ lý hay không.

3. Cũng cần phải biết là không hề đơn giản để có được tờ Biên nhận nhận đơn khởi kiện như nói ở trên. Khi nộp đơn, thông thường cán bộ tòa sẽ “săm soi” rất kỹ, nhiều cán bộ thiếu lương tâm, đạo đức còn tìm mọi cách để “né” nhận đơn, để nạt nộ, dè bỉu. Chẳng hạn hỏi “ai làm đơn này?”. Nếu nói là “do luật sư làm” thì : ” luật sư gì mà dốt vậy, không biết làm đơn”. Hoặc (cũng có tòa) bắt đương sự phải mua tờ đơn mẫu do tòa bán để đương sự điền vào (mặc dù là một mẫu đơn rất khô cứng, khó viết) … Tuy nhiên, bất luận thế nào thì người nộp đơn cũng không nên căng thẳng cãi cọ làm gì (vô ích) với cán bộ tòa. Tốt nhất là nên nhớ câu “qua sông phải lụy đò”. Hãy chấp nhận tất cả để đạt mục đích là gửi được đơn vào tòa án. Vì muốn kiện, mà tòa không thụ lý đơn thì làm sao mà kiện.

4. Thông tin thêm: cá nhân tôi đã từng có những vụ kiện (của khách hàng) mà thời gian từ khi nộp đơn đến khi tòa thụ lý là cả năm trời. Thôi thì đủ lý do trời ơi đất hỡi được đưa ra. Chẳng hạn như vợ nộp đơn ly hôn thì tòa bắt phải có Giấy chứng minh nhân dân của chồng (trong khi ông chồng đã không còn chung sống, không còn nhìn mặt thì làm sao có được giấy chứng minh nhân dân của ổng?). Hay như tòa bắt phải có Giấy xác nhận của công an nơi bị đơn cứ trú xác nhận “bị đơn đang cư trú tại địa phương” …- là những điều kiện và thủ tục không hề được qui định ở đâu.

5. Sau khi nộp đơn, tòa sẽ hẹn để trả lời về việc có thụ lý đơn kiện hay không. Nếu thụ lý thì tòa sẽ hướng dẫn đương sự đóng tạm ứng án phí. Còn nếu không thụ lý thì tòa sẽ trả lại đơn kiện. Toà án trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau: Thời hiệu khởi kiện đã hết; Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tòa án cũng có thể sẽ yêu cầu người khởi kiện biết để họ sửa đổi, bổ sung đơn kiện nếu thấy còn thiếu nội dung, có điểm chưa rõ …

6. Trong trường hợp nếu đơn kiện bị trả, nếu thấy rằng việc trả là không hợp lý thì người nộp đơn có quyền khiếu nại lên Chánh án Toà án đã trả lại đơn khởi kiện. Trên thực tế, có khá nhiều trường hợp dù tòa trả đơn, nhưng sau khi khiếu nại thì tòa đã nhận đơn.