Friday, August 22, 2014

Nhà “lấn” trên đất người khác bị chủ mới kiện


Hỏi : Tôi có một số vấn đề kính nhờ luật sư tư vấn như sau:

Năm 2006, tôi và ông N. có mua đất của bà B.. Đất tôi và đất ông N. giáp ranh nhau. Sau đó ông N. (là thầu xây dựng ) đã nhận thầu xây cất căn nhà của tôi. Khi thi công thì phần móng (dưới đất ) và phần máng xoáy (trên không gian ) của nhà tôi đã lấn sang đất của ông N. khoảng 5 tấc.

Lúc đó vợ chồng tôi đã lên tiếng với ông N., nhưng lúc đó ông N. bảo rằng: ” Đây là đất của ổng, sau này ổng về cất nhà, anh em ở gần không có ảnh hưởng gì “. Ông N. đã tình nguyện và chính bàn tay ổng thi công những phần đó trên đất ổng, nên vợ chồng tôi không có làm giấy tờ gì về phần này và đồng ý cho ông N. tiếp tục thi công và căn nhà tôi đã được xây dựng hoàn chỉnh, ở ổn định cho đến cuối năm 2009 không có tranh chấp gì.


Cuối năm 2009, ông N. chuyển nhượng phần đất của ổng cho hộ bà K. Khi mua bán ông N. che giấu sự thật, không nói rõ phần đó cho hộ bà K. biết. Còn bà K. thì không tìm hiểu kỹ trước khi mua. Bởi thực trạng căn nhà tôi đã có sẵn từ trước khi mua bán, ở ổn định không có tranh chấp gì. Khi mua bán 2 bên cũng không có yêu cầu vợ chồng tôi ký tên phía người giáp ranh.

Đầu năm 2010, bà K. về tiến hành xây cất. Dựa vào tấm sổ đỏ bà đã yêu cầu vợ chồng tôi phải đập phần móng và máng như đã nói trên. Vợ chồng tôi đã giải thích rõ ràng nhưng hộ bà K. vẫn buộc tôi phải đập, tôi không đồng ý. Bà K. đã kiện tôi lên tòa án nhân dân huyện C. ( Long An) từ tháng 03-2010 nhưng đến nay tòa vẫn chưa thụ lý hồ sơ.

Trong thời gian chờ đợi tòa giải quyết thì bà K. vẫn ngang nhiên tiến hành xây cất, đã làm phần móng đè chồng lên phần móng của nhà tôi. Tôi đã yêu cầu bà K. chừa những phần hiện trạng đang tranh chấp lại chờ tòa giải quyết, nhưng hộ bà K. vẫn tiếp tục thi công. Tôi đã gởi 2 lá đơn ra UBND xã yêu cầu can thiệp nhưng chính quyền xã không có biện pháp can thiệp nào.

Tôi đã trực tiếp ra gặp ông Chủ tịch và ông bí thư xã, thì 2 ông bảo rằng :” Sổ đỏ của bả thì bả làm, khi nào tòa xử bả thua thì bả đập “. Còn phía bà K. thì vẫn tiến hành xây cất đến nay căn nhà đã gần hoàn chỉnh ( chỉ chừa chổ phần máng xoáy lại thôi). Trong khi căn nhà tôi đang ngày một ảnh hưởng do đè chồng phần móng ( tường nứt , hở laphong…) vợ chồng tôi vô cùng bức xúc.

( Xin nói thêm: khi hòa giải ở chính quyền xã tôi có yêu cầu là tôi sẽ trả tiền phần đất (đã lấn) lại cho ông N. Còn ông N. phải trừ phần đất đó ra cho bà K., bởi việc mua bán của 2 người là mới xảy ra sau này còn căn nhà tôi đã có sẵn và ở ổn định từ trước. Nhưng 2 bên kia đã không đồng ý ,vì sổ đỏ của bà K. đã hình thành rồi).

Tôi rất mong quý Luật Sư tư vấn giúp tôi các câu hỏi sau:

- Chính quyền địa phương giải quyết như vậy là có đúng không ?

- Vấn đề cấp sổ đỏ cho bà K. như vậy là có đúng luật không ?

- Trong khi còn đang tranh chấp, chưa có sự quyết định của tòa mà căn nhà bà K. vẫn xây cất thì theo pháp luật sẽ như thế nào ?

- Tòa sẽ xử lý vấn đề ông N. ra sao ?

Xin chân thành cảm ơn ( Nguyen Quoc Ph.)

Luật sư Võ Đình Khinh trả lời:

Điều đầu tiên mà chúng tôi muốn nói là sự việc của anh đang do Tòa án giải quyết (dù hiện nay chưa thụ lý thì cũng sẽ thụ lý, vì đất đã có sổ đỏ (Giấy CNQSDĐ) và tranh chấp liên quan đến tài sản (nhà) – là những điều kiện để tòa án thụ lý giải quyết). Kết quả giải quyết của tòa án (thể hiện tại Bản án) sẽ xác định ai thắng, ai thua – cũng là ai đúng, ai sai.

Qua thông tin anh cung cấp, có thể thấy bản thân anh cũng đã thừa nhận nhà của mình lấn trên đất ông N.. Tuy anh có nói lý do là “do ông N.”, nhưng dù sao đi nữa việc này cũng không đúng và anh phải là người chịu trách nhiệm cao nhất với tư cách là chủ công trình “xây lấn” này. Hay nói cách khác, anh là người bất lợi trong vụ tranh chấp này.

Sau đây là phần trả lời từng câu hỏi nhỏ của anh:

1. Chính quyền địa phương (UBND cấp xã) không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản (mà chỉ tổ chức hòa giải). Nếu không hòa giải được tại địa phương thì sẽ đề nghị các bên chuyển tới tòa án. Do vậy, ở đây không có đúng hay sai. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc cán bộ xã không mời các bên lên hòa giải, lại nói theo kiểu “trớt hướt” như vậy là không đúng. Lẽ ra xã phải động viên bà K. đình chỉ việc thi công, chờ tòa án giải quyết. ( Nhưng cũng cần phải nói luôn là việc này nói thì dễ nhưng làm thì không dễ. Phải là ông cán bộ “dám làm, dám chịu”. Vì một công trình đang thi công mà bị đình chỉ sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng …).

2. Bà K. được cấp sổ đỏ là từ việc mua bán (chuyển nhượng) ngay tình với ông N. Do vậy, nếu ông N. từ trước đã được cấp, không ai (kể cả anh) có ý kiến gì thì nay bà K. được “tiếp quản” giấy đỏ này – với diện tích như cũ – là không có gì sai. Tuy nhiên, lẽ ra khi bà K. mua đất của ông N. hai bên phải xuống kiểm tra, đo đạc lại ( nếu lúc này ông N. chưa có sổ đỏ thì bắt buộc phải đo vẽ lại). Phần ông N. cũng phải nói rõ thực trạng đất của mình đang bị “lấn” một phần. Theo qui định, người bán (ông N.) có nghĩa vụ phải cung cấp đầy đủ và trung thực tất cả các thông tin về lô đất mà mình chuyển nhượng. Ở đây, mọi chuyện “đã rồi”, nên nếu có gì sai sót thì cũng chỉ có thể sửa chữa lại bằng cách tòa án sẽ xem xét rồi “phán” về việc này. Chứ không có khả năng thu hồi lại giấy đỏ của bà K.

3. Nếu việc xây cất của bà K. là sai (không có giấy phép) thì các cơ quan hành chính như UBND xã, Phòng Địa chính huyện … có quyền ra quyết định đình chỉ thi công. Việc này anh phải gửi đơn tố cáo và khiếu nại tới các cơ quan này. Còn nếu bà K. xây dựng có giấy phép thì chỉ có tòa án mới có thẩm quyền ra quyết định dừng thi công trong một quyết định gọi là “quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể thực hiện sau khi Tòa đã chính thức thụ lý vụ kiện và anh có đơn yêu cầu (anh xem thêm phần ‘các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ án dân sự” – trong mục Cẩm nang pháp luật).

Về nguyên tắc, bà K. phải hoàn toàn gánh chịu mọi hậu quả từ hành vi xây dựng của mình. Nếu sau này bà K. thắng kiện thì cũng phải thỏa thuận đền bù cho anh những thiệt hại (nếu có – như nứt tường, hở trần … ) do việc xây cất của mình gây nên. Anh có quyền yêu cầu tòa giải quyết việc này (cần liệt kê cụ thể, ghi rõ giá trị thiệt hại).

4. Trong vụ án này, ông N. sẽ tham gia với tư cách là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Như đã nói ở trên, ông N. cũng có phần có lỗi trong việc không cung cấp đầy đủ thông tin cho bà K. (và cả anh) khi bán đất. Tuy nhiên, lỗi này là nhỏ và thực chất cũng không làm thay đổi được bản chất sự việc (về diện tích đất). Do vậy, Tòa cũng sẽ không đưa ra những phán quyết theo hướng nặng nề đối với ông N.

Qua những điều trình bày trên, chúng tôi cho rằng tranh chấp ngày hôm nay chính là hậu quả của việc gia đình anh đã dễ dãi, xuê xoa ngày trước. Đây cũng là bài học kinh nghiệm chung cho tất cả mọi người. Do vậy, phía anh cũng không nên quá căng thẳng, bức xúc mà nên đi theo hướng giải quyết thỏa thuận hòa giải với nhau. Vì về lâu dài, anh và bà K. sẽ là láng giềng của nhau. Chúc anh và gia đình mọi sự tốt đẹp.  www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn