TỐ NGA giới thiệu
(Ecolaw.vn) – Thông tin trong bài viết này cần thiết cho cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài có kế hoạch đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Qui định chung
Cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài (sau đây gọi chung là Nhà đầu tư nước ngoài) lần đầu đầu tư vào Việt Nam tùy qui mô vốn và lĩnh vực hoạt động, có thể phải có “Dự án đầu tư” và làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Dự án đầu tư phải được đăng ký hoặc thẩm tra - phụ thuộc vào 2 yếu tố là : qui mô vốn đầu tư và lĩnh vực kinh doanh.
Cụ thể:
- Nếu vốn đầu tư dưới 300 tỷ đồng và không thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư nước ngoài cần phải đăng ký dự án đầu tư.
- Nếu vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng thì dự án đầu tư phải được thẩm tra.
- Không phụ thuộc vào vốn, nếu thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì dự án phải được thẩm tra. (Quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP).
Vốn đầu tư có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ hoặc các tài sản hợp pháp khác.
Các hình thức kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam :
- Thành lập công ty 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, như: công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân.
- Hợp tác với doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam.
- Liên doanh với nhà đầu tư trong nước để đầu tư thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh.
- Ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với một hoặc nhiều nhà đầu tư trong nước.
- Góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp để tham gia quản lý hoạt động công ty.
Lưu ý: Trong một số ngành nghề kinh doanh đặc biệt, tỷ lệ vốn góp trong công ty của nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài không thể tự mình thành lập công ty mà phải liên doanh với nhà đầu tư trong nước khác. Qúi vị có thể tham khảo tỷ lệ vốn góp và lộ trình gở bỏ được qui định cụ thể tại Hiệp định WTO - Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS)
Đăng ký đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Hồ sơ gồm:
- Văn bản đăng ký đầu tư (theo mẫu);
- Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh;
- Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư (do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm).
Nếu dự án đầu tư gắn với việc thành lập công ty, thì phải nộp kèm theo:
- Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ đăng ký.
- Hợp đồng liên doanh (nếu là liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài).
Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ.
Thẩm tra đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư (theo mẫu);
- Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư: bản sao quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác đối với nhà đầu tư là tổ chức; bản sao hộ chiếu hoặc CMND đối với nhà đầu tư là cá nhân;
- Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư (do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm);
- Giải trình kinh tế - kỹ thuật bao gồm các nội dung chủ yếu: mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư; tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất; giải pháp về công nghệ và giải pháp về môi trường;
- Hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu là đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh).
Nếu muốn đồng thời đăng ký thành lập tổ chức kinh doanh, phải nộp kèm theo:
- Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình công ty thành lập;
- Hợp đồng liên doanh (nếu là liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài).
Thẩm tra đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư dưới 300 tỷ đồng Việt Nam và thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Hồ sơ gồm:
- Các văn bản như trong trường hợp đăng ký dự án đầu tư.
- Giải trình khả năng đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Thẩm tra đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên và thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Hồ sơ gồm:
- Hồ sơ như trong trường hợp dự án quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện (nói trên);
- Bản giải trình khả năng đáp ứng điều kiện tham gia thị trường quy định đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Hồ sơ dự án phải đầy đủ nội dung cần thiết và đáp ứng được yêu cầu sau::
- Sự phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng - kỹ thuật; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác.
- Nhu cầu sử dụng đất: diện tích đất, loại đất và tiến độ sử dụng đất;
- Tiến độ thực hiện dự án: tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và tiến độ thực hiện các mục tiêu của dự án;
- Giải pháp về môi trường: đánh giá các yếu tố tác động đến môi trường và giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật về môi trường.
- Các điều kiện theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ :
- Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh - nếu dự án có lĩnh vực kinh doanh thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Số lượng: 8 bộ, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc.
- Ban Quản lý – nếu thuộc thẩm quyền của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Số lượng: 4 bộ, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc.
- Đối với dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn chưa được quy định thuộc quản lý hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì hồ sơ nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư đó.
Các dự án do UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư:
- Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, bao gồm cả dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đối với những địa phương chưa thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.
Các dự án do Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đầu tư gồm:
- Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, bao gồm cả các dự án đầu tư đã đượcThủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư:
a) Các dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn, quy mô đầu tư trong những lĩnh vực sau:
- Xây dựng và kinh doanh cảng hàng không; vận tải hàng không;
- Xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia;
- Thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; thăm dò, khai thác khoáng sản;
- Phát thanh, truyền hình;
- Kinh doanh casino;
- Sản xuất thuốc lá điếu;
- Thành lập cơ sở đào tạo đại học;
- Thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
b) Dự án đầu tư không thuộc trường hợp a nói trên, không phân biệt nguồn vốn và có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng Việt Nam trở lên trong những lĩnh vực sau:
- Kinh doanh điện; chế biến khoáng sản; luyện kim;
- Xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa;
- Sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
c) Dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sau:
- Kinh doanh vận tải biển;
- Thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát, viễn thông và internet; thiết lập mạng truyền dẫn phát sóng;
- In ấn, phát hành báo chí; xuất bản;
- Thành lập cơ sở nghiên cứu khoa học độc lập.
Nội dung Giấy chứng nhận đầu tư
Gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Tên, địa chỉ của nhà đầu tư;
- Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; nhu cầu diện tích đất sử dụng;
- Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư;
- Tổng vốn đầu tư;
- Thời hạn thực hiện dự án;
- Tiến độ thực hiện dự án đầu tư;
- Xác nhận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư (nếu có).
Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh –trường hợp dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế.
Khi có sự thay đổi dự án đầu tư liên quan đến mục tiêu, quy mô, địa điểm, hình thức, vốn và thời hạn thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo qui định.
-----------------------------------------------------------
Văn bản tham khảo:
- Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.