Luật sư TRẦN HỒNG PHONG giới thiệu
(Ecolaw.vn) - Nghị định 43/2010 (hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp) qui định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh và huyện. Cơ quan này còn có tên là “Cơ quan đăng ký kinh doanh”.
Cơ quan đăng ký kinh doanh chia theo 2 cấp : tỉnh và huyện:
Cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan do Nhà nước thành lập, có chức năng và nhiệm vụ chính là tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.
Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở 2 cấp: Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) và Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện). Cụ thể :
- Ở cấp tỉnh: có tên gọi là “Phòng Đăng ký kinh doanh” thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư ( gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh). Chính phủ qui định riêng tại TP. Hà Nội và TP.HCM có thể thành lập thêm một hoặc hai Phòng ĐKKD.
- Ở cấp huyện: cũng có tên gọi là “Phòng Đăng ký kinh doanh” – nhưng chỉ thành lập tại các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có số lượng hộ kinh doanh và hợp tác xã đăng ký thành lập mới hàng năm trung bình từ 500 trở lên trong hai năm gần nhất.
Trường hợp không thành lập Phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện thì UBND cấp huyện giao Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đăng ký/cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hình thức “Hộ kinh doanh” - quy định tại Điều 11 Nghị định 43/2010.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh
1. Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; thực hiện việc chuyển đổi dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về đăng ký kinh doanh tại địa phương sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương cho UBND cấp tỉnh, Cục thuế địa phương, các cơ quan có liên quan, cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
3. Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 163 Luật Doanh nghiệp; đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo hàng năm của doanh nghiệp.
4. Trực tiếp kiểm tra hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh; hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
5. Yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trong các trường hợp quy định tại Điều 59 Nghị định 43/2010.
7. Đăng ký cho các loại hình khác theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh/phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện
1. Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
2. Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin về hộ kinh doanh hoạt động trên phạm vi địa bàn; định kỳ báo cáo UBND cấp huyện, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cơ quan thuế cấp huyện về hộ kinh doanh trên địa bàn.
3. Trực tiếp kiểm tra hộ kinh doanh theo nội dung trong hồ sơ đăng ký trên phạm vi địa bàn; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp; xác minh nội dung đăng ký doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trên phạm vi địa bàn theo yêu cầu của Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.
4. Yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo tình hình kinh doanh khi cần thiết.
5. Yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện hộ kinh doanh không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp quy định tại Điều 61 Nghị định 43/2010.
7. Đăng ký cho các loại hình khác theo quy định của pháp luật.
Quang cảnh tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM (ảnh minh họa)