Hỏi: Gửi Luật sư tư vấn Ecolaw, tôi có câu hỏi xin Luật sư tư vấn giúp: Công ty TNHH SX và TM S có trụ sở ở thành phố H. Khi xin thuê đất để xây dựng nhà xưởng tại tỉnh HY, tỉnh HY chỉ chấp thuận cho thuê đất 50 năm khi mở công ty tại địa phương. Do vậy Công ty TNHH SX và TM S đã thành lập một công ty con là Công ty TNHH MTV K.
Bây giờ công ty TNHH MTV K đã sản xuất và xuất khẩu hàng, trong khi công ty TNHH SX và TM S hiện tại kinh doanh kém không có doanh thu. Nay chúng tôi muốn sáp nhập công ty TNHH SX và TM S vào Công ty TNHH MTV K. Do muốn duy trì bạn hàng của công ty K. Xin hỏi như vậy có được không? Thủ tục phải làm thế nào? Rất mong luật sư tư vấn giúp, chúng tôi xin chân thành cảm ơn. (Ho. In.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Theo thông tin của anh, có thể thấy công ty con của công ty S ( là công ty K) được thành lập từ 100% vốn của công ty mẹ ( công ty TNHH một thành viên). Như vậy, về nguyên tắc công ty mẹ có thể hoàn toàn tự quyết số phận của công ty con. Trong đó, bao gồm cả việc sáp nhập công ty con vào công ty mẹ. ( Luật doanh nghiệp không có qui định nào nói cấm công ty con sáp nhập vào công ty mẹ).
Tuy nhiên, đó là nói theo lối thông thường. Còn ở đây, công ty K, tuy là công ty con của công ty S, là một pháp nhân độc lập, hạch toán độc lập – lại có một tài sản là quyền sử dụng đất thuê 50 năm tại tỉnh HY. Tức là, nói ngược lại, tỉnh HY đang có hợp đồng cho thuê đất với công ty K. Nay, nếu công ty K sáp nhập vào công ty S, thì mặc dù theo qui định của pháp luật/lý thuyết, công ty S sẽ kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của công ty K – bao gồm cả quyền thuê đất – nhưng sẽ dẫn đến tình trạng không còn công ty K trên đời nữa. Tức là khi đó, chủ thể trong hợp đồng thuê đất, chủ thể trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ bị khuyết. Cần phải làm thủ tục bổ sung chủ thể mới/thay thế vào chỗ khuyết này.
Và như vậy, việc sáp nhập công ty ở đây, khác với các trường hợp thông thường, còn có liên quan đến việc phải làm thủ tục điều chỉnh/sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất thuê). Việc này về mặt lý thuyết thì không có gì sai, cũng không bị cấm đoán. Nhưng tôi hình dung sẽ khá phức tạp trên thực tế. Vì việc chuyển tên người thuê đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bắt buộc phải được sự đồng ý, chấp thuận của “chủ đất”. Ở đây cần hiểu là UBND tỉnh HY, đại diện cho Nhà nước. (Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý). Thủ tục cụ thể như thế nào thiết nghĩ phải “lao vào cuộc”, từng bước thực hiện, vướng đâu gỡ đó. Chứ lúc này cũng khó mà hình dung hết được. Bản thân tôi cũng chưa từng gặp trường hợp như anh hỏi thế này.
Về thủ tục sáp nhập công ty, câu hỏi của anh trùng với một câu hỏi mà chúng tôi đã trả lời trong chuyên mục này. Do vậy, anh vui lòng tham khảo câu hỏi có liên quan dẫn ở phía cuối bài viết này. Chúng tôi cũng đăng lại điều 153 Luật doanh nghiệp qui định về sáp nhập doanh nghiệp.
Nói tóm lại, trong khuôn khổ một câu hỏi – đáp thế này, chúng tôi không có điều kiện ( và nghĩa vụ) để có thể tìm hiểu và hướng dẫn công ty anh một cách cụ thể, chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng kế hoạch sáp nhập mà công ty anh dự định tiến hành là phù hợp với qui định của pháp luật và có thể thực hiện được. Trước mắt, công ty anh cần liên hệ với Sở KHĐT, UBND tỉnh YH để được hướng dẫn, giải thích thêm.
Tôi nghĩ cũng không thừa, nếu công ty anh liên hệ và nhờ một văn phòng luật sư tại tỉnh HY tư vấn, hỗ trợ. Qua nghiên cứu hồ sơ đầy đủ, chắc chắn các luật sư sẽ có những ý kiến tư vấn, đóng góp thiết thực, hiệu quả.
Ngoài những điều trình bày ở trên, tôi mạo muội đóng góp thêm “giải pháp” thế này: Công ty K và công ty S thực ra cũng đều là của một ông chủ. Do vậy, với tình thế hiện nay, mình có thể suy nghĩ về khả năng giải thể hoặc, ngược lại, sáp nhập công ty mẹ vào công ty con. Trong trường hợp này, biết đâu sẽ dễ dàng hơn về thủ tục giấy tờ. Sau này, nếu vẫn muốn giữ tên công ty mẹ thì làm thủ tục đổi tên công ty con.
Chúc công ty anh mọi việc tốt đẹp. www.ecolaw.vn
----------------------------------------
Sáp nhập doanh nghiệp
1. Một hoặc một số công ty cùng loại (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
2. Thủ tục sáp nhập công ty được quy định như sau:
a) Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập;
b) Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký kinh doanh công ty nhận sáp nhập theo quy định của Luật này. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo hợp đồng sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua;
c) Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.
3. Trường hợp sáp nhập mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại điện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác.
Cấm các trường hợp sáp nhập các công ty mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác.
(Điều 153 Luật doanh nghiệp)
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương
mại – Doanh nghiệp”
|
CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23
Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn
|