Rượu là một loại hàng hóa đặc biệt. Việc sản xuất và kinh doanh rượu chỉ được thực hiện khi có giấy phép. Rượu mua bán trên thị trường bắt buộc phải có nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng ... Bài viết này cũng giới thiệu về điều kiện được cấp phép kinh doanh rượu, rượu nhập khẩu ...
Vang Đà lạt là một nhãn rượu nho thành công ở Việt Nam (ảnh minh họa)
Nguyên tắc quản lý sản xuất & kinh doanh rượu
Rượu thuộc nhóm hàng hoá nhà nước hạn chế kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng.Nhà nước hạn chế sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu thuốc ngoài việc thực hiện các quy định của Nghị định này phải thực hiện các quy định khác liên quan của Bộ Y tế.
Phần 1 : SẢN XUẤT RƯỢU
Điều kiện cấp Giấy phép sản xuất rượu
Muốn sản xuất rượu, doanh nghiệp phải được cấp “Giấy phép sản xuất rượu”. Điều kiện để được xem xét cấp Giấy phép sản xuất rượu gồm:
• Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề “sản xuất rượu”.
• Việc sản xuất rượu phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát được phê duyệt.
• Có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm rượu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
• Đảm bảo các điều kiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
• Có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu sản phẩm rượu tại Việt Nam.
• Có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.
• Người tham gia trực tiếp sản xuất rượu phải đảm bảo sức khoẻ, không mắc bệnh truyền nhiễm.
Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu.
Doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động sản xuất, kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy phép.
Lưu ý : Giấy phép sản xuất rượu sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau:
• Doanh nghiệp tự đề nghị hoặc bị giải thể, phá sản.
• Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
• Không đáp ứng đủ các điều kiện quy định.
• Không triển khai hoạt động sau 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép sản xuất mà không có lý do chính đáng được cấp có thẩm quyền xác nhận;
Tiêu chuẩn chất lượng rượu
• Rượu là sản phẩm hàng hóa bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn chất lượng.
• Trình tự, thủ tục xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.
• Khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế về rượu.
• Tổ chức, cá nhân đại diện làng nghề sản xuất rượu phải công bố tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng rượu của làng nghề.
• Tiêu chuẩn chất lượng của rượu xuất khẩu thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu.
Nhãn sản phẩm rượu
• Sản phẩm rượu chỉ được tiêu thụ tại Việt Nam khi có nhãn hàng hoá đã được đăng ký.
• Sản phẩm rượu tiêu thụ tại Việt Nam phải thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa thực phẩm.
• Đối với rượu sản xuất để xuất khẩu thì thực hiện ghi nhãn theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Tem rượu sản xuất trong nước và rượu nhập khẩu
• Sản phẩm rượu nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải được dán tem nhập khẩu trên bao bì theo quy định của Bộ Tài chính.
• Bộ Tài chính quy định việc in, ban hành tem và quản lý sử dụng tem sản phẩm rượu nhập khẩu.
• Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng lộ trình dán tem rượu sản xuất trong nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
• Sản phẩm rượu sản xuất để xuất khẩu, chào hàng, triển lãm ở nước ngoài thực hiện dán tem theo quy định của nước nhập khẩu.
Trách nhiệm cung cấp thông tin về sản phẩm rượu
• Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu có trách nhiệm cung cấp thông tin về sản phẩm rượu của mình theo yêu cầu của các cơ quan chức năng và trên phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin về sản phẩm rượu phải nêu rõ thành phần, hàm lượng, tác hại của việc lạm dụng rượu.
• Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể trách nhiệm cung cấp thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng đối với sản phẩm rượu.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất rượu
• Đào tạo nhân viên về an toàn phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
• Tuân thủ chặt chẽ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa.
• Thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin về sản phẩm rượu theo đúng hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
• Tổ chức việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ 12 tháng 1 lần cho nhân viên trực tiếp sản xuất rượu, đảm bảo không mắc bệnh truyền nhiễm.
• Được tổ chức hệ thống phân phối theo đúng quy định mà không phải đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh bán buôn, bán lẻ.
Sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công tham gia làng nghề sản xuất rượu nếu thuộc địa phận có làng nghề.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải đăng ký kinh doanh ngành, nghề sản xuất rượu theo quy định về đăng ký kinh doanh.
Điều kiện cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công:
• Có đăng ký kinh doanh ngành, nghề sản xuất rượu thủ công;
• Đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn hàng hoá sản phẩm rượu.
Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp và thu hồi Giấy phép sản xuất rượu thủ công.
Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công có các quyền và nghĩa vụ sau:
• Được tham gia hiệp hội làng nghề sản xuất rượu nếu thuộc địa phận có làng nghề;
• Phải đăng ký kinh doanh theo quy định và đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công.
• Chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn hàng hoá sản phẩm rượu theo quy định.
Sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng
- Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích tự tiêu dùng không được bán trên thị trường.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất rượu, về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm rượu do mình sản xuất.
------------------------------------
Phần 2 : KINH DOANH RƯỢU
Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh rượu
Doanh nghiệp kinh doanh rượu phải được cấp Giấy phép kinh doanh rượu.
Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh bán buôn hoặc đại lý bán buôn rượu gồm:
• Thương nhân là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có đăng ký kinh doanh hoạt động mua bán rượu;
• Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị do Bộ Công Thương quy định;
• Có kho dự trữ hàng, đáp ứng các yêu cầu về bảo quản chất lượng rượu, bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy, nổ;
• Có hệ thống phân phối.
Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hoặc đại lý bán lẻ rượu gồm:
• Thương nhân có đăng ký kinh doanh hoạt động mua bán rượu;
• Cơ sở kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu về bảo quản chất lượng rượu và phòng, chống cháy, nổ.
Thương nhân chỉ được quyền hoạt động kinh doanh rượu kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh bán buôn, đại lý bán buôn hoặc Giấy phép kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ rượu.
Thương nhân có Giấy phép sản xuất rượu được tổ chức hệ thống phân phối sản phẩm của mình sản xuất mà không phải đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu.
Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh rượu
- Mua rượu có nguồn gốc hợp pháp.
- Tổ chức lưu thông, tiêu thụ rượu trên thị trường theo Giấy phép kinh doanh rượu được cấp.
- Chỉ được bán buôn rượu cho các thương nhân có Giấy phép kinh doanh rượu.
- Tổ chức các cửa hàng bán lẻ cho người tiêu dùng. Không được bán rượu cho người dưới 18 tuổi.
- Phải niêm yết bản sao hợp lệ Giấy phép kinh doanh rượu và chủng loại, giá cả các loại rượu đang có bán tại tất cả các địa điểm kinh doanh của thương nhân.
- Chấp hành chế độ hoá đơn chứng từ, sổ sách kế toán và báo cáo định kỳ tình hình kinh doanh cho cơ quan quản lý nhà nước đã cấp Giấy phép kinh doanh rượu cho thương nhân theo đúng quy định của pháp luật.
Nhập khẩu rượu
Rượu nhập khẩu bao gồm rượu thành phẩm đóng chai, hộp, thùng... để tiêu thụ ngay và rượu dưới dạng nước cốt và phụ liệu dùng để pha chế thành rượu thành phẩm tại Việt Nam.
Rượu nhập khẩu phải có chứng từ nhập khẩu hợp pháp theo quy định hiện hành và dán tem rượu nhập khẩu do Bộ Tài chính phát hành.
Rượu nhập khẩu phải ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu hoặc Giấy phép kinh doanh bán buôn rượu mới được nhập khẩu trực tiếp, uỷ thác nhập khẩu rượu và phải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm.
Đối với sản phẩm rượu lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam, trước khi làm thủ tục nhập khẩu, nhà nhập khẩu phải phải có giấy xác nhận đã kiểm tra mẫu đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thương nhân nhập khẩu rượu ở dạng nước nước cốt rượu và phụ liệu dùng để pha chế thành rượu thành phẩm chỉ được bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu.
Rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế.
Quyền và nghĩa vụ của thương nhân nhập khẩu rượu
- Tổ chức hệ thống phân phối rượu do mình trực tiếp nhập khẩu hoặc bán cho thương nhân có Giấy phép kinh doanh bán buôn, đại lý bán buôn rượu.
- Báo cáo tổng hợp tình hình nhập khẩu, phân phối và tiêu thụ rượu theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
* Các hành vi bị cấm trong sản xuất & kinh doanh rượu
- Sản xuất, kinh doanh rượu không có Giấy phép.
- Sản xuất, mua bán, tiêu thụ sản phẩm rượu nhập lậu, rượu giả, rượu nhái nhãn mác, kiểu dáng, không đảm bảo chất lượng theo các quy định của pháp luật.
- Lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm không ghi nhãn bao bì, không đăng ký chất lượng sản phẩm, rượu nhập khẩu không dán tem theo quy định của pháp luật.
- Kinh doanh rượu không đúng địa điểm, nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh rượu được cấp.
- Giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, mua bán Giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu.
- Kinh doanh rượu tại các địa điểm cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Bán lẻ rượu bằng máy bán hàng tự động.
- Bán rượu cho người dưới 18 tuổi.
- Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.
- Tài trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động chăm sóc sức khỏe và các hoạt động xã hội khác có gắn với việc quảng cáo các sản phẩm rượu.
- Dùng rượu làm giải thưởng cho các cuộc thi, trừ các cuộc thi về rượu.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu không báo cáo hoặc báo cáo không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(Theo Nghị định 40/2008)
Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của
công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham
khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp
quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu
“Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc nội
dung pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý
: bài viết trên thuộc lĩnh vực : Thương mại – Doanh nghiệp
|
CÔNG
TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận
10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com -
website: www.ecolaw.vn
|