Monday, July 28, 2014

Qui định về việc yêu cầu Báo cải chính khi viết bài sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín cá nhân

Luật sư Trần Hồng Phong

Tại Việt Nam, báo chí là cơ quan ngôn luận của các tổ chức chính trị, xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Trên thực tế, có không ít trường hợp vì những lý do khách quan và chủ quan, những thông tin (bài viết) trên báo có thể không đúng sự thật, thậm chí có nội dung vu khống, xúc phạm đến danh dự, uy tín của công dân. Trong những trường hợp như vậy, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí đăng lời cải chính, xin lỗi. Không chỉ vậy, công dân còn có quyền khởi kiện báo ra tòa, yêu cầu xin lỗi và bồi thường thiệt hại.

Báo đăng tin sai thì phải đính chính, xin lỗi (ảnh minh họa)

Luật báo chí có qui định về việc “cải chính trên báo chí”. Theo đó, khi báo chí thông tin (đăng bài hoặc phát sóng) có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân thì phải cải chính và xin lỗi hoặc đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân.

Trong trường hợp báo chí không cải chính hoặc cải chính không thỏa đáng; không đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân mà không có lý do chính đáng thì công dân có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí hoặc yêu cầu Toà án xét xử.

Có 3 trường hợp cơ quan báo chí phải thực hiện việc cải chính. Cụ thể như sau:

1. Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản kết luận nội dung thông tin trên báo chí là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Trong trường hợp này, cơ quan báo chí phải đăng, phát nguyên văn văn bản kết luận đó cùng với lời xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả.

Ví dụ : Báo L. đang bài “ Ông A âm mưu chiếm đoạt 25 tỷ đồng của Nhà nước”. Vì cho rằng báo L đăng bài sai sự thật, xúc phạm đến uy tín của mình, ông A đã làm đơn kiện báo L ra tòa, yêu cầu báo l phải đăng lời cải chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Tòa án nhân dân TP.HCM đã xử (phúc thẩm) và kết luận báo đã đăng sai sự thật, do vậy phải đăng bài cải chính trên báo.

Ở đây, Tòa án TP.HCM chính là “ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” và báo L phải đăng nguyên văn kết luận của Tòa án như nêu trong bản án cùng lời xin lỗi của mình.

2. Cơ quan báo chí, tác giả tự phát hiện nội dung thông tin trên báo chí, tác phẩm của mình có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân

Trong trường hợp này, cơ quan báo chí, tác giả phải cải chính, xin lỗi trên báo chí của mình đồng thời phải gửi văn bản cải chính, xin lỗi đến tổ chức, cá nhân đó.

Ví dụ : báo T đăng bài có tiêu đề “Thủ môn Đội tuyển Việt Nam Dương Hồn Sông bị mất hộ chiếu”. Sau đó báo tự phát hiện mình đã đăng sai tên của thủ môn – tên đúng là Dương Hồng Sơn. Trong trường hợp này, báo T phải chủ động đăng lời đính chính trên báo, đồng thời phải gửi thư xin lỗi thủ môn Dương Hồng Sơn.

3. Báo nhận được văn bản khiếu nại của tổ chức, cá nhân cho rằng những nội dung đề cập trên báo là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến họ

Ví dụ : cũng trường hợp ông A ở ví dụ trên. Nhưng thay vì khởi kiện ra Tòa, ông A gửi đơn khiếu nại đến báo L., yêu cầu báo phải đăng bài cải chính, xin lỗi.

Sau khi báo L nhận được đơn khiếu nại của ông A, có 2 khả năng có thể xảy ra như sau :

1. Báo đăng lời phát biểu của người khiếu nại

Báo L xác định rằng mình đã đăng bài sai sự thật, khiếu nại của ông A là đúng. Trong trường hợp này, báo có thể chủ động đăng lời khiếu nại của ông A trên mặt báo – xem như là một hình thức tự giác cải chính, xin lỗi.

2. Báo có quyền thông tin tiếp nhưng không quá 3 lần:

Nếu báo L. không đồng ý với việc khiếu nại của ông A, cho rằng bài viết của mình là đúng thì báo có quyền thông tin ( đăng bài) tiếp để làm rõ quan điểm của mình.

Ví dụ : khi đó báo sẽ đăng bài tiếp theo, giải thích rõ hơn vì sao mình cho rằng ông A đã âm mưu chiếm đoạt của Nhà nước 25 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vì chắc chắn ông A sẽ tiếp tục khiếu nại, nên luật qui định sau tối đa là 3 lần đăng bài, đăng ý kiến của người khiếu nại và Báo mà vẫn không đạt được sự thống nhất giữa hai bên thì “cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quyền yêu cầu ngừng đăng, phát các thông tin của đương sự” – tức của người khiếu nại.

Trong trường hợp này, công dân có quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của báo L hoặc khởi kiện báo L. tại Tòa án. Nếu khởi kiện, đây xem như là một vụ kiện dân sự. Nguyên đơn là người khiếu nại, bị đơn là báo.

Lưu ý : Báo có quyền không đăng ý kiến khiếu nại của công dân nếu những ý kiến này có nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm đến uy tín, danh dự của cơ quan báo chí, tác giả.

Ví dụ : cũng trường hợp trên, ông A gửi thư đến “chửi” người phóng viên đã viết bài. Khi đó, báo có quyền không đăng lời “chửi” này. Trong trường hợp này Báo phải gửi văn bản báo cho ông L. nói rõ lý do.

Thể thức đăng bài cải chính, xin lỗi trên báo

Việc đăng bài cải chính, xin lỗi hoặc ý kiến khiếu nại của đương sự phải tuân theo những qui định bắt buộc như sau:

- Đăng đúng vị trí, chuyên mục mà báo chí đã đăng, phát thông tin trước đó.

- Lời phát biểu không được vượt quá diện tích, nội dung thông tin đã đăng.

Ví dụ : báo viết bài “Cây Tre” (có nội dung sai sự thật, bị khiếu nại) ở trang 2, mục “kinh tế” thì khi đăng bài cải chính cũng phải đăng ở trang 2, mục “kinh tế”, với số chữ không nhiều hơn số chữ của bài “Cây Tre” đã đăng.

- Thời điểm đăng bài đính chính, xin lỗi được tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cụ thể như sau :

- Trong vòng 5 ngày - đối với báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình.

- Trong vòng 10 ngày - đối với báo tuần và trong số ra gần nhất đối với tạp chí.

------------------------------------------------------

Thông tin thêm : 

* Những điều không được thông tin trên báo chí

1. Không được đăng, phát những tác phẩm báo chí, nghệ thuật, văn học, tài liệu trái pháp luật, có nội dung chống đối Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phá hoại khối đoàn kết toàn dân.

2. Không được miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn trong các tin, bài, hình ảnh về các vụ án và hành động tội ác. Không được đăng, phát tin, bài, hình ảnh, tranh, ảnh khỏa thân và có tính chất kích dâm, thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

3. Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án).

4. Không được đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu đến đời tư, công bố tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người viết thư, người nhận thư hoặc người chủ sở hữu hợp pháp tài liệu, bức thư đó. Đối với tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ tiêu cực, vi phạm pháp luật thì cơ quan báo chí thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này.

5. Không được đăng, phát tin, bài truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan. Đối với loại thông tin về những vấn đề khoa học mới chưa được kết luận, những chuyện thần bí thì cần có chú dẫn xuất xứ tư liệu (nguồn gốc tác phẩm, nơi công bố, thời gian).

6. Việc sử dụng các văn kiện của các cơ quan Đảng và Nhà nước, tài liệu của các tổ chức phải theo đúng những quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000. Đối với văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, cơ quan báo chí có quyền khai thác theo nguồn tin của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin đó.

                           (Theo Luật báo chí và Nghị định 51/2002)


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc nội dung pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý : bài viết trên thuộc lĩnh vực : Tố tụng dân sự - hình sự   

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn