Thursday, March 24, 2016

Đăng ký tên miền để bảo vệ thương hiệu


Nếu doanh nghiệp nào có ý định kinh doanh nghiêm túc, bền vững và/hoặc có ý định xây dựng thương hiệu, làm ăn với đối tác nước ngoài, xuất khẩu … thì việc đăng ký tên miền, bao gồm cả tên miền quốc tế là rất cần thiết và nên thực hiện ngay.


Tên miền (domain) và thương hiệu (tên doanh nghiệp hay sản phẩm hàng hóa, dịch vụ) là hai chuyện tưởng chừng khác nhau, nhưng thực ra có mối liên quan chặt chẽ.

Trong đó tên miền góp phần bảo vệ và khuếch trương, phát triển thương hiệu, cũng chính là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chiếm dụng và tranh chấp tên miền  

Tên miền là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng và vận hành một website trên mạng internet, cổng kết nối với khách hàng, giới thiệu về mình và sản phẩm, dịch vụ của mình ra toàn thế giới. Ngày nay, thật thiếu sót nếu một doanh nghiệp vẫn chưa có một website. Tức là chưa có một tên miền.

Có lẽ không có gì dễ bằng việc có một tên miền! Bạn chỉ cần đăng ký và nếu chưa có ai đăng ký tên miền ấy, thì nó sẽ là của bạn. Nguyên tắc là: ai đăng ký trước thì được.

Song cũng chính do sự quá dễ dàng như vậy, nên từ lâu xảy ra tình trạng mà trong pháp lý người ta gọi là “chiếm dụng tên miền”.

Chiếm dụng tên miền là việc cá nhân/tổ chức đăng ký trước tên miền trùng hoặc giống với tên của những thương hiệu, sản phẩm (thường là nổi tiếng) với ý đồ xấu, trong khi người đăng ký không có quyền sở hữu hay các quyền liên quan đối với các thương hiệu, sản phẩm đó.

VD: Iphone là một thương hiệu rất nổi tiếng của hãng Apple (Mỹ), nhưng một cá nhân ở VN đã đăng ký một tên miền là Iphone10.com (tên miền quốc tế) hay Iphone10.vn (tên miền Việt Nam) chẳng hạn. Tức là người này đã cố tình “ăn theo” sự nổi tiếng của thương hiệu Iphone.

Xét về mặt pháp luật, việc đăng ký một tên miền “ăn theo” như vậy không bị cấm đoán hay sai luật. Qua thực tiễn, người ta thấy động cơ chung của việc chiếm dụng tên miền là nhằm mục đích bán tên miền lại cho chủ sở hữu thương hiệu, hoặc thu hút lưu lượng truy cập đến trang web của mình, để chào bán những sản phẩm, dịch vụ thực chất không có liên quan đến tên miền đó. Ở Việt Nam, tình trạng này rất phổ biến.

Hành vi chiếm dụng tên miền như vậy sẽ làm phát sinh tranh chấp giữa chủ sở hữu thương hiệu và người đăng ký tên miền – gọi chung là tranh chấp tên miền.

Chẳng hạn như trong trường hợp trên, Apple chắc chắn sẽ gửi đơn khiếu nại hay thậm chí khởi kiện, yêu cầu người đã đăng ký chiếm dụng phải “trả lại” tên miền đó cho mình. Vì Apple không bao giờ chấp nhận tình trạng ăn theo như vậy, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của mình.

Nếu đơn kiện của Apple được đưa ra Trọng tài hay Tòa án (là những nơi có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tên miền), thì hầu như chắc chắn họ sẽ đòi lại được tên miền đó.

Phiền toái và bất lợi khi doanh nghiệp chậm chân  

Nhưng ví dụ ở trên là nói đến trường hợp Apple hay Iphone đều là những thương hiệu đã quá nổi tiếng. Thế mà họ vẫn phải mất thời gian và chi phí để theo đuổi một vụ kiện tụng.

Còn đối với những doanh nghiệp mới thành lập, còn nhỏ hay chưa nổi tiếng lắm, thì việc chậm chân trong việc đăng ký tên miền cho mình hoàn toàn có thể sẽ dẫn đến tình trạng không thể đòi lại được tên miền, hoặc phải chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn để mua lại tên miền của chính mình.

(Hay nói chính xác hơn là mất tên miền giống y chang như tên doanh nghiệp hay sản phẩm mà mình có quyền sở hữu hợp pháp).

Chẳng hạn AABB là một công ty chuyên sản xuất gạch men nhãn hiệu AABB và mới thành lập, chưa nổi tiếng lắm. Một cá nhân khác đã đăng ký tên miền AABB.vn. Trong trường hợp này, công ty AABB sẽ không thể nào xây dựng được một website có tên là AABB.vn – theo đúng tên doanh nghiệp và sản phẩm của mình nữa.

Còn nếu có tranh chấp và đưa ra tòa án, thì tòa án hầu như sẽ không chấp nhận yêu cầu của công ty AABB khi họ chưa nổi tiếng, chưa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương hiệu AABB.
Trong khi đó, Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia mà tình trạng chiếm dụng tên miền thuộc hàng top trên thế giới. Hiện có nhiều cá nhân đã đăng ký hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tên miền kiểu “chiếm dụng” như vậy.

Bản thân tôi, qua công việc nghề nghiệp của mình, đã trải qua và biết đến rất nhiều vụ tranh chấp về tên miền giữa doanh nghiệp và cá nhân đăng ký trước tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đã rất vất vả nhiêu khê, tốn kém thời gian và tiền bạc không hề nhỏ trong việc khiếu nại, kiện tụng đòi lại tên miền, chỉ vì chậm đăng ký. Mà khả năng đòi lại được tên miền cũng không chắc chắn chút nào.

-------------