MỤC LỤC
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Điều 3. Chính sách của Nhà nước
Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước
Điều 5. Cơ quan quản lý nhà nước
Điều 6. Những quy định cấm
Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
Chương II
BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT, TRÌNH DIỄN THỜI TRANG
Điều 8. Đối tượng biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang
Điều 9. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang
Điều 10. Thời hạn cấp phép và hiệu lực của giấy phép
Điều 11. Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam
Điều 12. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không bán vé, thu tiền
Điều 13. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang của lực lượng vũ trang
Điều 14. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang của cơ quan phát thanh, cơ quan truyền hình
Điều 15. Biểu diễn nghệ thuật quần chúng
Điều 16. Tổ chức các cuộc thi và liên hoan các loại hình nghệ thuật
Chương III
THI NGƯỜI ĐẸP VÀ NGƯỜI MẪU
Điều 17. Đối tượng tổ chức thi người đẹp và người mẫu
Điều 18. Tên gọi và số lượng các cuộc thi người đẹp trong nước
Điều 19. Điều kiện đối với thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu trong nước
Điều 20. Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp và người mẫu
Điều 21. Thủ tục cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu
Điều 22. Điều kiện và thủ tục cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế
Chương IV
LƯU HÀNH, KINH DOANH BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH CA MÚA NHẠC,
SÂN KHẤU; PHỔ BIẾN TÁC PHẨM
Điều 23. Bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
Điều 24. Thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
Điều 25. Thẩm quyền, thủ tục cấp nhãn kiểm soát bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
Điều 26. Lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
Điều 27. Phân phối bản ghi âm ca múa nhạc, sân khấu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài
Điều 28. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
Điều 29. Phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30. Hiệu lực thi hành
Điều 31. Trách nhiệm thi hành
-----------------------------------------------------------------
CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Số: 79/2012/NĐ-CP Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2012
NGHỊ ĐỊNH
Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang;
thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh
bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
_________
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu trên lãnh thổ Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài.
2. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia các hoạt động quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Biểu diễn nghệ thuật là trình diễn chương trình, tiết mục, vở diễn trực tiếp trước công chúng của người biểu diễn.
2. Loại hình nghệ thuật biểu diễn bao gồm: Tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối, bài chòi, kịch nói, kịch dân ca, kịch câm, nhạc kịch, giao hưởng, ca, múa, nhạc, ngâm thơ, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
3. Trình diễn thời trang là hoạt động nhằm giới thiệu các sản phẩm thời trang đến với công chúng qua sự trình diễn của người trình diễn thời trang.
4. Thi người đẹp là hoạt động văn hoá nhằm tuyển chọn người phụ nữ có đạo đức tốt, có hình thể cân đối, có khuôn mặt đẹp, hiểu biết về văn hoá, xã hội theo những tiêu chí nhất định để trao giải.
5. Thi người mẫu là hoạt động văn hóa nhằm tuyển chọn người mẫu nam hoặc nữ có hình thể đẹp đáp ứng những tiêu chí của cuộc thi đề ra.
Điều 3. Chính sách của Nhà nước
1. Nhà nước ban hành các chính sách sau đây:
a) Khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu theo quy định của pháp luật;
b) Đầu tư cho việc sưu tầm, nghiên cứu, giữ gìn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa nghệ thuật thế giới;
c) Tài trợ biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn;
d) Tài trợ, đặt hàng sáng tác, dàn dựng và biểu diễn tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, tác phẩm nghệ thuật phục vụ thiếu niên, nhi đồng;
đ) Đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật trẻ.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện các chính sách quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước
1. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
2. Quản lý công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
3. Quản lý hợp tác quốc tế về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
4. Cấp, thu hồi giấy phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu trên lãnh thổ Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài.
5. Thực hiện công tác khen thưởng đối với biểu diễn nghệ thuật, tổ chức liên hoan, hội thi về biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.
6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Điều 5. Cơ quan quản lý nhà nước
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu theo thẩm quyền.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu tại địa phương trong phạm vi, quyền hạn của mình.
Điều 6. Những quy định cấm
1. Vi phạm các quy định tại Điều 3 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ.
2. Đối với tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu:
a) Thay đổi nội dung, thêm động tác diễn xuất khác với nội dung đã được phép biểu diễn;
b) Quảng cáo mạo danh nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật; quảng cáo người biểu diễn không đúng nội dung đã được cấp phép;
c) Sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
d) Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn;
đ) Thực hiện hành vi thiếu văn hóa hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại;
e) Tổ chức biểu diễn cho người đã bị cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch cấm biểu diễn.
3. Đối với tổ chức, cá nhân lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu:
a) Thêm, bớt hình ảnh hoặc âm thanh làm thay đổi nội dung bản ghi âm, ghi hình đang được phép lưu hành;
b) Nhân bản bản ghi âm, ghi hình cấm lưu hành hoặc đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy;
c) Nhân bản bản ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền.
4. Phổ biến tác phẩm nghệ thuật có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc.
5. Vi phạm các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan.
Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
1. Trách nhiệm của chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu:
a) Không được phát hành vé quá số ghế hoặc quá sức chứa nơi tổ chức biểu diễn nhằm bảo đảm chất lượng chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu;
b) Bảo đảm âm thanh biểu diễn không vượt quá quy định về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép;
c) Bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ theo quy định;
d) Phải có nội quy, quy định niêm yết tại địa điểm;
đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương nơi tổ chức biểu diễn cho phép;
e) Phải đề nghị cấp giấy phép theo quy định (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định này).
2. Trách nhiệm của người tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu:
a) Thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình biểu diễn đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức biểu diễn trong thời hạn ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tổ chức;
b) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan;
c) Thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép được cấp và các quy định của pháp luật có liên quan;
d) Thực hiện đúng quy định của pháp luật ở nước sở tại và có văn bản báo cáo kết quả với cơ quan cấp giấy phép trong thời hạn 07 ngày sau khi về nước (đối với trường hợp ra nước ngoài tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu);
đ) Trao giải thưởng cho tập thể, cá nhân đạt giải ngay sau khi công bố kết quả cuộc thi.
3. Trách nhiệm của người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thí sinh thi người đẹp, người mẫu:
a) Chỉ được biểu diễn các bài hát, vở diễn đã được phép phổ biến; trình diễn các bộ sưu tập và thiết kế thời trang theo đúng nội dung giấy phép;
b) Đối với cá nhân là người Việt Nam dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế phải chấp hành quy định của Ban tổ chức cuộc thi và pháp luật nước sở tại.
4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu:
a) Chỉ được nhân bản bản ghi âm, ghi hình đã được cấp giấy phép phê duyệt nội dung;
b) Chỉ được bán, cho thuê bản ghi âm, ghi hình có dán nhãn kiểm soát theo quy định.
5. Thực hiện nộp thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.
Chương II
BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT, TRÌNH DIỄN THỜI TRANG
Điều 8. Đối tượng biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang
1. Đối tượng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang bao gồm:
a) Nhà hát; Đoàn nghệ thuật; Nhà Văn hóa; Trung tâm Văn hóa, Thể thao;
b) Nhà hát, đoàn nghệ thuật thuộc lực lượng vũ trang;
c) Doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang;
d) Hội Văn học, nghệ thuật; cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật;
đ) Cơ quan phát thanh, cơ quan truyền hình;
e) Chủ địa điểm, hộ kinh doanh tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang;
2. Đối tượng biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang
a) Cá nhân là người Việt Nam;
b) Cá nhân là người nước ngoài;
c) Cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Điều 9. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang
1. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại Việt Nam:
a) Thẩm quyền:
- Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho đối tượng quy định tại các Điểm a, b, d và đ Khoản 1 Điều 8 Nghị định này thuộc cơ quan Trung ương;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho đối tượng quy định tại các Điểm a, c, d, và đ Khoản 1 Điều 8 Nghị định này thuộc địa phương.
b) Thủ tục:
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ gồm:
- 01 đơn đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang (Mẫu số 01);
- 01 bản nội dung chương trình, tác giả, đạo diễn, người biểu diễn; danh mục bộ sưu tập và mẫu phác thảo thiết kế đối với trình diễn thời trang;
- 01 bản nhạc hoặc kịch bản đối với tác phẩm đề nghị công diễn lần đầu;
- 01 bản sao chứng thực quyết định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang (đối với chương trình có sự tham gia của tổ chức, cá nhân nước ngoài, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài);
- 01 văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi dự định tổ chức biểu diễn (đối với chương trình có sự tham gia của tổ chức nước ngoài);
- 01 bản sao chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có chức năng hoạt động văn hóa nghệ thuật.
2. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép cho đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này mời tổ chức, cá nhân nước ngoài, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang:
a) Thẩm quyền:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép cho đối tượng thuộc cơ quan Trung ương mời tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định này vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép cho đối tượng thuộc địa phương mời tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định này vào biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại địa phương;
- Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép cho đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này mời cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 8 Nghị định này vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.
b) Thủ tục:
Các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này mời tổ chức, cá nhân nước ngoài, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ gồm:
- 01 đơn đề nghị cấp phép vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang (Mẫu số 02);
- 01 bản gốc hoặc bản sao chứng thực giấy mời hoặc văn bản thỏa thuận với tổ chức nước ngoài (bản dịch tiếng Việt có chứng nhận của công ty dịch thuật);
- 01 bản sao chứng thực văn bản nhận xét của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại (đối với cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài);
- 01 bản sao chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có chức năng hoạt động văn hóa nghệ thuật.
3. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang:
a) Thẩm quyền:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép cho các đối tượng quy định tại các Điểm a, b, d và đ Khoản 1 Điều 8 Nghị định này thuộc cơ quan Trung ương;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép cho đối tượng quy định tại các Điểm a, c, d và đ Khoản 1 Điều 8 Nghị định này thuộc địa phương.
b) Thủ tục:
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này đề nghị cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ gồm:
- 01 đơn đề nghị cấp phép ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang (Mẫu số 03);
- 01 bản nội dung chương trình, tác giả, đạo diễn, người biểu diễn; danh mục bộ sưu tập và mẫu phác thảo thiết kế đối với trình diễn thời trang;
- 01 bản nhạc hoặc kịch bản đối với tác phẩm đề nghị công diễn lần đầu;
- 01 bản gốc hoặc bản sao chứng thực giấy mời hoặc văn bản thỏa thuận với tổ chức nước ngoài (bản dịch tiếng Việt có chứng nhận của công ty dịch thuật);
- 01 bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có chức năng hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Điều 10. Thời hạn cấp phép và hiệu lực của giấy phép
1. Thời hạn thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép:
a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu thấy hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
c) Đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, lễ hội, chương trình có bán vé thu tiền và các chương trình biểu diễn với mục đích khác, khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu duyệt chương trình, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép phải tổ chức để Hội đồng nghệ thuật duyệt chương trình trước khi biểu diễn.
2. Hiệu lực của giấy phép
Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp hạn chế về địa điểm biểu diễn quy định trong giấy phép.
Điều 11. Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam
1. Khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại trụ sở không phải đề nghị cấp giấy phép nhưng phải thực hiện quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định này.
2. Khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang ngoài trụ sở hoặc nơi cư trú, phải thông qua đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này. Trường hợp mời tổ chức, cá nhân nước ngoài, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này.
Điều 12. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không bán vé, thu tiền
1. Tổ chức, cá nhân tổ chức cho đoàn nghệ thuật, người Việt Nam biểu diễn nhằm mục đích phục vụ nội bộ hoặc biểu diễn tại các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát không bán vé, thu tiền xem biểu diễn, không phải đề nghị cấp giấy phép nhưng phải thực hiện các quy định có liên quan tại Điều 7 và các quy định khác tại Nghị định này.
2. Trong chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có sự tham gia của cá nhân nước ngoài, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này.
Điều 13. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang của lực lượng vũ trang
1. Tổ chức thuộc lực lượng vũ trang tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang phục vụ nội bộ, phục vụ nhiệm vụ chính trị; tổ chức, cá nhân thuộc lực lượng vũ trang ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; tổ chức, cá nhân thuộc lực lượng vũ trang nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang thực hiện theo quy định của Bộ chủ quản.
2. Trường hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang nhằm mục đích kinh doanh thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
Điều 14. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang của cơ quan phát thanh, cơ quan truyền hình
1. Khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong trụ sở cơ quan phát thanh, cơ quan truyền hình hoặc nhằm mục đích phát sóng, người đứng đầu cơ quan phát thanh, cơ quan truyền hình chịu trách nhiệm về nội dung chương trình và không phải đề nghị cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.
2. Trường hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang nhằm mục đích kinh doanh, ngoài trụ sở của cơ quan phát thanh, cơ quan truyền hình thực hiện theo quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều 9 Nghị định này.
Điều 15. Biểu diễn nghệ thuật quần chúng
1. Khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng không phải đề nghị cấp giấy phép nhưng phải thực hiện các quy định tại Điều 6, các Khoản 1, 2 và 3 Điều 7 Nghị định này và các quy định cụ thể sau:
a) Khi tổ chức trong khu dân cư, trong nội bộ nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cơ sở do người tổ chức chịu trách nhiệm;
b) Khi tổ chức ngoài phạm vi nội bộ, phải thông báo bằng văn bản về mục đích, phạm vi, nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi biểu diễn ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày biểu diễn.
2. Đoàn nghệ thuật quần chúng khi biểu diễn ở địa phương khác phải thông báo bằng văn bản cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại địa phương nơi biểu diễn ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày biểu diễn về nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn, người chịu trách nhiệm tổ chức.
3. Đoàn nghệ thuật quần chúng khi biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có bán vé, thu tiền thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
Điều 16. Tổ chức các cuộc thi và liên hoan các loại hình nghệ thuật
Việc tổ chức thi và liên hoan các loại hình nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.
Chương III
THI NGƯỜI ĐẸP VÀ NGƯỜI MẪU
Điều 17. Đối tượng tổ chức thi người đẹp và người mẫu
1. Tổ chức Việt Nam có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
2. Tổ chức nước ngoài phối hợp với tổ chức Việt Nam có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật để tổ chức cuộc thi tại Việt Nam.
Điều 18. Tên gọi và số lượng các cuộc thi người đẹp trong nước
1. Cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc được gọi tên là thi Hoa hậu.
2. Đối với cuộc thi người đẹp khác, căn cứ vào mục đích, ý nghĩa và tiêu chí cuộc thi, Ban tổ chức đặt tên cho phù hợp.
3. Số lượng các cuộc thi người đẹp hàng năm được quy định như sau:
a) Đối với cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc mỗi năm tổ chức không quá 02 lần;
b) Đối với cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể trung ương, mỗi năm tổ chức không quá 03 lần;
c) Đối với cuộc thi người đẹp cấp tỉnh, mỗi năm tổ chức không quá 01 lần;
d) Đối với cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm để xem xét, quyết định.
Điều 19. Điều kiện đối với thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu trong nước
1. Đối với thí sinh dự thi người đẹp:
a) Là nữ công dân Việt Nam, từ đủ mười tám tuổi trở lên, có vẻ đẹp tự nhiên;
b) Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;
c) Không có tiền án; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi do Ban tổ chức quy định.
2. Đối với thí sinh dự thi người mẫu:
a) Là nam, nữ công dân Việt Nam, từ đủ mười tám tuổi trở lên;
b) Đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điểm b, c, d Khoản 1 Điều này.
Điều 20. Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp và người mẫu
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp và người mẫu đối với:
a) Cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc;
b) Cuộc thi người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam;
c) Cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam (sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ).
2. Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu đối với:
a) Cuộc thi người mẫu có quy mô toàn quốc;
b) Cuộc thi người đẹp có quy mô vùng, ngành, đoàn thể trung ương.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp và người mẫu đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu trong phạm vi địa phương.
Điều 21. Thủ tục cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu
1. Tổ chức đề nghị cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ gồm:
a) 01 đơn đề nghị cấp giấy phép tổ chức cuộc thi (Mẫu số 04);
b) 01 đề án tổ chức cuộc thi, trong đó nêu rõ: Thể lệ cuộc thi, quy chế hoạt động của Ban tổ chức, Ban giám khảo;
c) 01 văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi dự định tổ chức;
d) 01 bản sao chứng thực hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận giữa tổ chức Việt Nam với tổ chức nước ngoài (bản dịch tiếng Việt có chứng nhận của công ty dịch thuật, đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam).
2. Tổ chức nước ngoài tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế tại Việt Nam phải phối hợp với tổ chức Việt Nam có chức năng hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tổ chức Việt Nam nộp hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Thời hạn cấp phép:
Trong thời hạn 15 ngày làm việc (đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước) và 30 ngày làm việc (đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 22. Điều kiện và thủ tục cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế
1. Điều kiện đối với thí sinh:
a) Đã đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước;
b) Được một tổ chức trong nước có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật làm đại diện thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế và đưa đi dự thi.
2. Thủ tục cấp giấy phép cho thí sinh tham dự cuộc thi người đẹp và người mẫu quốc tế:
Tổ chức đại diện đề nghị cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn. Hồ sơ gồm:
a) 01 đơn đề nghị cấp giấy phép dự thi (Mẫu số 05);
b) 01 bản sơ yếu lý lịch của thí sinh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;
c) 01 đơn đăng ký dự thi của thí sinh;
d) 01 bản sao chứng thực giấy mời tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế của tổ chức nước ngoài;
đ) 01 bản sao chứng thực bằng chứng nhận danh hiệu của cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước.
3. Thời hạn cấp giấy phép: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chương IV
LƯU HÀNH, KINH DOANH BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH CA MÚA NHẠC,
SÂN KHẤU; PHỔ BIẾN TÁC PHẨM
Điều 23. Bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
1. Bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu được lưu hành và kinh doanh quy định tại Nghị định này bao gồm băng cát-xét, băng video, đĩa CD, VCD, DVD, CD-ROM, đĩa vi tính, Ic chips và các loại phương tiện, thiết bị vật liệu khác có nội dung các loại hình nghệ thuật biểu diễn, thời trang, người đẹp và thể thao.
2. Các tổ chức, cá nhân lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thực hiện quy định của Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan.
Điều 24. Thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
1. Bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 3 Điều này cấp giấy phép phê duyệt nội dung.
2. Các tổ chức, cá nhân muốn lưu hành hoặc nhập khẩu bản ghi âm, ghi hình có nội dung ca múa nhạc, sân khấu phải là tổ chức có chức năng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm quyền cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu:
a) Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu do các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương sản xuất hoặc nhập khẩu;
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu do các tổ chức thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu.
4. Thủ tục cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm ghi hình ca múa nhạc, sân khấu:
Tổ chức đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ gồm:
a) 01 đơn đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung (Mẫu số 06);
b) 01 danh mục tác giả, tác phẩm, người biểu diễn;
c) 01 bản nhạc và lời hoặc kịch bản văn học (đối với tác phẩm nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt có chứng nhận của công ty dịch thuật);
d) 01 bản ghi âm, ghi hình có nội dung ca múa nhạc, sân khấu;
đ) 01 bản sao chứng thực quyết định cho phép tác giả, tác phẩm và người biểu diễn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia biểu diễn (nếu trong chương trình có sử dụng tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia biểu diễn);
e) 01 mẫu thiết kế vỏ bản ghi âm, ghi hình;
g) 01 bản sao chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có chức năng hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu bản ghi âm, ghi hình.
5. Thời hạn cấp giấy phép:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm cấp giấy phép phê duyệt nội dung. Trường hợp không cấp giấy phép phê duyệt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 25. Thẩm quyền, thủ tục cấp nhãn kiểm soát bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
1. Bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu được cấp giấy phép phê duyệt nội dung, trước khi lưu hành rộng rãi phải dán nhãn kiểm soát theo quy định.
2. Thẩm quyền cấp nhãn kiểm soát bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu:
a) Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp nhận hồ sơ và cấp nhãn kiểm soát dán trên bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu do các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương sản xuất hoặc nhập khẩu;
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận hồ sơ và cấp nhãn kiểm soát dán trên bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu do các tổ chức thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu.
3. Thủ tục cấp nhãn kiểm soát:
Tổ chức sản xuất hoặc nhập khẩu bản ghi âm, ghi hình gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ gồm:
a) 01 đơn đề nghị cấp nhãn kiểm soát (Mẫu số 07);
b) 01 tờ khai hải quan hàng nhập khẩu và giấy phép phê duyệt nội dung chương trình (đối với bản ghi âm, ghi hình nhập khẩu);
c) 01 văn bản ủy quyền đề nghị cấp nhãn kiểm soát (đối với trường hợp có sự ủy quyền đề nghị cấp nhãn kiểm soát).
4. Thời hạn cấp nhãn kiểm soát:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm cấp nhãn kiểm soát. Trường hợp không cấp nhãn kiểm soát phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
5. Bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã dán nhãn kiểm soát có hiệu lực lưu hành trên toàn quốc và khai báo hải quan khi thực hiện xuất khẩu.
Điều 26. Lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp nhãn kiểm soát, tổ chức được cấp giấy phép phải nộp lưu chiểu 02 bản ghi âm, ghi hình tại cơ quan cấp giấy phép; cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm nhận và lưu giữ bản ghi âm, ghi hình trong thời hạn 02 năm. Hết thời hạn lưu chiểu, cơ quan cấp giấy phép xử lý bản ghi âm, ghi hình lưu chiểu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 27. Phân phối bản ghi âm ca múa nhạc, sân khấu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài
Tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam chỉ được phân phối bản ghi âm ca múa nhạc, sân khấu trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 28. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh, thương mại và đầu tư.
2. Việc xuất khẩu, nhập khẩu bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu không nhằm mục đích kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 29. Phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu
1. Tổ chức, cá nhân phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu trực tiếp trước công chúng và nơi công cộng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
2. Các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm phải thực hiện quy định tại Khoản 3 Điều này và các quy định của pháp luật về xuất bản.
3. Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn. Hồ sơ gồm:
a) 01 đơn đề nghị cấp phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 ở các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Mẫu số 08);
b) 01 bản sao bản nhạc hoặc kịch bản sân khấu (có chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả);
c) 01 bản sao chứng thực chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của tác giả (đối với cá nhân đề nghị cho phép phổ biến);
d) 01 bản sao chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với tổ chức đề nghị cho phép phổ biến);
đ) 01 bản sao chứng thực văn bản nhận xét của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại (đối với cá nhân đề nghị phổ biến lần đầu);
e) 01 bản ghi âm có nội dung tác phẩm.
4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
2. Bãi bỏ các văn bản sau đây:
a) Chương II và Chương III Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ;
b) Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT ngày 02 tháng 7 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin;
c) Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp ban hành kèm theo Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
d) Quy chế sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu hành, kinh doanh băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình ca nhạc, sân khấu ban hành kèm theo Quyết định số 55/1999/QĐ-BVHTT ngày 05 tháng 8 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin;
đ) Thông báo số 5 (Văn bản số 453/VHTT-TB ngày 28 tháng 02 năm 1995 của Bộ Văn hoá - Thông tin) về việc sử dụng những bài hát sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam;
e) Mục II Điều 1 và Mục II Điều 2 Thông tư số 07/2011/TT- BVHTTDL ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Bãi bỏ các quy định do các Bộ, ngành và địa phương ban hành có nội dung trái với các quy định tại Nghị định này.
Điều 31. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng
---------------------------------------------------------
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 03/2013/TT-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2013
THÔNG TƯ
Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10
năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp
và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
___________________________
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn;
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Điều 1. Các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác
Các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP bao gồm: Khiêu vũ nghệ thuật; Trình diễn trong nghệ thuật sắp đặt; Nghệ thuật trình diễn đường phố.
Điều 2. Thông báo về nội dung chương trình
Việc thông báo về nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP thực hiện theo quy định sau:
1. Tổ chức hoặc cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ thông báo đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức. Bộ hồ sơ gồm:
a) Văn bản thông báo của tổ chức, cá nhân (Mẫu 01).
b) Bản sao có chứng thực Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang hoặc Quyết định cho phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép (kèm theo bản gốc để đối chiếu).
c) Bản sao có chứng thực Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (kèm theo bản gốc để đối chiếu).
2. Trong thời hạn 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi tiếp nhận thông báo có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và trả lại các bản gốc sau khi đối chiếu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyền không đồng ý việc tổ chức trong trường hợp quốc tang, thiên tai, dịch bệnh, an ninh, chính trị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, đời sống, sinh hoạt, an toàn xã hội tại địa phương.
Điều 3. Hội đồng nghệ thuật
Hội đồng nghệ thuật duyệt chương trình quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định như sau:
1. Hội đồng nghệ thuật do Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập, hoạt động theo quy chế do cơ quan thành lập ban hành.
2. Thành viên Hội đồng nghệ thuật gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các nhà chuyên môn.
3. Hội đồng nghệ thuật có nhiệm vụ: Thẩm định, tư vấn về nội dung, hình thức và chất lượng nghệ thuật các chương trình; nhận định, đánh giá, kết luận về hành vi thiếu văn hóa, trang phục, hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Biên bản kết luận của Hội đồng nghệ thuật là một trong những căn cứ cho phép biểu diễn hoặc xử lý sai phạm (Mẫu 02).
Điều 4. Hiệu lực của giấy phép
Hiệu lực của giấy phép quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định như sau:
1. Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang do Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp hạn chế về địa điểm biểu diễn quy định trong giấy phép.
2. Giấy phép cấp cho nghệ sĩ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước biểu diễn có thời hạn 06 tháng.
Điều 5. Tổ chức thi và liên hoan các loại hình nghệ thuật
Việc tổ chức thi và liên hoan các loại hình nghệ thuật quy định tại Điều 16 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP thực hiện như sau:
1. Thẩm quyền tổ chức:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật, năng lực tổ chức, tính hiệu quả của mỗi cuộc thi, liên hoan giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam) chủ trì tổ chức.
2. Thời gian tổ chức:
a) Cuộc thi dành cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp gồm các loại hình: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói, Dân Ca kịch và nghệ thuật ca, múa, nhạc là 03 năm một lần.
b) Cuộc thi dành cho nhóm nghệ sỹ, cá nhân nghệ sỹ cho các loại hình sân khấu và ca, múa, nhạc là 03 năm một lần.
c) Các cuộc liên hoan tổ chức xen kẽ trong khoảng thời gian giữa hai kỳ tổ chức các cuộc thi. Thời gian tổ chức liên hoan đối với từng loại hình nghệ thuật là 03 năm một lần.
d) Các cuộc thi, liên hoan quốc tế do Việt Nam đăng cai, thực hiện theo Đề án của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
3. Cơ cấu giải thưởng:
a) Giải thưởng cuộc thi dành cho các đơn vị nghệ thuật:
- Huy chương vàng, Huy chương bạc cho vở diễn, chương trình, tiết mục, nghệ sỹ biểu diễn;
- Giải xuất sắc nhất cho nhóm nghệ sỹ, tác giả, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ, biên đạo, chỉ huy dàn nhạc, thiết kế phục trang, thiết kế âm thanh, ánh sáng.
b) Giải thưởng cuộc thi dành cho nhóm nghệ sỹ, cá nhân nghệ sỹ biểu diễn: Huy chương vàng, Huy chương bạc.
c) Giải thưởng các liên hoan trong nước: Huy chương vàng, Huy chương bạc cho chương trình, tiết mục gắn với nhóm nghệ sỹ hoặc cá nhân nghệ sỹ biểu diễn.
d) Giải thưởng các cuộc thi, liên hoan trong nước kèm theo tiền thưởng và Giấy chứng nhận. Mức tiền thưởng do Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
e) Giải thưởng Liên hoan quốc tế: Huy chương vàng, Huy chương bạc cho chương trình, tiết mục gắn với đơn vị và nghệ sỹ biểu diễn, kèm theo Giấy chứng nhận và Cúp lưu niệm.
Điều 6. Điều kiện đối với thí sinh dự thi người đẹp
Thí sinh có vẻ đẹp tự nhiên quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP là thí sinh không qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Điều 7. Đề án tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu
Đề án tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP gồm các nội dung sau:
1. Tên cuộc thi thể hiện bằng tiếng Việt (Trường hợp tên cuộc thi có sử dụng tiếng nước ngoài thì viết tên bằng tiếng Việt trước, tên nước ngoài sau).
2. Mục đích, ý nghĩa của cuộc thi.
3. Thể lệ cuộc thi quy định rõ điều kiện, tiêu chí của thí sinh dự thi.
4. Nội dung, trình tự tổ chức, thời gian và địa điểm tổ chức cuộc thi.
5. Danh hiệu, cơ cấu giải thưởng, giá trị giải thưởng và thời gian trao giải.
6. Trách nhiệm và quyền lợi của người tổ chức, thí sinh dự thi và thí sinh đạt giải.
7. Dự kiến thành phần Ban Chỉ đạo.
8. Dự kiến danh sách Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và Quy chế hoạt động.
9. Dự kiến kinh phí tổ chức cuộc thi.
10. Đơn đăng ký dự thi của thí sinh (Mẫu 03).
Điều 8. Ban Giám khảo
Ban Giám khảo cuộc thi người đẹp, người mẫu quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định như sau:
1. Mỗi cuộc thi người đẹp, người mẫu chỉ thành lập 01 (một) Ban Giám khảo.
2. Ban Giám khảo gồm các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực: nhân trắc học, mỹ học, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, nhiếp ảnh, xã hội học. Tùy theo tính chất của từng cuộc thi, Ban Tổ chức có thể mời thêm các nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác.
3. Cơ quan cấp phép, đơn vị tổ chức, nhà tài trợ không tham gia Ban Giám khảo.
Điều 9. Danh hiệu chính
Danh hiệu chính tại cuộc thi người đẹp, người mẫu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP là một trong ba danh hiệu trao cho thí sinh đạt điểm cao nhất, được tính từ cao xuống thấp trong một cuộc thi người đẹp, người mẫu.
Điều 10. Tổ chức, cá nhân lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
Tổ chức, cá nhân lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP là doanh nghiệp, nhà xuất bản, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác có chức năng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Điều 11. Xử lý bản ghi âm, ghi hình hết thời hạn lưu chiểu
Việc xử lý bản ghi âm, ghi hình hết thời hạn lưu chiểu quy định tại Điều 26 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP thực hiện như sau:
1. Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thanh lý hoặc tiêu hủy công khai bản ghi âm, ghi hình hết thời hạn lưu chiểu.
2. Hồ sơ thanh lý hoặc tiêu hủy gồm:
a) Quyết định thành lập Hội đồng thanh lý hoặc tiêu hủy bản ghi âm, ghi hình hết thời hạn lưu chiểu do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Thành viên Hội đồng thanh lý gồm lãnh đạo cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này, đại diện Phòng chuyên môn, Phòng Tài chính, Văn phòng và Thanh tra Nhân dân.
b) Biên bản thanh lý hoặc tiêu hủy bản ghi âm, ghi hình hết thời hạn lưu chiểu.
Điều 12. Ban hành kèm theo Thông tư này
1. Các mẫu Văn bản thông báo, Biên bản, Đơn đăng ký dự thi, Giấy phép, và Quyết định:
a) Mẫu 01: Văn bản thông báo tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.
b) Mẫu 02: Biên bản của Hội đồng nghệ thuật.
c) Mẫu 03: Đơn đăng ký dự thi người đẹp, người mẫu của thí sinh.
d) Mẫu 04: Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.
đ) Mẫu 05: Quyết định cho phép đoàn nghệ thuật, diễn viên nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.
e) Mẫu 06: Quyết định cho phép tổ chức cuộc thi người đẹp trong nước hoặc quốc tế.
g) Mẫu 07: Quyết định cho phép tổ chức cuộc thi người mẫu trong nước hoặc quốc tế.
h) Mẫu 08: Quyết định cho phép thí sinh tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế.
i) Mẫu 09: Quyết định phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc và sân khấu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu.
j) Mẫu 10a: Quyết định cho phép phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975.
Mẫu 10b: Quyết định cho phép phổ biến bài hát do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác.
k) Mẫu 11: Quyết định cấp nhãn kiểm soát dán trên bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu.
2. Mẫu nhãn kiểm soát dán trên bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Mẫu nhãn
kiểm soát
Điều 13. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 3 năm 2013.
2. Bãi bỏ các điều 4, 5 và 6 Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 12 năm 2009 quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ.
3. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân kiến nghị về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, chỉnh sửa./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Hoàng Anh Tuấn