Saturday, September 6, 2014

Vụ án hình sự: có thể giải quyết nội bộ với phía bị hại, không ra Tòa xét xử được không?


Hỏi: Tôi xin hỏi trong 1 vụ án mang tính chất hình sự : khi nào thì vụ án ấy không đưa ra tòa xét xử? Nếu gia đình người bị hại họ không có ý kiến cũng như không mong muốn đưa ra tòa mà họ chỉ mong muốn giải quyết nội bộ giữa 2 bên thì bên công an có trách nhiệm đưa ra tòa không ạ ? Với trường hợp gia đình bị hại chỉ cần bồi thường bằng tiền thì công an có cần vào cuộc không ạ ? Nếu vẫn đưa ra tòa xử thì em có nên mời luật sư bào chữa cho người nhà mình không ạ? Em chân thành mong muốn được luật sư giải đáp (Pham M.)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Nói tới vụ án hình sự, tức là nói tới việc Cơ quan tiến hành tố tụng (của Nhà nước, gồm công an, Viện kiểm sát và Tòa án) điều tra và đưa ra truy tố một/hoặc nhiều người có “hành vi nguy hiểm cho xã hội” ( hành vi như vậy gọi là “tội phạm”).

Các hành vi bị xem là “gây nguy hiểm cho xã hội” khi làm ảnh hưởng, gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, tài sản của người khác ( tương ứng với các tội cố ý gây thương tích, giết người, vu khống, lừa đảo chiếm đoạt tài sản ..), hoặc đến an toàn, an ninh xã hội…(tương ứng với các tội như mua bán trẻ em, môi giới mại dâm, mua bán chất ma túy …)…vv.

Thông thường, trong vụ án hình sự, người bị đưa ra truy tố gọi là “bị cáo”, còn phía bên bị xâm hại về quyền lợi gọi là “bị hại”. Về nguyên tắc, bị cáo ngoài việc bị trừng phạt (kết tội) – xét về mặt trách nhiệm hình sự, còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại – xét về mặt trách nhiệm dân sự.

Ví dụ: Bị cáo A đã có hành vi đánh anh B gãy chân và bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích. Tòa án đã tuyên phạt A 3 năm tù và còn buộc A phải bồi thường tiền khám chữa bệnh cho anh B 10 triệu đồng. Trong trường hợp này, số tiền 10 triệu đồng chính là tiền “trách nhiệm dân sự”.

Về nguyên tắc, nói chung “trách nhiệm hình sự” và “trách nhiệm dân sự” không liên quan với nhau. Tức là cho dù (theo ví dụ trên) anh B đã nhận tiền bồi thường và thậm chí có đơn bãi nại cho anh A (tức là xin cơ quan tiến hành tố tụng không truy tố xét xử anh A) thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không chấp nhận mà vẫn đưa anh A ra xét xử. Vì xử ở đây là xử “hành vi phạm tội” (tức là chuyện hình sự) chứ không phải là xử chuyện bồi thường thiệt hại (là chuyện dân sự).

Tuy nhiên, theo qui định tại Bộ luật tố tụng hình sự, vẫn có một số tội danh mà luật qui định chỉ đưa ra truy tố, xét xử theo yêu cầu của bị hại. Tức là nếu người bị hại có yêu cầu thì Tòa mới xử, còn bị hại không yêu cầu/ hoặc đã yêu cầu nhưng nay muốn bãi nại, muốn rút yêu cầu – như trường hợp bạn nêu – thì Tòa án (hoặc công an, Viện kiểm sát – tùy theo vụ án đang ở giai đoạn nào) sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, không truy cứu trách nhiệm hình sự của người có “hành vi nguy hiểm” nữa.

Cụ thể đó là trường hợp các tội sau đây (quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự):

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác – mức độ nhẹ (khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự)

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 105 Bộ luật hình sự).

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 106 Bộ luật hình sự)

- Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 108 Bộ luật hình sự)

- Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 109 Bộ luật hình sự)

- Tội hiếp dâm (Điều 111 Bộ luật hình sự)

- Tội cưỡng dâm (Điều 113 Bộ luật hình sự).

- Tội làm nhục người khác (Điều 121 Bộ luật hình sự)

- Tội vu khống (Điều 122 Bộ luật hình sự).)

- Tội xâm phạm quyền tác giả (Điều 131 Bộ luật hình sự).

- Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171 Bộ luật hình sự).

Tuy nhiên Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định: “Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Tuy nhiên, nếu có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”.

Đối chiếu với các qui định nêu trên, có thể nói tóm gọn thế này: nếu người nhà của bạn phạm vào một trong các tội nêu trên – thì bạn và gia đình nên chủ động liên hệ với phía bị hại để xin lỗi, bồi thường và xin họ làm đơn bãi nại cho mình. Nếu thực sự tỏ ra ăn năn, hối hận và bồi thường thỏa đáng thì khả năng thành công là khá cao ( có thể nhờ người giỏi ăn nói đi giúp).

Còn việc có nên mời luật sư hay không (trường hợp tòa vẫn xét xử) thì theo tôi là nên, rất nên. ( Bạn tham khảo bài “ Hỏi về việc thuê luật sư trong vụ án hình sự”). Chúc mọi việc tốt đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành chính – Hình sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn